Những ngày này, nông dân cả nước đang phải gồng mình chống chọi với nắng nóng, dịch bệnh, ước tính ngành nông nghiệp thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Điều này là minh chứng nhắc lại cho chúng ta thấy, triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) có tầm quan trọng và ý nghĩa rất to lớn đối với nông nghiệp và nông dân.
|
Tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp cho nông dân hạn chế thiệt hại khi gặp rủi ro. Ảnh: Bá Hoạt |
Tính xã hội và những cuộc thí điểm
Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, có đến 70% dân số sống ở nông thôn. Gần đây, mỗi năm, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cướp đi từ 13 đến 15 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách nhà nước hằng năm chỉ dành từ 200 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng (chưa tính ngân sách địa phương) để hỗ trợ nông dân đối phó dịch bệnh. Tuy nhiên, thống kê của Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tỷ trọng tham gia bảo hiểm của nông dân rất thấp, chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Điều đáng nói, đã có một số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực BHNN nhưng đều thất bại, trong đó có Bảo Việt và Groupama Việt Nam. Trao đổi với Hànộimới, Bảo Việt cho rằng, BHNN không phải là nghiệp vụ kinh doanh đơn thuần mà nó mang tính xã hội rất cao, khó có thể thực hiện thành công nếu như Nhà nước chưa xây dựng một chính sách về BHNN. Cũng theo lý giải của nhiều chuyên gia về bảo hiểm, nếu chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp bảo hiểm nào mặn mà với BHNN, bởi đây là loại hình kinh doanh có rủi ro cao. Trong khi đó, người dân chưa có thói quen và chưa hiểu biết nhiều về BHNN.
Có một thực tế là với nhiều loại cây, vật nuôi nhiều rủi ro, người nông dân muốn mua bảo hiểm thì các doanh nghiệp bảo hiểm không dám nhận và ngược lại. Ông Lê Quý Đăng, Cục phó Cục HTX&PTNT (Bộ NN&PTNT) cho rằng, BHNN chưa phát triển là do "tiếng nói" của nông dân và doanh nghiệp bảo hiểm chưa gặp nhau. Vụ Bảo hiểm cũng nhìn nhận, chúng ta chưa có một phương pháp đánh giá nào chính xác, giúp doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro và phân định thiệt hại một cách khách quan trong sản xuất nông nghiệp.
Vấn đề nóng: Thay đổi nhận thức
Sau thất bại của Bảo Việt và Groupama Việt Nam, đến nay chưa có thêm một hãng bảo hiểm nào "dấn thân" vào thị trường BHNN. Để hóa giải "cơn khát" bảo hiểm cho ngành nông nghiệp, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án "Thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2010-2012". Theo đó, người tham gia BHNN sẽ được hưởng lợi cao hơn người không tham gia trên cùng địa bàn. Nếu đề án được phê duyệt, ngay trong năm nay, hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN có thể được hỗ trợ cao nhất 80% đến 90% phí bảo hiểm. Hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo được hỗ trợ 60%. Mức hỗ trợ 50% được áp dụng cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã…).
Theo tính toán, với phương án hỗ trợ 90%, nông dân mua bảo hiểm bò sữa đáng lẽ phải nộp phí 320 nghìn đồng/năm (5% giá trị bảo hiểm), nay chỉ mất 32 nghìn đồng, Nhà nước hỗ trợ 288 nghìn đồng. Trong trường hợp bò bị chết, người dân không mua bảo hiểm chỉ nhận được tối đa 800 nghìn đồng/con, nhưng nếu đóng bảo hiểm, tổng số tiền được bồi thường có thể lên đến 7,2 triệu đồng/con bò. Ông Trần Thế Xường, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), thành viên ban soạn thảo đề án cho biết, cả nước có 10 triệu hộ nông dân thì hơn một nửa số hộ này tham gia chăn nuôi. Nếu hộ nào cũng mua bảo hiểm thì không doanh nghiệp bảo hiểm nào đủ nhân viên để thẩm tra, giám sát. Do vậy, đề án chỉ chọn những hộ làm trang trại với quy mô lớn tham gia thí điểm. Ngoài ra, theo tính toán của các doanh nghiệp bảo hiểm, thiệt hại do thiên tai gây ra lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, chỉ cần bồi thường 20% mức thiệt hại thì mỗi năm các doanh nghiệp phải mất hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, không doanh nghiệp nào kham nổi. Ở một khía cạnh khác, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, cần có một công ty nhận tái BHNN cho những tổn thất vượt mức 50% để các doanh nghiệp yên tâm, ổn định tài chính, bảo đảm khả năng thanh toán cho những thiệt hại xảy ra dưới mức 50%.
Dù vô cùng bức thiết, nhưng triển khai BHNN cần có chiến lược dài hạn, vốn lớn, có đội ngũ chuyên gia nông học, có số liệu thống kê chi tiết về thiệt hại theo các loại dịch bệnh, thiên tai và từng địa phương, có hệ thống mạng lưới rộng khắp và đội ngũ cán bộ chuyên môn nhiệt tình… Nhiều chuyên gia cho rằng, BHNN là chính sách hay, nhưng để thành công điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của nông dân. Từ trước tới nay, nông dân sản xuất manh mún, chưa có thói quen mua bảo hiểm trong khi nguyên tắc khi tham gia BHNN là nông dân phải trích một phần lợi nhuận gửi công ty bảo hiểm để đề phòng trường hợp rủi ro...