Sau các hành động quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), áp lực tỷ giá hối đoái đã giảm mạnh sau giai đoạn căng thẳng 2 tháng đầu năm 2011. Cụ thể, tỷ giá thị trường tự do sau khi lập đỉnh 22.500 VND/USD vào ngày 21/2 đã liên tục giảm và xoay quanh tỷ giá chính thức với mức chênh lệch rất nhỏ (± 0,5%). Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, tỷ giá hối đoái ổn định hiện nay không mang tính bền vững và có nhiều nguy cơ bùng phát căng thẳng vào cuối năm.
Nhập siêu tiếp tục tăng cao. Tính đến tháng 6, nhập siêu ước khoảng 6,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ, trong đó, nhập siêu 4 tháng liên tiếp trước đó đều vượt con số 1 tỷ USD. Mặc dù hoạt động tái xuất vàng trong tháng 6 tăng mạnh đã đóng góp hơn 600 triệu USD khiến tỷ lệ nhập siêu giảm nhưng dấu hiệu cải thiện mang tính bền vững không sắc nét. Trong khi đó, các nguồn ngoại tệ để bù đắp cho cán cân thương mại như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) có xu hướng giảm so với cùng kỳ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 5,66 tỷ USD, bằng 56,7% so với cùng kỳ 2010. Theo các số liệu mới công bố 6 tháng đầu năm, FII cũng giảm rất mạnh khi FII tính chung 6 tháng đầu năm 2011 chỉ đạt gần 400 triệu USD, thấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng kiều hối cũng giảm mạnh, ước tính chưa đến 2 tỷ USD trong quý II/2011 so với gần 2,5 tỷ USD trong quý I/2011.
Lạm phát cao cũng tạo nhiều áp lực đến tỷ giá. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 1,09%, thấp hơn so với tháng trước, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, CPI đã tăng tới 13,29%. Đặc biệt, tính theo năm thì lạm phát trong tháng 6 lên tới 20,2%, mức tăng theo năm cao nhất trong vòng 27 tháng qua. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, chỉ số CPI tính theo năm dự kiến sẽ còn ở mức cao 21 - 22% trong tháng 7 - 8, và chỉ có thể bắt đầu giảm từ tháng 9. Chính phủ cũng đang đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm nay lên 17%. Song theo nhiều chuyên gia, để đạt được mục tiêu này cũng đòi hỏi một nỗ lực rất lớn.
Đặc biệt, theo một chuyên gia có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, VND còn bị đánh giá quá cao so với USD. Nguyên nhân của vấn đề này là do mức chênh lệch lớn về lạm phát của Việt Nam so với Mỹ và liên tục trong nhiều năm qua. Điều này tạo ra sức ép rất lớn đối với kỳ vọng tăng tỷ giá.
Không chỉ những bất ổn về vĩ mô mà áp lực lên tỷ giá còn đến từ những yếu kém của hệ thống ngân hàng, nhất là sự mất cân đối về cơ cấu tín dụng, về cơ cấu nguồn vốn. Tín dụng ngoại tệ tăng rất nhanh do chênh lệch lãi suất cho vay VND và USD. Theo NHNN, tính đến 20/6, tín dụng ngoại tệ tăng 2,43% so với tháng trước và tăng tới 23,47% so với cuối năm 2010. Cụ thể, tín dụng ngoại tệ tăng khoảng 85.000 tỷ đồng (quy đổi từ USD ra VND) và tăng rất nhanh so với tín dụng VND. Chính tín dụng ngoại tệ tăng nhanh đã làm tăng nguồn cung ngoại tệ khi các DN vay ngoại tệ bán lại lấy VND, khiến tỷ giá thời gian qua có xu hướng giảm.
Song theo các chuyên gia, đây chỉ là cung ảo và cung ảo này sẽ biến thành cầu thực khi các khoản vay đến kỳ đáo hạn. Điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm. Áp lực lại càng lớn hơn khi nguồn vốn ngoại tệ không tăng kịp với tốc độ tăng tín dụng. Theo NHNN, tính đến 20/6, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,62% so với cuối tháng trước và chỉ tăng 8,94% so với cuối năm 2010.
Mặc dù NHNN đã ban hành thông tư yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải bán ngoại tệ cho ngân hàng bắt đầu từ ngày 1/7 nhưng theo ghi nhận của ĐTCK, lượng ngoại tệ các ngân hàng mua được tính đến giữa tháng 7 không được như dự đoán. Điều này khiến các NHTM lo ngại nguồn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân sẽ bị giảm đáng kể, đặc biệt là vào dịp cuối năm khi nhu cầu thanh toán tăng cao.
Đó là những vấn đề mà các nhà quản lý cần phải tính kỹ để không lặp lại sai lầm như đã từng diễn ra trong năm 2010.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com