Việc xóa bỏ mọi loại trần lãi suất đã được nhiều chuyên gia đề xuất từ lâu. Ngân hàng Nhà nước đã bỏ trần lãi suất (được gọi là cho vay với lãi suất thỏa thuận) cho các khoản vay trung dài hạn và mới đây cả với các khoản cho vay ngắn hạn.
Bỏ trần lãi suất, ngân hàng không còn phải lách - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Trần lãi suất huy động vốn (10,5%/năm) không còn, và ngày hôm sau Tiền Phong có bài giật tít “Bắt đầu cuộc đua lãi suất huy động”.
Thực ra lãi suất huy động đã vượt cái trần (tuy không chính thức được công nhận là trần) lãi suất huy động 10,5%/năm từ khá lâu rồi. Cho nên đầu đề “Bắt đầu cuộc đua lãi suất huy động” và nội dung bài báo chỉ phản ánh cái bề mặt, vốn bị các quy định trần lãi suất làm cho méo mó, mà chưa nhận ra cái thực chất và như thế bài báo rất có thể khiến bạn đọc hiểu nhầm.
Nếu người ta đưa lãi suất tiền gửi cao nhất lên mức 11,6% hay 11,8%/năm, thì rất có thể thực sự người ta đã hạ lãi suất huy động xuống chứ không phải khởi động cuộc đua. Vì sao?
Nếu các ngân hàng chấm dứt các loại khuyến mãi và thưởng (một cách tăng lãi suất huy động để lách cái trần 10,5%) đã được tiến hành nhiều tháng nay khiến cho lãi suất huy động thực sự đã vượt quá trần lãi suất cho vay (12%) từ lâu và nay việc tăng lãi suất tiền gửi trên giấy lên gần 12% và làm đúng như thông báo thì, thực chất, các ngân hàng thực sự làm giảm chi phí huy động vốn của họ, hay giảm lãi suất huy động vốn.
Rất có thể cuộc đua hạ lãi suất huy động đã bắt đầu! Và với việc hạ lãi suất tiền gửi thực sự có thể dẫn đến hạ lãi suất cho vay. Nếu đúng thế, đó có thể là một dấu hiệu tích cực của chính sách của Ngân hàng Nhà nước. |
Do phải tuân thủ, trên giấy tờ, trần lãi suất huy động 10,5% nên lãi mà người gửi được nhận trên danh nghĩa, ghi trong sổ sách, thường là 10,48%/năm, nhưng các ngân hàng đã bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất huy động từ rất lâu rồi với các khoản khuyến mãi, thưởng, để lách quy định.
Thậm chí lãi suất huy động thực cao hơn 12%/năm rất nhiều mà minh chứng là việc các tập đoàn đấu giá lãi suất tiền gửi với các ngân hàng. Họ mang hàng trăm tỷ đồng đến ngân hàng và thẳng thắn mặc cả, nếu không trả giá mà họ yêu cầu, có khi lên đến 14,5%/năm, họ sẽ mang sang ngân hàng khác gửi.
Tóm lại, lãi suất tiền gửi thực tế đã quá 12%/năm từ lâu. Nay nếu không còn các khoản trá hình mà ngân hàng phải buộc đưa ra để lách, thì mức lãi suất 11,6% hay 11,8%/năm thực sự là thấp hơn mức mà họ đã phải trả, và như thế là hạ lãi suất tiền gửi, chứ đâu phải cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đã bắt đầu!
Rất có thể cuộc đua hạ lãi suất huy động đã bắt đầu! Và với việc hạ lãi suất tiền gửi thực sự có thể dẫn đến hạ lãi suất cho vay. Nếu đúng thế, đó có thể là một dấu hiệu tích cực của chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Bỏ lãi suất trần - Lợi nhiều hơn hại
Bỏ lãi trần lãi suất có rất nhiều cái lợi mà dưới đây chỉ nêu vài trong số đó.
Thứ nhất, nó làm cho các thông tin thị trường bớt méo mó. Sự lẫn lộn giữa lãi suất thực và lãi suất quy định sẽ mất dần, khiến cho sự hiểu lầm về “bắt đầu cuộc đua tăng” hay “bắt đầu cuộc đua giảm” lãi suất như nêu trong bài này sẽ không còn nữa.
Nếu người gửi tiền, người vay, ngân hàng và nhất là các quan chức hiểu nhầm và tin vào sự hiểu nhầm đó, thì có thể gây ra tác hại khôn lường cho đất nước. Sự nhầm lẫn này hoàn toàn là do chính sách không ăn nhập gì với cuộc sống cả.
Nay đã nhận ra điều sai đó và mạnh dạn sửa nó, đấy là dấu hiệu tốt, nhưng tuyệt nhiên không phải là sự sáng tạo, đổi mới hay công trạng của những người đã gây ra sai sót đó.
Thứ hai, nó khiến cho các ngân hàng có thể minh bạch hơn, đỡ đau đầu nghĩ ra các loại mẹo để lách các quy định không phù hợp. Nó khiến các ngân hàng khỏi phải tốn thời gian tiếp thanh tra hành vì việc lách quy định và như thế có thể làm cho chi phí hoạt động giảm đi, có thể góp phần làm giảm lãi suất cho vay hay tăng lợi nhuận.
Thứ ba, các cơ quan nhà nước bớt dùng biện pháp hành chính để can thiệp một cách không cần thiết vào nền kinh tế. Biện pháp can thiệp hành chính cũng giống như ma túy, những người ham quyền lực rất thích dùng các biện pháp này vì trong ngắn hạn chúng có thể mang lại hiệu quả rất nhanh, nhưng trong trung và dài hạn có thể rất tai hại.
Nếu đúng là cuộc đua hạ lãi suất huy động vốn đã bắt đầu, thì cuộc đua này cũng sẽ không khốc liệt. Muốn thuyết phục người gửi tiền, thì lãi suất thực (lãi suất được hưởng – lạm phát) phải dương.
Cạnh tranh mạnh giữa các ngân hàng cũng không thể để lãi suất tuột dốc mãi (chiều tăng ngược lại cũng vậy). Không nên quá lo ngại các cuộc đua nếu các cuộc đua là lành mạnh. Nhà nước hãy đảm bảo tính lành mạnh đó thay vì đưa ra các biện pháp hành chính khác.
Bỏ các loại trần lãi suất, để cho các ngân hàng và các khách hàng của chúng (người gửi tiền, người vay tiền, người dùng dịch vụ) tự thỏa thuận với nhau về giá (lãi suất) thực ra là quay lại cách làm theo cơ chế thị trường mới bị làm cho méo mó bởi những can thiệp hành chính trong thời gian qua.
Việc sửa lại một sai lầm dẫu sao cũng là tín hiệu đáng mừng. Đấy có thể là bài học đáng giá cho ý định “quản lý giá” đang được ấp ủ, một ý định nên được loại bỏ ngay từ bây giờ.
(Theo Nguyễn Quang A // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com