Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nghiệp giật gấu vá vai

Theo tính toán của các doanh nghiệp, chi phí giá thành sản phẩm tới đây có thể tăng từ 10 – 20% do giá xăng, điện và than tăng nhưng giá bán hàng hoá không thể ngay lập tức tăng tương ứng, nhất là trong bối cảnh sức mua sau tết Nguyên đán đang chậm lại. Do vậy, trong năm nay, giá cả có thể có thêm nhiều lần tăng nữa.

Đội chi phí hàng trăm tỉ đồng

Khác với mọi năm, đã gần rằm, nhưng từ mớ rau, con cá... đều không giảm giá trở lại như trước tết. Ảnh: Lê Quang Nhật

Tỷ giá tăng thêm gần 10%, chi phí nhập khẩu mỗi tấn nguyên liệu sản xuất phân bón, chiếm 60% tổng chi phí của công ty phân bón Bình Điền, đã đắt thêm khoảng 700.000 đồng. Với công suất sản xuất khoảng 400.000 tấn/năm, giám đốc công ty phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong tính toán, khoản tiền doanh nghiệp này phải tốn thêm chỉ riêng do chênh lệch tỷ giá đã tới khoảng 280 tỉ đồng. Lãi suất ngân hàng cao cũng khiến cho chi phí lãi vay của công ty không ngừng tăng lên, từ mức 90 tỉ đồng trong năm 2009 lên mức 140 tỉ đồng trong năm 2010 và dự kiến tới 170 tỉ đồng trong năm 2011. Trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp mỗi năm đạt chưa bằng một nửa lãi suất vay vốn (lần lượt là 55 tỉ, 65 tỉ và dự kiến 70 tỉ đồng trong các năm 2009, 2010, 2011). Giám đốc Lê Quốc Phong cho biết: “Kế hoạch lợi nhuận năm 2010 được đại hội cổ đông đặt ra từ tháng 12.2010, chưa lường những khó khăn do hàng loạt chi phí tăng thêm là tỷ giá, nhân công và tới đây là giá điện, giá than…”

Câu chuyện của Bình Điền cũng là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là những đơn vị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. Theo chủ tịch hiệp hội Thép Phạm Chí Cường, mặc dù lâu nay, các doanh nghiệp thép cũng không vay, mua USD theo giá niêm yết của các ngân hàng, song khi tỷ giá chính thức tăng thì giá trên thị trường tự do lại tiếp tục được đẩy lên cao. Tính trung bình, mỗi tấn phôi bị đội chi phí hơn 1.000 đồng theo tỷ giá mới. Như vậy, một nhà máy sản xuất thép quy mô trung bình với sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, chỉ riêng chi phí tăng thêm do tỷ giá đã vào khoảng hơn 200 tỉ đồng/năm và lên tới hàng ngàn tỉ đồng với những nhà máy lớn, công suất cỡ khoảng 1 triệu tấn/năm. Các doanh nghiệp ngành thép tính toán, chi phí giá thành sản xuất thép dự kiến tăng từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tấn tuỳ loại và tùy doanh nghiệp, do hàng loạt chi phí tăng, trong đó “nặng” nhất là tỷ giá.

Tăng giá bán – lo mãi lực giảm

Một trong những biện pháp doanh nghiệp buộc phải chọn để tồn tại là tăng giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, chủ tịch hiệp hội Thép Phạm Chí Cường e ngại, giá thép tại một số nước Đông Nam Á hiện thấp hơn giá trong nước từ 500.000 đến 1 triệu đồng/tấn tuỳ loại (chưa thuế), nên nếu giá thép nội tăng cao, thép ngoại sẽ ồ ạt nhập vào và giành thị phần. Do vậy, các doanh nghiệp ngành thép đã rục rịch áp dụng mức giá mới, nhưng mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chi phí.

Tương tự, ông Bùi Thanh Mạnh, giám đốc công ty TNHH Thiên Lý – chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, cho biết, mức tăng chi phí đầu vào lĩnh vực sản xuất này dao động từ 10 – 15%, nhưng doanh nghiệp chỉ có thể tăng 1 – 2% giá sản phẩm bán ra. Và để bù được chi phí giá thành, doanh nghiệp sẽ phải có từ năm đến bảy lần thay đổi giá bởi nếu tăng giá mạnh ngay một lúc, sức mua vốn đã chậm lại sẽ càng ì ạch. “Chúng tôi may còn có chỗ để “giật gấu vá vai” là nhà máy sản xuất bột cá với công suất khoảng 50 tấn thành phẩm/ngày, cung cấp cho gần mười nhà máy thức ăn chăn nuôi khác. Nguyên liệu cá tươi được khai thác ngay trong nước nên cũng không đến nỗi quá khó khăn”, ông Mạnh chia sẻ.

Với thị trường xuất khẩu, giám đốc Lê Quốc Phong cho hay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Bình Điền đạt khoảng 30 triệu USD/năm, song giá xuất khẩu doanh nghiệp không chủ động được do phải cạnh tranh với các nước khác – không chịu mức tăng giá đầu vào mạnh như Việt Nam. Công ty một mặt nỗ lực đàm phán với đối tác để tăng giá, song nếu không đạt kết quả thì vẫn phải chấp thuận xuất khẩu, bởi nếu không sẽ mất thị trường. Cùng với rà soát, tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp này cũng phải tính đến kế hoạch tăng giá phân bón với mức tăng dự kiến khoảng 3,5%. Do đang vào vụ sản xuất hè thu, nên công ty hy vọng, sức mua sẽ không suy giảm.

Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty cổ phần may Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương là một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra lạc quan khi tỷ giá thay đổi. Theo ông Dương, tổng cộng chi phí tăng thêm về điện, xăng dầu, vận tải, nhân công trong năm 2011 của công ty vào khoảng 10%. Việc tỷ giá tăng thêm gần 10%, cộng với nỗ lực tăng năng suất sẽ giúp doanh nghiệp bù lại được chi phí tăng thêm đó. Ông Dương cho rằng, tuy lợi nhuận năm nay có thể tương đương năm trước, nhưng nếu đạt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 60 triệu USD, tăng 20% so với năm trước, thì thu nhập bình quân mỗi tháng của hơn 2.000 cán bộ, công nhân sẽ tăng thêm khoảng 13% từ mức 4,6 triệu đồng của năm trước.

(Theo Thảo Nguyễn/sgtt)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Mặt bằng giá mới sẽ hình thành cuối quý hai?
  • Vẫn nhức nhối chuyện quản lý đất đai
  • Kịch bản tốt nhất…
  • Thanh khoản đồng USD chưa bớt căng
  • Những khoản đầu tư lãi ‘khủng’ nhất năm 2010
  • Mong manh của khả năng kiềm chế lạm phát là 7%.
  • Bão tỷ giá có ảnh hưởng thế nào đến giá bất động sản?
  • Điều kiện vay tiêu dùng quá khắt khe
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!