Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ là việc làm cần thiết nhằm hạn chế xu thế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, tránh đô la hóa nền kinh tế, giúp thị trường tài chính trở nên lành mạnh hơn.
Theo quy định hiện hành, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng cho các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 4% trên tổng số dư tiền gửi. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ từ 12 tháng trở lên là 2%.
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, dự trữ bắt buộc đối với huy động ngoại tệ như trên là thấp. Tỷ lệ này cần phải tăng lên trước đòi hỏi của mục tiêu ổn định kinh tế kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự ổn định của đồng nội tệ.
Nên tăng…
Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc. Khi lãi suất huy động ngoại tệ giảm xuống, người dân sẽ chuyển sang gửi VND và các doanh nghiệp cũng giảm vay ngoại tệ do lãi suất do lãi vay tăng lên, từ đó giảm tình trạng găm giữ USD, tăng cung ngoại tệ cho thị trường. Đặc biệt, nó có thể giúp tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế giảm thiểu, bởi người dân không còn cảm thấy quá hấp dẫn khi giữ ngoại tệ.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng An Bình nhận định, tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp làm tăng chi phí của ngân hàng, do đó các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất huy động ngoại tệ để bù đắp. Điều này có lợi cho sự ổn định của VND, không khuyến khích người dân chuyển sang ngoại tệ gửi ngân hàng, bởi gửi lãi suất tiết kiệm USD không còn hấp dẫn.
TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm tăng lãi suất cho vay USD, bởi chi phí vốn càng lớn, lãi suất cho vay ngoại tệ càng cao. Khi đó, doanh nghiệp sẽ không mặn mà với việc vay ngoại tệ. Trong khi Ngân hàng Nhà nước khống chế tăng trưởng tín dụng, trong đó có tín dụng ngoại tệ, ở mức dưới 20% trong năm 2011, việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ là phù hợp. Đồng thời, tăng dự trữ bắt buộc cũng sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, lạm phát.
…ở mức bao nhiêu?
Theo nhiều chuyên gia tài chính - tiền tệ, tỷ lệ 4% và 2%/năm đối với dự trữ bắt buộc ngoại tệ là khá thấp, mức tăng cần tới mức 7% cho cả hai loại kỳ hạn là hợp lý. Nếu cơ quan điều hành muốn có những tác động tức thời, hiệu quả thì nên tăng ở mức 10%. Ví dụ, nếu lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện là 5%/năm và dự trữ bắt buộc tăng lên mức 10% thì lãi suất huy động thực tế mà các ngân hàng phải trả là 5,5%. Như vậy, để bù đắp chi phí hoạt động, các ngân hàng cộng thêm khoảng 3% thì lãi suất cho vay ngoại tệ vào sẽ vào khoảng 8,5 - 9%/năm. Với mức lãi suất này, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ phải rất cân nhắc khi vay.
Khi đó, ngân hàng sẽ phải tính đến việc giảm lãi suất huy động xuống còn khoảng 4%/năm để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh sự hấp dẫn của ngoại tệ không còn, thị trường vàng và bất động sản và TTCK đều khá ảm đạm, trong khi khoảng cách gần 10% giữa lãi suất huy động VND và USD sẽ khiến người dân chuyển đổi USD sang VND để gửi tiết kiệm.
Tóm lại, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ là việc làm cần thiết nhằm hạn chế xu thế đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, tránh đô la hóa nền kinh tế, giúp thị trường tài chính trở nên lành mạnh hơn. Động thái này được các chuyên gia tài chính tiền tệ nhận định, cả ngắn hạn và trung hạn đều có tác động tích cực đến nền kinh tế quốc dân.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com