Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không đánh thuế nhà: Bất lực nhìn đầu cơ?

Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Thuế nhà, đất. UBTV Quốc hội đã quyết định không đưa nhà vào diện chịu thuế nên đổi tên thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không đánh thuế nhà đồng nghĩa luật này không ngăn chặn được tình trạng đầu cơ nhà rất lớn hiện nay.

Cảnh hoang vắng ở khu biệt thự Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Cảnh hoang vắng ở khu biệt thự Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhà đất bỏ hoang, thị trường ức chế

TS Trần Du Lịch (đại biểu TPHCM) không đồng tình với đề xuất đưa nhà khỏi diện chịu thuế. Bởi như vậy, mục tiêu lớn nhất của dự luật này là chống tình trạng đầu cơ nhà đất sẽ không đạt được. Ông Lịch bày tỏ, từ sân bay Nội Bài vào trung tâm Hà Nội thấy nhiều biệt thự bỏ hoang.

Lấy ý từ bài thơ Thăng Longthành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan, vị tiến sỹ kinh tế này cho rằng, bây giờ Hà Nội không phải nền cũ nữa mà là “nền mới lâu đài bóng tịch dương”. Biệt thự hàng chục tỷ đồng bỏ hoang, trong khi nhiều người dân chưa có nhà ở. “Người có nhà cao cửa rộng nhìn những khu biệt thự này thì thấy vui mắt, còn dân nghèo họ nghĩ sao?”- Ông Lịch nói.

Theo ông, người dân chưa đồng tình thuế nhà do chúng ta giải thích không rõ, đánh thuế nhà là công cụ tài chính chống đầu cơ, điều tiết xã hội, chỉ đánh thuế từ căn nhà thứ hai.

Ông Lịch đề xuất, trước mắt chưa nên thông qua luật này mà sửa Pháp lệnh Thuế nhà, đất hiện hành, để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách. Quốc hội cần tiến hành ngay một cuộc giám sát về tình trạng bỏ hoang nhà đất hiện nay. Chính tình trạng này đã gây ức chế thị trường, là nguyên nhân chủ yếu khiến giá đất Việt Nam cao bất thường, làm cản trở quá trình công nghiệp hóa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung đồng tình và đề nghị rà lại xem mục tiêu của luật so với yêu cầu thực tiễn, tác động đến đời sống như thế nào. Ông Dung cũng cho rằng, nếu chỉ vì mục tiêu thu ngân sách thì sửa pháp lệnh cũ là đủ. Trong khi yêu cầu lớn hơn là chống đầu cơ, hạ giá đất thì luật này không đảm bảo được. “Đáng ra khi Quốc hội thảo luận dự án luật này, giới đầu cơ phải nín thở nghe ngóng, còn chúng ta làm luật mà giá nhà đất ngoài thị trường vẫn tăng thì cần xem lại”- Ông Dung nói.

Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) khẳng định, chính việc đầu cơ đã đẩy giá nhà cao vô lý, khiến nhiều người làm công ăn lương không tiếp cận được. Nhiều dự án nhà cao tầng chưa xây xong đã bán hết, mà chủ yếu người mua để đầu cơ. Do vậy, không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế là chưa thỏa đáng.

Đánh thuế cao đất ngoài hạn mức

Theo dự thảo luật, sẽ đánh thuế lũy tiến đối với đất. Đất ngoài hạn mức sẽ chịu mức thuế cao nhất là 0,1%. Giá tính thuế ổn định theo chu kỳ 5 năm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, cần đánh thuế cao hơn đối với đất ngoài hạn mức, để chống tình trạng đầu cơ. Đại biểu Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) cho rằng, giá tính thuế tính theo chu kỳ 5 năm là quá dài, đề nghị để chu kỳ 3 năm bởi giá đất thay đổi hằng năm.

Mức thuế đất dự kiến

Diện tích trong hạn mức: 0,03%

Phần diện tích vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần: 0,06%

Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức: 0,1%

Đất sử dụng không đúng mục đích: 0,1%

Đất lấn chiếm: 0,15% 

Một điểm mới trong dự thảo luật là đất sử dụng sai mục đích, đất lấn chiếm cũng phải nộp thuế. Tuy nhiên, một số đại biểu lo ngại, quy định này sẽ hợp thức hóa sai phạm. Ông Lầu kiến nghị, đất lấn chiếm chỉ đánh thuế 0,15% là quá thấp, dễ khuyến khích người dân lấn chiếm, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) cũng cho rằng, không nên tận thu thuế từ đất lấn chiếm mà phải xử lý nghiêm hành vi này. Nếu sử dụng đất lấn chiếm cũng nộp thuế thì địa phương không tích cực quản lý đất đai, xử lý sai phạm rất khó.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, đất lấn chiếm tại đô thị là phải chịu mức thuế cao hơn. “Đành rằng sử dụng đất là phải đóng thuế nhưng luật cần quy định rõ ràng, tránh hiểu nhầm là, cứ đóng thuế sẽ được hợp pháp hóa, phạt cho tồn tại” - Ông Minh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận: Luật này chỉ góp một phần ngăn chặn đầu cơ, còn muốn chống đầu cơ phải đi kèm các chính sách thuế khác. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án luật này vào cuối kỳ họp.

Vì sao không đánh thuế nhà? 
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: UBTV quyết định không đánh thuế nhà bởi áp dụng thuế nhà tại thời điểm này chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đánh thuế nhà để chống đầu cơ nhưng trong thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ chỉ tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị nhà.

Áp dụng thuế nhà là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn

như máy bay, du thuyền…, nên chỉ đánh thuế nhà là chưa công bằng. Dự kiến số thu từ thuế nhà không lớn, trong khi chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Khi thiết kế ban đầu có dự kiến đánh thuế nhà, trên cơ sở giá trị nhà theo mét vuông sàn xây dựng. Tuy nhiên, nhà là phải nằm trên đất, giá trị căn nhà suy cho cùng là giá trị đất. Chúng ta gọi là đầu cơ nhà, thì căn nhà đó cũng phải nằm trên một diện tích đất nhất định. Do vậy, điều tiết riêng đất sẽ đỡ phức tạp hơn.

(Theo Tienphong Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • OECD: Nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới nhờ Châu Á
  • Thuế vụ: bài học từ Hi Lạp!
  • Sốt đất ở Hà Nội: Dấu hiệu của nạn "bong bóng"?
  • Đổi 5 khu đất lấy 1 con đường: Kiểm tra toàn dự án
  • Bão nợ châu Âu “cứu sống” thị trường nhà đất Mỹ
  • Bất động sản Hà Nội: “Trò chơi” của các đại gia
  • Giá vàng trồi, sụt bất thường: Đầu tư đầy may, rủi
  • Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam: Cơ hội và hiệu quả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!