Nhân viên giao dịch đang đếm tiền tại một ngân hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP |
Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch nhận định Trung Quốc đang có 60% nguy cơ khủng khoảng ngân hàng vào giữa năm 2013, hậu quả của việc cho vay kỷ lục và giá bất động sản tăng cao – theo hãng tin tài chính Bloomberg ngày 8-3.
Kể từ tháng 6-2010, hệ thống tài chính của Trung Quốc bị Fitch xếp hạng MPI3, mức cao nhất trong ba mức rủi ro tài chính. Lịch sử ghi nhận mức xếp hạng MPI3 cho thấy khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong vòng 3 năm như đã từng xảy ra tại Ireland và Iceland.
Giám đốc cấp cao của Fitch tại văn phòng Luân Đôn, ông Richard Fox, cho biết tổ chức này nhận thấy nguy cơ về “các lỗ hổng trong bảng cân đối thu chi của ngân hàng” nếu bong bóng bất động sản vỡ.
Các ngân hàng Trung Quốc đã tiếp tay làm cho giá bất động sản tăng cao kỷ lục bằng cách mở rộng các khoản vay lên đến mức 2.700 tỉ đô la Mỹ qua các năm 2009 và 2010 thông qua chương trình kích thích để giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Fitch đo lường rủi ro tài chính vĩ mô dựa trên định nghĩa của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về khủng khoảng tài chính hệ thống. Các cuộc khủng hoảng như vậy sẽ vắt kiệt “tất cả hay hầu hết vốn tập hợp trong hệ thống ngân hàng”, dẫn đến một loạt vụ vỡ nợ và các tổ chức tài chính cũng như tập đoàn phải đối mặt với những khó khăn lớn trong việc trả nợ đúng hạn. Ông Fox nói: “Chúng ta đang nói đến cuộc khủng hoảng hệ thống, ảnh hưởng đến hầu hết các ngân hàng lớn. Một cuộc khủng hoảng mà về mặt kỹ thuật sẽ làm cạn kiệt vốn của hệ thống ngân hàng.”
Theo Fitch, hệ thống ngân hàng tại các thị trường mới nổi dễ bị tổn thương trước áp lực hệ thống khi tăng trưởng tín dụng vượt quá 15%/năm trong hai năm liên tục. Tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc đạt mức trung bình 18,6%/năm qua các năm 2008 và 2009, trong khi giá nhà đất tăng vọt.
Những lo ngại của Fitch dường như tương phản với những dữ liệu mà Ủy ban giám sát ngân hàng Trung Quốc (CBRC) công bố. Theo đó, các ngân hàng Trung Quốc đã gia tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) và hạ thấp tỷ lệ các khoản vay quá hạn chưa thanh toán.
Tuy nhiên, công ty tư vấn tài chính Asianomics Ltd. (Hồng Kông) cho rằng hậu quả của việc cho vay mạnh tay tại Trung Quốc có thể đến từ những khoản nợ xấu trị giá 400 tỉ đô la Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách tránh lặp lại cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây của nước này khi chính phủ phải chi hơn 650 tỉ đô la Mỹ trong 10 năm để giải cứu các ngân hàng.
Ngày 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cam kết nỗ lực nhiều hơn để hạ nhiệt thị trường bất động sản. Ông cũng nhấn mạnh giá nhà đất “tăng cao với mức cắt cổ” tại một số thành phố là mối lo lắng hàng đầu hiện nay.
Để hạn chế rủi ro cho các ngân hàng, Trung Quốc đã tăng cường giám sát việc cho vay đối với các kênh đầu tư được chính quyền địa phương bảo trợ, tăng vọt lên trong hai năm qua thông qua chương trình kích thích kinh tế.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết kiểm toán toàn diện nợ của các địa phương. Trong khi đó, Bộ Tài chính nước này cũng cảnh báo các chính quyền địa phương không nên xem nhẹ những rủi ro nợ. Các ngân hàng cũng được chỉ thị phải áp dụng định mức rủi ro cao hơn đối với khoản nợ của các chính quyền địa phương.
Các ngân hàng lớn của Trung Quốc có thể bị buộc phải nâng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (CAR) lên mức 14% khi tăng trưởng tín dụng được đánh giá là quá cao. Hiện nay, tỷ lệ này là 11,5% đối với các ngân hàng lớn.
Năm ngoái, các nhà hoạch định trung ương muốn khống chế tổng cho vay ở mức 1.100 tỉ đô la Mỹ nhưng rốt cuộc tổng số tiền cho vay lên đến hơn 2.000 tỉ đô la Mỹ. Năm 2011, Trung Quốc dự kiến đặt hạn mức cho vay 1.000 tỉ đô la Mỹ nhưng xem ra khó khả thi vì hàng loạt dự án bất động sản và cơ sở hạ tầng đang cần thêm vốn vay để hoàn thiện. Nếu ráo riết khống chế hạn mức cho vay, nhiều công trình nhà cửa, đường xá, cầu cống sẽ lâm vào tình trạng đình trệ và dang dở.
Giám đốc cao cấp của Fitch tại văn phòng Bắc Kinh, bà Charlene Chu, cho rằng giảm tổng mức cho vay xuống cả ngàn tỉ đô la Mỹ so với năm trước khó mà thực hiện được “qua một đêm”.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // Global Economy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com