Trước quan ngại về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam có thể không chỉ thoát hiểm, mà còn biến nguy cơ thành cơ hội để phát triển nông nghiệp, giải quyết vấn đề tam nông và khẳng định thương hiệu an ninh lương thực.
“Giống các cuộc khủng hoảng khác, nhiều quốc gia bên cạnh chịu những ảnh hưởng trực tiếp, bao giờ cũng tìm ra cơ hội để hưởng lợi”, PGS.TS Nguyễn Thế Hùng, Trưởng khoa Nông học, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cho biết.
Theo GS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ là cơ hội để Việt Nam (VN) phát huy thế mạnh xuất khẩu gạo. Thông tin từ Diễn đàn nông nghiệp cho thấy, với kỷ lục xuất khẩu 6,754 triệu tấn gạo trong năm 2010, nếu không kể 2,351 triệu tấn gạo thơm (Thai Hom Mali), VN đã vượt Thái Lan, cường quốc xuất khẩu gạo số 1 thế giới, ở khối lượng gạo trắng xuất khẩu là 6,649 triệu tấn.
Bão giá càn quét
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo giá thực phẩm toàn cầu tăng vọt từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Chỉ số giá cả của 55 mặt hàng nhu yếu phẩm trong tháng 1 lên tới gần 231 điểm, cao hơn cả so với thời điểm được coi là “nóng” nhất hồi tháng 6/2008 của cơn khủng hoảng lương thực thế giới, khi chỉ số là 224 điểm...
Abdolreza Abbassian, chuyên gia kinh tế kỳ cựu của ĐH Oxford, nhận định, khi giá lương thực leo thang hơn nữa, gần 100 nước nghèo thuộc khu vực châu Á và châu Phi chắc chắn phải hứng chịu những tác động nặng nề, với gần 30 nước sẽ xảy ra tình trạng cướp bóc lương thực, đồng thời thế giới sẽ có hơn 100 triệu người lâm vào cảnh "đứt bữa".
Riêng với châu Á, dự báo lạm phát có thể lên tới 10 - 15% nếu giá lương thực tăng từ 8-9%. Lúc đó, các cuộc bạo loạn như từng xảy ra tại Philippines hồi 2008 sẽ khó tránh khỏi.
Hô biến “rủi” thành “may”
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Hùng, không phải VN không chịu tác động từ nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, mà nó đang xảy ra từ nhiều năm nay, như biến đổi khí hậu, lượng cầu lương thực gia tăng mạnh. “Một số nghiên cứu cho thấy, cuối thiên niên kỷ này nhiều vùng đất trên các châu lục sẽ chìm ngập dưới hai mét nước biển. Khu vực ĐB SCL bị bao phủ bởi hơn một mét nước mặn, theo đó sản lượng gạo sẽ giảm hẳn một nửa hoặc hơn”, ông Hùng cảnh báo.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, cho hay, VN cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh lương thực; phải cố gắng giữ được diện tích trồng lúa nước hiện tại là 3,2 triệu hecta, tăng cường áp dụng khoa học vào sản xuất để tăng năng suất…
“Bên cạnh những thách thức tiềm ẩn thì đây cũng là cơ hội cho VN khi là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo. VN hoàn toàn chủ động đối với vấn đề an toàn an ninh lương thực. Mới đây, Chính phủ cho phép mua dự trữ 1 triệu tấn gạo.
Hiện, trong kho có trên 1 triệu tấn gạo, trong khi lượng lúa gạo trong dân còn rất nhiều, vựa lúa các tỉnh phía Nam đang thu hoạch vụ lúa đông xuân với khoảng 1,5 triệu hecta, dự kiến thu về trên 10 triệu tấn thóc, tương đương 6 - 7 triệu tấn gạo. Số lúa gạo này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu không chỉ cho tiêu dùng nội địa, mà còn cho xuất khẩu”, ông Ngọc khẳng định.
Vị trí chiến lược của tam nông
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa X đã chỉ rõ: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”. Dự thảo Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 của Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua cũng xác định: “Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia…”.
Trên diễn đàn Quốc hội, tam nông là vấn đề thường xuyên được đưa ra qua nhiều kỳ họp. GS Nguyễn Lân Dũng khẳng định thực tiễn đất nước trong giai đoạn vừa qua, nhất là ở giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới đã chứng minh đường lối phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn do Đảng lãnh đạo và giai cấp nông dân là lực lượng trực tiếp thực hiện là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, các chính sách hiện nay trong thực tế chưa có hiệu quả cao và chưa tương xứng với chủ trương. “Về khoa học công nghệ và cơ sở hạ tầng, có lẽ nước ta là nước đầu tư cho nông nghiệp thấp nhất thế giới. Chỉ có 47 000 doanh nghiệp nông thôn, chiếm có 30% tổng số doanh nghiệp trong cả nước”, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com