Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vẫn khó tiếp cận vốn sản xuất

Dù chủ trương của Ngân hàng (NH) Nhà nước là tập trung vốn cho khu vực sản xuất nhưng thực tế các doanh nghiệp, hộ dân thuộc các ngành, lĩnh vực ưu đãi vẫn không thể xoay xở nổi với lãi suất (LS) hiện nay.

Giám đốc một công ty mua và chế biến điều tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết với LS 20%/năm công ty làm là lỗ. Doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng để duy trì quan hệ với khách hàng, mặt khác huy động từ anh em bạn bè chứ không thể vay của NH  được.

Lãi suất ưu đãi vượt 21%/năm?


Vừa thả lứa cá giống, ông Lê Văn Tâm (Mỹ Phú, Châu Phú, An Giang) đi vay NH để lo cho đàn cá nhưng gõ cửa NH nào cũng không được. Bí quá, ông Tâm thế chấp đất ruộng làm hồ sơ vay theo mục đích trồng trọt mới được phòng giao dịch của Sacombank duyệt cho vay 300 triệu đồng với LS 1,8%/tháng (21,6%/năm).

Ông nhẩm tính vụ nuôi kéo dài sáu tháng thì tiền lãi lên đến hơn 32 triệu đồng, trong khi giá con giống, giá thức ăn và xăng dầu, điện chạy bơm nước... đều kéo nhau tăng. “Nếu giá cá giảm thì tiền lời có đủ đóng lãi cho NH?” - ông than thở.

Lúa đông xuân vừa bước vào đợt thu hoạch rộ, bà Nguyễn Thị Lan (chủ nhà máy xay xát ở Phú Long, Phú Tân) đặt vấn đề vay NH 3 tỉ đồng để mua lúa về chế biến cung ứng gạo cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhưng LS lên đến 1,8%/tháng, vị chi mỗi ngày bà phải chịu lãi 1,8 triệu đồng. “Mua lúa hiện mỗi ký lời chỉ vài chục đồng, xăng dầu tăng giá thì phí vận chuyển tăng, giá điện tăng thì chi phí xay xát cũng tăng theo. Trong khi LS quá cao khiến chúng tôi phải tính lại” - bà Lan nói.

Dù thuộc diện ưu đãi nhưng vay vốn để mua lúa, thủy sản xuất khẩu doanh nghiệp cũng phải chịu LS 18-20%/năm. Nhiều đơn vị cho biết với giá cá tra nguyên liệu 25.000 đồng/kg, nông dân không bán trả chậm cả tháng như trước bắt buộc họ phải vay NH để thanh toán. “Giá cá nguyên liệu cao thế này xuất khẩu đã không có lời, cộng thêm LS cao nữa thì gần như doanh nghiệp nào cũng điêu đứng!” - ông Nguyễn Duy Nhứt, phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt, cho hay.

Tại An Giang, theo ông Lê Trọng Nghĩa - giám đốc NH Nhà nước tỉnh, kể từ giữa tháng 2-2011 mức LS cho vay của 17 đơn vị NH trên địa bàn tỉnh từ 17,5-21,36%/năm, trong đó phần lớn NH thương mại cổ phần có mức cho vay trên 20%/năm, một số đơn vị trên 21%/năm.

Doanh nghiệp cầm cự


Một doanh nghiệp xuất khẩu ống thép cho biết có một NH cổ phần vừa chào LS 18,5%/năm cho khoản vay 300 tỉ đồng để mở rộng công suất sản xuất ống thép xuất khẩu sang Campuchia và Myanmar. Mức LS dù đã giảm 1-1,5% so với trước nhưng theo ông, vẫn quá cao so với kỳ vọng của doanh nghiệp, nhất là khi trần LS huy động đã được kéo về 14%/năm. “Với LS như vậy doanh nghiệp phải lãi ít nhất 20% mới kham nổi lãi vay và cổ tức cho cổ đông. Trong bối cảnh hiện nay lợi nhuận 20% là điều không tưởng nên chúng tôi quyết định tạm dừng khoản vay này” - ông nói.

Ông Hoàng Thọ Vĩnh, giám đốc Công ty Thực phẩm dinh dưỡng miền Nam, cho biết doanh nghiệp cần vay 10 tỉ đồng để mở rộng mạng lưới phân phối và mua nguyên liệu dự trữ vì giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng nhưng NH thông báo LS cho vay lên đến 16-18%/năm, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. “Ước mong của hầu hết doanh nghiệp hiện nay là LS cho vay cần được hạ càng nhiều càng tốt, chứ để làm ra được tỉ suất lợi nhuận trên doanh số ở mức 5-6% cũng khó lắm rồi!” - ông nói.

Ông Nguyễn Thái Học, chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết LS cho vay hiện nay quá cao đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản gắn với nông nghiệp, nông thôn. Theo ông Học, đặc điểm của ngành điều là các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân đều rất thiếu vốn. So với các nước khác, doanh nghiệp điều VN kém hẳn lợi thế cạnh tranh về vốn cũng như về LS, vì các doanh nghiệp nước ngoài vay với LS thấp hơn nhiều. Do vậy, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có thể giữ lại sản phẩm để chọn thời điểm bán hàng tốt nhất thì doanh nghiệp trong nước không thể chờ đợi mà phải làm theo quy trình mua, chế biến và bán ngay.

(Báo Tuổi Trẻ)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • USD vẫn không ‘bung’
  • Tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ: Mũi tên trúng nhiều đích
  • Gỡ dần bài toán tỷ giá, lãi suất và lạm phát
  • Tại sao Yên đột ngột lên giá?
  • Sức khỏe của đồng tiền nội tệ là cần thiết
  • Gánh nặng nợ công của Nhật có thể trầm trọng hơn
  • Cuộc tái thiết Nhật Bản là cơ hội cho DN Việt Nam
  • TS Vũ Đình Ánh: Mặt trái của ODA với tăng tỷ giá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!