Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Siết tín dụng để tăng trưởng GDP lành mạnh

Những than phiền của doanh nghiệp cần tiếp tục được xem xét để Chính phủ quyết định nên “cứu” hay yêu cầu các công ty kém cạnh tranh tái cấu trúc hoặc phá sản.

Đây là khẳng định của các chuyên gia kinh tế Ngân hàng Standard Chartered đưa ra sau chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội và TP HCM hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Với tỷ lệ lạm phát 19% trong tháng 5 so với cùng kì năm ngoái và tiếp tục tăng, thách thức hàng đầu của NHNN trong nửa sau năm 2011 là giảm tỷ lệ lạm phát xuống mục tiêu 15% (trung bình cho cả năm). Trong khi đó, Chính phủ đã giảm mục tiêu phát triển GDP năm 2011 từ 7,5% xuống 6%.

Trong nửa đầu năm 2011, theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, NHNN đã áp dụng hàng loạt các biện pháp như: giới hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ở mức 20% so với cùng kì năm ngoái (áp dụng cho mọi ngân hàng vào mọi thời điểm); tăng tỷ lệ tái cho vay 5% từ 9% lên 14% vào đầu năm và hạ trần lãi suất tiền gửi USD của các công ty và cá nhân nhằm hạn chế nhu cầu USD để hỗ trợ đồng Việt Nam và giảm áp lực nhập khẩu lạm phát.

Chưa có dấu hiệu hạ lãi suất

Về chính sách tiền tệ, TS.Trần Nguyên Nam, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế-Tài chính nhận xét 6 tháng đầu năm, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN chưa thực sự chủ động, nhạy bén và kịp thời. Trong giai đoạn từ tháng 11/2010 đến tháng 2/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục tăng cao nhưng việc điều hành chính sách lãi suất không có những bước điều chỉnh chủ động, nhạy bén, kịp thời theo biến động của thị trường. Sau khi có Nghị quyết 11 của Chính phủ, NHNN mới ban hành quyết định về tăng lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn. Nếu sự điều chỉnh này được chủ động từ sớm hơn, ngay từ cuối năm 2010, đầu năm 2011 thì hiệu quả có thể cao hơn.

Đồng thời, liều lượng của chính sách tiền tệ chưa thích hợp. Trong giai đoạn “nóng bỏng” vừa qua, việc điều hành chính sách lãi suất của NHNN có liều lượng nhỏ giọt nên hiệu quả kiềm chế lạm phát chưa cao. “Công cụ sử dụng của NHNN chưa đa dạng. Một số biện pháp mang tính hành chính”, TS. Nguyên Nam nói.

“Một trong những tác động tự nhiên của chính sách thắt chặt tiền tệ là tốc độ tăng trưởng chậm lại. Điều này là dễ hiểu bởi nhiều công ty gặp khó khăn trong vay vốn và buộc phải hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh do lãi suất cao và nhiều công ty khác không thể tiếp cận được các khoản vay mới. Chính sách lãi suất cao càng tiếp tục được duy trì, thì sức ép tăng trưởng GDP càng lớn” – ông Lawrence Wolf, Giám đốc phát triển kinh doanh, CTCK Đông Á phân tích.

Minh chứng rõ hơn cho thực tế này, ông Tai Hui - Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Đông Nam Á (Ngân hàng Standard Chartered) - đưa ra quan sát của mình tại Hà Nội và TP HCM: “Các hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây có dấu hiệu chậm lại. Thành viên của các ngân hàng và doanh nghiệp đã nêu lên những mối lo ngại về việc giải ngân tín dụng chậm và lãi suất cao. Dẫu vậy, Chính phủ cho thấy rõ cam kết tiếp tục duy trì các biện pháp cứng rắn trong nửa sau năm 2011”.

Mặt ưu của chính sách thắt chặt tiền tệ được TS Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đưa ra là: Nếu không hạn chế, thì tín dụng bất động sản đã không dừng ở con số 30-40% của một số ngân hàng mà có thể đã vọt lên đến 50-60%. Thêm vào đó, việc hạn chế tín dụng phi sản xuất cũng là một điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất. Cùng với việc hạn chế tín dụng phi sản xuất, NHNN còn có những biện pháp tác động nhiều chiều để định hướng dòng vốn đi vào các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất.

Giữa 2012 lạm phát là 1 con số?

Trong phân tích của mình, ông Tai Hui cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát chạm đỉnh vào tháng 5 nhờ các biện pháp thắt chặt tiền tệ và sự bình ổn giá dầu và lương thực toàn cầu. Tính theo năm, lạm phát có thể tăng hơn nữa tới 22% vào quý 3/2011 trước khi giảm xuống 20% vào quý 4. Với những quan ngại về tốc độ phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh, chúng tôi đã điều chỉnh dự báo tỷ lệ tái cho vay của mình và dự kiến tỷ lệ này sẽ duy trì ở mức 14% cho những tháng cuối năm. Tuy nhiên chúng tôi không kỳ vọng lãi suất sẽ giảm đáng kể cho tới khi lạm phát giảm mạnh. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát sẽ quay lại mức một chữ số vào quý 2/2012.

Theo dự báo của ông Tai Hui, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ tỷ lệ tái cho vay ở mức 14% cho tới cuối năm 2011. Lạm phát và các chính sách tiền tệ có tác dụng bất lợi cho VND trong ngắn hạn nhưng những động thái này có thể chuyển thành trung hòa trong quý 3 khi lạm phát đạt đỉnh. Những chính sách gần đây của các cơ quan chức năng để tăng sự khác biệt giữa lãi suất tiền gửi VND và USD cũng hỗ trợ sự ổn định ngắn hạn của USD-VND.

“Chúng tôi cũng đã đẩy lùi dự đoán về đợt mất giá VND sang năm 2012 thay vì quý 3/2011. Chúng tôi cho rằng các biện pháp giảm đô la hóa là cần thiết để quản lý nhu cầu về USD và vàng, và tin tưởng rằng Chính phủ sẽ duy trì các biện pháp ổn định tiền tệ hiện giờ trong suốt nửa sau của năm 2011. Dù vậy, chúng tôi cũng chưa thực sự tin tưởng để nói rằng VND đã chạm đáy vào thời điểm này. Các biện pháp cứng rắn của các cơ quan chức năng cho tới nay tỏ ra là phù hợp và đã giúp tạo ra sự ổn định” – ông Tai Hui nói.

Cũng theo nhận định của ông Tai Hui, việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tạo ra nhiều biến động trong năm 2012. Ngoài ra, sự phức tạp về cán cân thanh toán và lượng dự trữ ngoại hối thấp sẽ tiếp tục là những thách thức nổi trội trong trung hạn.

Trong tình hình hiện nay, ông Lawrence Wolf cho rằng, tốc độ tăng trưởng chậm và bền vững nên được coi trọng hơn là một chu kỳ “bùng phát và lụi tàn” gây ra tình trạng mất ổn định. Vì vậy, mặc dù gây ra những “nỗi đau” kinh tế hiện tại, nhưng chính sách thắt chặt tiền tệ là khó tránh khỏi và thật cần thiết để xây dựng một nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế ổn định trong tương lai và đảm bảo lạm phát thấp hơn và lãi suất thấp hơn. Đây cũng là những yếu tố cần thiết cho một nền kinh tế lành mạnh và thị trường tài chính bền vững./.

(vov)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Lãi suất USD lại bị bẻ cong
  • Lãi suất: Nguội đầu vào, vẫn nóng đầu ra
  • Bài toán “lạm phát - lãi suất”: Luẩn quẩn chưa thấy lối ra
  • Khổ vì “ma trận” thủ tục đầu tư
  • Ngân hàng vẫn độc quyền… lợi nhuận cao?
  • Giảm lãi suất nửa vời
  • Áp thấp có thành bão?
  • Lo... thu ngân sách tăng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!