Quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng rất hạn chế, trong khi quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế rất lớn, điều này đã tạo nên mất cân đối lớn giữa khả năng mua được ngoại tệ của tổ chức tín dụng và nghĩa vụ bán ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo yêu cầu của tổ chức kinh tế và người dân.
Ngày 11/2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.932 VND/USD lên 20.693 VND/USD, đồng thời thu hẹp biên độ tỷ giá từ 3% xuống 1%. Với quyết định này các ngân hàng thương mại được phép niêm yết tỷ giá mua, bán với khách hàng không quá 20.900 VND/USD.
Thừa cho vay, thiếu để bán
Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 6/2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 6 lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, song mức độ điều chỉnh không lớn như lần này:
- Ngày 11/6/2008, điều chỉnh lên 16.461 VND/USD (+1,99%).
- Ngày 25/12/2008, điều chỉnh lên 16.989 VND/USD(+ 3%).
- Ngày 26/12/2009, điều chỉnh lên 17.961 VND/USD (+ 5,44%).
- Ngày 11/2/2010, điều chỉnh lên 18.544 VND/USD (+ 3,36%).
- Ngày 18/8/2010, điều chỉnh lên 18.932 VND/USD (+ 2,09%).
- Ngày 11/2/2011, điều chỉnh lên 20.693 VND/USD (+ 9,3%).
Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các chuyên gia tiền tệ. Theo đó, việc điều chỉnh tỷ giá có thể đưa tỷ giá chính thức sát với tỷ giá thị trường, tổ chức kinh tế và cá nhân sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng nhiều hơn, giao dịch ngoại tệ sẽ dễ dàng hơn, tính minh bạch của thị trường cao hơn, sẽ không còn cảnh tổ chức kinh tế và ngân hàng mua bán chui ngoại tệ, gây ra nhiều hệ quả xấu cho cả các ngân hàng và khách hàng.
Mặc dù động thái của Ngân hàng Nhà nước được nhiều chuyên gia đánh giá cao, tuy nhiên, việc duy trì và giữ tỷ giá chính thức sát với tỷ giá thị trường là vấn đề rất khó cho cơ quan quản lý, khi mà tỷ giá biến động do nhiều nguyên nhân như lạm phát cao, thâm hụt cán cân thương mại lớn, và đặc biệt là việc các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu cơ găm giữ ngoại tệ, làm cho cân đối cung cầu ngoại tệ bị mất cân đối nghiêm trọng, gây áp lực lớn lên tỷ giá.
Thực tế gần đây cho thấy, nhiều tổ chức kinh tế và người dân có ngoại tệ chỉ muốn nắm giữ hoặc gửi ngân hàng, không bán cho ngân hàng, nên có tình trạng ngân hàng thừa ngoại tệ để cho vay, nhưng lại thiếu ngoại tệ để bán cho đối tượng có nhu cầu.
Vậy nguyên nhân nào làm cho các tổ chức kinh tế và người dân ham muốn găm giữ ngoại tệ? Cơ chế quản lý ngoại hối thông thoáng như hiện nay có tạo điều kiện cho việc găm giữ ngoại tệ? Đây là vấn đề lớn, rất cần được nghiên cứu và phân tích một cách khách quan để tìm ra một giải pháp hợp lý nhằm ổn định tỷ giá.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mức độ tự do hóa các giao dịch ngoại hối của Việt Nam hiện nay đã ngang với các nước có dự trữ ngoại hối lớn, đủ sức can thiệp và đáp ứng cho thị trường. Pháp lệnh Ngoại hối của Việt Nam ban hành năm 2005 được đánh giá là có độ mở lớn hơn điều lệ quản lý ngoại hối của Trung Quốc ban hành năm 2008, các quy định về giao dịch vãng lai có độ mở ngang nhau, các giao dịch vốn được thực hiện tự do hơn và rất thông thoáng.
Tuy nhiên, Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, lạm phát cao, dự trữ ngoại hối của nhà nước còn mỏng, nhập siêu tăng qua các năm, nếu hoạt động ngoại hối được tự do quá, sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, gây sức ép lên tỷ giá và ngăn cản việc tăng dự trữ ngoại hối.
Bất cập về quyền sở hữu
Nghiên cứu các quy định về quản lý ngoại hối cũng cho thấy, có một bất cập về quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng và quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế và cá nhân. Quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng rất hạn chế, trong khi quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức kinh tế rất lớn, điều này đã tạo nên mất cân đối lớn giữa khả năng mua được ngoại tệ của tổ chức tín dụng và nghĩa vụ bán ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo yêu cầu của tổ chức kinh tế và người dân.
Do đó, cho dù các năm cán cân thanh toán tổng thể có bội thu, nhưng quyền sở hữu ngoại tệ của tổ chức tín dụng không có thì cũng không cân đối được nguồn ngoại tệ cho nền kinh tế, vẫn gây sức ép lên tỷ giá.
Tác giả: PHÍ ĐĂNG MINH (Theo VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com