Khống chế lãi suất USD để tiền đồng lên giá sẽ dẫn đến nhập siêu, làm méo mó giá cả, về lâu dài không tốt cho nền kinh tế.
Diễn biến tỉ giá VND/USD giảm thời gian gần đây thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Sau khi mất giá liên tục, tiền đồng đột ngột lên giá. Tỉ giá có lúc tưởng đã tiệm cận mức 20.000 đồng/USD giờ chỉ xoay quanh 19.000 đồng/USD. Vì sao tiền đồng lên giá và xu hướng này có bền vững?
Bốc đúng thuốc
Theo tôi, lý do thứ nhất là do sự điều hành khôn khéo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc tiền đồng lên giá có thể không nằm trong tính toán ban đầu của NHNN nhưng phải thừa nhận nước cờ đầu tiên đã được triển khai cách nay vài tháng khá dũng cảm và không phải ai cũng dám làm. Đó là NHNN để cho tiền đồng mất giá phù hợp với cung cầu thị trường. Ngay lập tức việc điều chỉnh tỉ giá tuy muộn nhưng đã làm cho thị trường ngoại hối giảm nhiệt.
Tiếp theo đó là hàng loạt động thái có liên quan cũng góp phần làm tỉ giá giảm. Quan trọng nhất có lẽ là nước cờ quyết định khống chế mức trần lãi suất tiền gửi USD không quá 1%.
Quyết định mang tính hành chính này có thể gây nhiều tranh luận nhưng trước mắt đã tạo ra hai làn sóng. Làn sóng thứ nhất, bán USD lấy VND và lấy VND gửi ngân hàng với chênh lệch lãi suất cao hơn. Tiếp theo đó là làn sóng các doanh nghiệp chủ trương vay USD, thay vì VND, để được hưởng lãi suất thấp hơn. Hiệu ứng gộp của hai làn sóng này làm cho tiền đồng lên giá do cầu USD giảm so với trước.
Lý do thứ hai nằm ở kỳ vọng về những điều tốt đẹp tương lai: Lạm phát sẽ được kiểm soát, dòng vốn quốc tế chảy vào trong nước có dấu hiệu phục hồi để bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán do nhập siêu.
Vấn đề mà mọi người quan tâm là liệu xu hướng tiền đồng lên giá hoặc chí ít dao động quanh mức 19.000 đồng hiện tại duy trì trong bao lâu?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta phải giả định những kỳ vọng tốt đẹp trong tương lai là không thay đổi. Nếu vậy vấn đề mấu chốt là NHNN sẽ khống chế mức trần lãi suất tiền gửi không quá 1% kéo dài đến khi nào. Nếu quyết định này chưa thay đổi thì tỉ giá vẫn có xu hướng ổn định.
Vấn đề gai góc còn lại phụ thuộc vào thời điểm cuối năm khi khoản vay USD đáo hạn. Lúc đó, áp lực mua USD trả nợ có khả năng làm cho tỉ giá tăng ngoài kịch bản của NHNN.
Nói cho dễ hiểu, NHNN đã rất khéo léo khi dịch chuyển một điểm ổn định của kỳ vọng tương lai về hiện tại, làm cho tỉ giá lúc này có xu hướng giảm đi. Đây là yếu tố quan trọng để tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng của đồng nội tệ, nhất là sau khi Fitch, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hạ điểm tín nhiệm tiền đồng Việt Nam vào tháng rồi.
Tỉ giá giảm tuy có làm cho nhập siêu tăng lên nhưng đó là cái giá phải trả để cân bằng với hàng loạt quyết định khó hiểu của các doanh nghiệp nhà nước khi liên tục tăng giá các mặt hàng thiết yếu cách nay vài tháng.
Xu hướng thực sự của tỉ giá là gì?
Xu hướng tỉ giá trong ngắn hạn đến bây giờ câu hỏi vẫn là cho đến khi nào NHNN tháo bỏ lệnh khống chế trần lãi suất tiền gửi không quá 1%? Khi đó lãi suất USD tăng lên và mọi thứ đảo ngược, USD lại lên giá.
Sở dĩ ta chỉ có thể dự báo xu hướng tỉ giá trong ngắn hạn là vì có một điều chắc chắn rằng NHNN không thể duy trì mệnh lệnh hành chính này quá lâu. Khống chế lãi suất USD để tiền đồng lên giá sẽ dẫn đến nhập siêu và làm cho giá cả nền kinh tế bị méo mó, về lâu dài sẽ rất khó cho nền kinh tế nếu đứng trên lợi ích tổng thể.
Những nhà làm chính sách liên tục bắn đi tín hiệu từ nay đến cuối năm tỉ giá không thay đổi nhiều có thể làm yên lòng những người gửi tiền bằng VND và vay USD.
Nhưng dịch chuyển điểm ổn định tương lai về hiện tại có cái hay song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Chẳng phải chúng ta cũng đã duy trì quá lâu cơ chế tỉ giá ổn định đó sao? (Tỉ giá chỉ quanh quẩn con số 17.000 đồng.) Có điều tỉ giá như vậy đã không phản ánh đúng quan hệ cung cầu và lệch khá xa với thị trường không chính thức. Cái giá phải trả cho chính sách ổn định tỉ giá là NHNN phải mất đi dự trữ ngoại hối do phải liên tục tung USD ra thị trường can thiệp để giữ cho tiền đồng ổn định.
Đến khi dự trữ ngoại hối thâm hụt quá nhiều thì NHNN lại liên tục để cho tiền đồng mất giá mạnh. Thế là xuất hiện những cú sốc trên thị trường. Nói cho dễ hiểu, cách của chúng ta từ trước tới nay là trước mắt cứ bay tầm tầm cho hành khách khỏi sốc, đến một lúc nào đó gặp phải vùng thời tiết xấu sẽ cho máy bay (tỉ giá) lên xuống mạnh. Rủi cho phi hành đoàn thay ca vào thời điểm này và những hành khách nào quá tin vào sự ổn định.
Nên tháo dần mệnh lệnh hành chính
Cách điều hành tốt nhất là nên tháo dần những mệnh lệnh hành chính để mọi người làm quen dần với những bất ổn của thị trường. Điều hành khéo không có nghĩa là hay nếu nhiệm kỳ sau lãnh đủ.
Nhưng cho đến giờ chúng ta vẫn còn đang giả thuyết kỳ vọng tương lai mọi thứ đều tốt và đồng USD trên thế giới không lên giá. Chỉ cần có một vài diễn biến không mong đợi, niềm tin sẽ thay đổi và mọi thứ đều có thể xảy ra.
( Pháp luật Tp.HCM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com