Doanh nghiệp được phép giao dịch ngoại hối kỳ hạn, tự thoả thuận tỷ giá, tự bảo toàn dự trữ ngoại hối và cân đối nhu cầu ngoại tệ thông qua ngân hàng.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng được Ngân hàng Nhà nước dự kiến thức hiện triển khai trong thời gian tới nhằm quản lý và bình ổn thị trường ngoại tệ theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng giải pháp này giúp đảm bảo ngoại tệ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, giúp doanh nghiệp tự cân đối nhu cầu ngoại tệ qua ngân hàng, đồng thời bảo toàn được dự trữ ngoại hối.
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho phép ngân hàng thương mại và khách hàng tự thoả thuận tỷ giá giao dịch ngoại tệ với kỳ hạn từ 3 tháng đến một năm. Với mặt hàng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cho phép thực hiện theo hình thức này để tránh gánh nặng phải dùng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu thực hiện, Bộ Tài chính và Công Thương cũng cần có cơ chế phù hợp để doanh nghiệp có thể hạch toán được chi phí vào giá bán.
Về vấn đề cho vay ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiến hành thu hẹp đối tượng được phép vay trong thời gian tới. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải bán ngay số ngoại tệ này cho tổ chức cho vay để quay nhanh đồng vốn, nguồn ngoại tệ doanh nghiệp thu được cũng phải trả ngay cho tổ chức tín dụng cho vay. Các đối tượng nhập khẩu được vay ngoại tệ nếu chứng minh được doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ thanh toán khi nợ đến hạn. Các nhu cầu ngoại tệ khác đều được chuyển sang hình thức mua – bán.
Liên quan đến nhu cầu ngoại tệ tiền mặt và kiều hối của cá nhân, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước mắt, sẽ ban hành Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng thu phí với việc bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân để chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ nhu cầu hợp pháp với mức phí tối đa là 2% so với tỷ giá niêm yết. Mức phí này nhằm bù đắp các chi phí nhập ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài và các khoản liên quan.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ ban hành quy định để cá nhân có thể mua, bán ngoại tệ tiền mặt và kiều hối với giá hợp lý, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần thu hút ngoại tệ vào ngân hàng, thu hẹp và tiến tới xoá bỏ thị trường tự do.
Một nội dung quan trọng khác cũng được đại diện Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ trong phiên họp chiều 18/3 là tinh thần của nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà cơ quan này đang dự thảo. Theo đó, lộ trình thực hiện siết chặt quản lý thị trường vàng dự kiến sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, kéo dài từ 6 tháng đến một năm, Nhà nước vẫn thừa nhận quyền sở hữu vàng miếng của tổ chức, cá nhân nhưng không cho phép lưu thông trên thị trường tự do. Người nắm giữ vàng miếng chỉ được bán cho một số đầu mối thu mua mà Ngân hàng Nhà nước chỉ định và không được phép mua lại.
Những đầu mối thu mua nói trên là các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Các đầu mối này sẽ thực hiện mua vàng và bán lại cho Ngân hàng Nhà nước hoặc cho các đơn vị sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ làm nguyên liệu sản xuất.
Sau giai đoạn nói trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hồi giấy phép sản xuất vàng miếng đã cấp cho doanh nghiệp. Các đầu mối thu mua chỉ được bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước mà không được bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Các doanh nghiệp làm trang sức chỉ được dùng nguồn vàng thu mua tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất. Trong trường hợp làm gia công cho nước ngoài thì được xem xét cho tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước khi đó, sẽ trực tiếp thực hiện việc nhập khẩu vàng hoặc thông qua các đầu mối chỉ định và bán lại cho doanh nghiệp gia công vàng trang sức.
Về việc quản lý thị truờng vàng trong nước, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia là rất cần thiết.
Tuy nhiên, sàn giao dịch vàng này không chỉ giao dịch vàng miếng mà nên có lộ trình cho phép kinh doanh cả vàng ảo giống như sàn giao dịch vàng của tất cả các nước trên thế giới.Tất nhiên, đi kèm phải là các cơ chế, công cụ phòng ngừa rủi ro.
Ông Bảng cũng cho rằng, không nên đưa ra những biện pháp hành chính để cấm người dân kinh doanh, tích trữ vàng mà phải tạo ra một thị trường vàng minh bạch, lành mạnh. Muốn vậy, Nhà nước nên xem xét cho phép xuất nhập khẩu vàng để thị trường được thông suốt, giảm nhập lậu, thất thu thuế, giảm tâm lý tích trữ của người dân.
TS. Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng cho rằng, việc quản lý thị truờng vàng trong nước thoát ly với thị trường vàng thế giới hiện nay (cấm nhập khẩu vàng, chỉ cho xuất khẩu vàng nữ trang, vàng thủ công mỹ nghệ) là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đầu cơ, tích trữ, xuất nhập lậu.
Chưa kể, việc duy trì chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cũng sẽ tạo ra các nhóm lợi ích cục bộ, gây méo mó tới các quyết định cơ chế, chính sách có liên quan.
PGS.TS. lê Hoàng Nga (Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng kiến nghị, nên cho phép xuất nhập khẩu vàng như loại hàng hóa thông thường, vấn đề là chính sách thuế và phí với xuất nhập khẩu vàng phải phù hợp. Loại vàng xuất khẩu có thể cho phép cả vàng miếng vì vàng trang sức và nguyên liệu gây tốn kém về chi phí cho DN xuất nhập khẩu vàng.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com