Ông Cao Sỹ Kiêm - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia |
Chính phủ vừa chính thức triển khai gói kích thích kinh tế thứ hai hướng vào các nguồn vốn trung và dài hạn trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng.
Nhận định về gói kích thích kinh tế lần thứ hai này, ông Cao Sỹ Kiêm - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nói:
- Gói kích cầu thứ nhất đã bắt đầu vào cuộc sống và đã phát huy tác dụng nhưng trên thực tế có nhiều điểm chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, đặc biệt là chủ trương chống suy giảm kinh tế.
Cho nên gói kích cầu thứ hai này sẽ là sự bổ sung hoàn hảo cho gói kích cầu thứ nhất và hoàn chỉnh hơn chủ trương chống suy giảm kinh tế đang được đề ra. Gói kích cầu thứ nhất chỉ thực hiện cho vay vốn lưu động trong 8 tháng nên đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Còn gói kích cầu thứ hai được thực hiện với thời hạn và đối tượng hỗ trợ mở rộng hơn là điều hoàn toàn phù hợp với thực tế, đảm bảo giải quyết những khó khăn trước mắt cho các dự án đang thiếu vốn ở các vùng nông thôn, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng...
Qua đó, sẽ giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần ngăn chặn được tình trạng suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Trong gói kích cầu thứ nhất đã nảy sinh ra những hiện tượng tiêu cực. Hiện tượng này liệu có gia tăng với gói kích cầu thứ hai, thưa ông?
Không chỉ gói kích cầu thứ nhất, mà gói kích cầu thứ hai này trong quá trình thực hiện nhất định sẽ phát sinh ra những hiện tượng tiêu cực.
Theo tôi, có 3 lý do dẫn đến các hiện tượng tiêu cực là: thứ nhất, do phổ biến không kịp thời, không nhận biết đầy đủ trong quá trình triển khai cho vay.
Thứ hai, một số đối tượng lợi dụng để trục lợi cho đơn vị hoặc cho cá nhân.
Thứ ba, do đối tượng mở ra rất rộng, khả năng kiểm soát, trình độ, thời gian và các điều kiện không đáp ứng sẽ tạo ra những kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng.
Cho nên khi triển khai gói kích cầu thứ hai này cần triển khai luôn hệ thống các giải pháp và lường trước các khả năng có thể xảy ra để ngăn chặn kịp thời hiện tượng tiêu cực.
Để ngăn chặn được các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thẩm định dự án cho vay cần phải có sự công tâm của các cán bộ, các cơ quan có thẩm quyền.
Khi triển khai cho vay cũng cần phải dựa trên những quy định của luật pháp, phải có sự kiểm tra kiểm soát thường xuyên của các cơ quan chức năng nếu phát hiện vi phạm cần kiên quyết xử lý nặng.
Trong quá trình thẩm định dự án, nếu thấy dự án nào cần nhiều lao động, dự án nào đóng góp cho kinh tế dân sinh, có thể tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo, dự án nào có thể tạo điều kiện cho nông dân phát triển...thì cần phải hỗ trợ vốn.
Còn những dự án chỉ để “xí” phần, có khả năng kéo dài, hiệu quả kinh tế không rõ và khả năng quản lý thấp cần phải loại bỏ.
Ở gói kích cầu thứ nhất, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn. Vậy, làm thế nào để dung hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong gói kích cầu thứ hai này, thưa ông?
Đúng vậy, hiện tượng này đang xảy ra. Nguyên nhân là do nền kinh tế đang có những tác động mạnh mẽ, khả năng rủi ro trong kinh doanh lớn nên các ngân hàng có tâm lý chung cẩn trọng trong những khoản cho vay để đảm bảo khả năng an toàn của mình.
Còn về phía doanh nghiệp, thời điểm này vốn không còn là yếu tố quyết định, mà đầu ra cho sản phẩm đang được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Cho nên vay mức nào và vay để làm gì thì nhiều doanh nghiệp vẫn đang rất phân vân, thậm chí có nhiều doanh nghiệp không mặn mà.
Để dung hòa được lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp các ngân hàng phải có quan điểm và cách tiếp cận mới, rất sát và rất cụ thể với thực trạng của các đối tượng cho vay.
Cần có sự phân tích rõ những yếu tố ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, nếu các doanh nghiệp dù đang có khó khăn nhưng vẫn có các dự án tốt nên triển khai cho vay, điều này sẽ giúp doanh nghiệp không những vượt qua khó khăn mà còn có cơ hội phát triển những dự án mới.
Còn về phía doanh nghiệp cũng rất nghiêm túc trong việc nhận ra những khuyết điểm để có phương án sửa đổi, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện lành mạnh hoạt động và chuẩn bị cho những yếu tố phát triển lâu dài.
Ngân hàng và doanh nghiệp cần phải có sự hợp tác chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhau trong hoạt động, khi đó sẽ có thể hài hòa được lợi ích hai bên. Nếu như không giải quyết được những bất cập này vốn từ gói kích cầu vẫn không thể đến được các doanh nghiệp.
Thưa ông, cần phải làm gì để gói kích cầu lần thứ hai này đạt hiệu quả cao?
Tôi cho rằng cần phải đạt được các yêu cầu: đúng mục đích, thủ tục cho vay nhanh, phải có sự kiểm tra kiểm soát thường xuyên liên tục các dự án cho vay, các giải pháp đưa ra phải đủ liều lượng.
Khi đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng, đầu tư vào nông thôn đòi hỏi phải có sự kiểm soát, giám sát, xử lý đúng. Nếu luồng vốn này vào đúng địa chỉ, đúng yêu cầu doanh nghiệp sẽ có sức bật rất nhanh.
Nếu vào không đúng, hoặc tạo ra nhiều kẽ hở và gây nên tình trạng mất mát, tham nhũng, rủi ro...không những không chống được suy giảm kinh tế mà sẽ làm cho lạm phát tăng lên và lòng tin bị suy giảm.
(Theo VnEconomy )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com