Các giải pháp được Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra như kiểm soát ngoại tệ tự do, quy định trần lãi suất huy động USD và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ… được nhận định là cần nhưng chưa đủ trong việc giảm găm giữ ngoại tệ và chống đôla hóa nền kinh tế.
Dư luận đang đồng tình với một loạt các biện pháp trong kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do. Dù vậy, ngay cả khi thị trường tự do bị dẹp bỏ, thì liệu ngoại tệ có tập trung vào hệ thống ngân hàng, khi tâm lý găm giữ ngoại tệ vẫn nặng nề?
Giữ chặt hơn
Mặc dù Chính phủ đã ban hành văn bản yêu cầu 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán 30% số dư ngoại tệ gửi có kỳ hạn và bán hết số dư ngoại tệ gửi không kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng, tuy nhiên, tình trạng găm giữ ngoại tệ không chấm dứt, buộc Ngân hàng Nhà nước phải ban hành Thông tư quy định mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng USD của các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng chỉ còn 1% mỗi năm, thay vì 2,5 - 4,5% như trước. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn không muốn bán lại USD cho các ngân hàng thương mại. Theo các chuyên gia ngân hàng, ngoài chênh lệch tỷ giá, lãi suất tiền gửi USD tăng cao cũng là lý do khiến người dân và doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ, chưa kể tâm lý lo ngại lạm phát, giảm niềm tin vào đồng nội tệ…
Thời điểm này, những người cần USD thực sự cố “bấu víu” ngân hàng đều được trả lời “không có nguồn”. Trong 10 chi nhánh ngân hàng ghi nhận ngày 17/3, chỉ có Ngân hàng Á Châu (ACB) trả lời: Có, nhưng thủ tục để mua thì rất rườm rà và hạn mức không quá 7.000 USD.
Chị N.T.B.L (Biên Hòa, Đồng Nai) “có lý do chính đáng” để mua USD nhưng đến một chi nhánh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ở TP HCM để hỏi mua thì được trả lời “không có nguồn”. Nhân viên ngân hàng giải thích: “Có ai bán USD cho ngân hàng đâu mà ngân hàng có nguồn bán lại cho chị?”. Trước khi đến BIDV, chị L. đã đến Vietcombank, Techcombank, Agribank… và ba tiệm vàng ở khu vực quận 1, TP HCM nhưng không thể mua được USD.
Ông Nguyễn Văn Dũng (quận Bình Tân), có con đang du học Mỹ, cũng cho biết: “Muốn mua 3.000 USD chuyển cho con nhưng Vietcombank chi nhánh Kỳ Đồng (TP HCM) từ chối bán, với lý do “không có nguồn ”, ACB thì… “hết hạn mức”. Riêng những người muốn mua vài trăm USD, 1.000 USD để đi du lịch thì… coi như tắt hy vọng.
Ghìm lãi suất để USD “bung”
Một trong những lý do khiến ngân hàng đẩy lãi suất huy động USD lên cao trong thời gian qua là chênh lệch lãi suất cho vay nội - ngoại tệ quá cao, khiến cầu tín dụng ngoại tệ tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đã chạy đua tăng lãi suất để hút vốn USD.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân đưa ra đề nghị khống chế lãi suất huy động USD. Khi lãi suất gửi USD không hấp dẫn, người dân và doanh nghiệp sẽ giảm găm giữ mà bán lại cho ngân hàng. Mức giảm theo ông Ngân, phải dần dần chứ không đột ngột, có thể là 6% hạ xuống 5% một năm và 3% một năm.
Cuối tuần này, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia sẽ bàn việc nên hay không nên tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Theo tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ IMF, nếu tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc trên tổng số dư tiền gửi, các ngân hàng sẽ phải tính toán lại hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Nếu đẩy lãi suất cho vay lên cao hơn để có lợi nhuận thì khách hàng không kham nổi lãi suất cho vay quá cao. Ngân hàng buộc phải hạ lãi suất huy động USD khi tín dụng ngoại tệ giảm. Từ đó, người nắm giữ ngoại tệ phải cân nhắc khả năng bán ra. Tuy nhiên, Ngân hang Nhà nước phải có giải pháp tốt đề điều tiết cung tiền.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com