Trong lúc muôn vàn khó khăn của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa được giải quyết, kinh tế đình đốn, thất nghiệp chưa có dấu hiệu dừng lại, nợ nần và thâm hụt ngân sách của chính phủ gia tăng hàng ngày, thì đùng một cái, có tin các nước Ảrập đã có cuộc họp kín cùng với Nga, Nhật, Pháp và Trung Quốc để bàn chuyện chấm dứt việc sử dụng đồng đô la cho các giao dịch dầu lửa. Ngay lập tức, đồng đô la mất giá và giá vàng vùn vụt gia tăng.
Nếu thế thì nước Mỹ nguy khốn đến nơi rồi!
Trên thực tế, người Mỹ dường như chẳng có phản ứng gì, trong khi liền sau đó ngân hàng trung ương của các nước Đông Á đã can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn sự tăng giá đồng tiền trong nước.
Và... ở Việt Nam, nhiều người đổ xô đi mua vàng ở mức giá kỷ lục trong khi áp lực mất giá của đồng Việt Nam so với đồng đô la không ngừng gia tăng cho dù Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên bán ra ngoại tệ.
Thực chất câu chuyện này là gì?
Thứ nhất, trong một vài thập kỷ tới, khả năng đồng đô la bị mất vị trí độc tôn là rất cao. Điều này được rất nhiều người mà trong đó có cả Ben Bernanke, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ và Robert Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới dự đoán.
Tương lai là như vậy.
Tuy nhiên, kinh tế Mỹ cho dù sẽ không còn độc chiếm vị trí siêu cường không thể thách thức, sự gắn kết giữa các nước EU được củng cố sẽ làm cho sức mạnh kinh tế của khối này mạnh lên, hay Trung Quốc sẽ trở thành một quyền lực kinh tế mới là điều hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng trong tương lai gần, chưa nền kinh tế nào có thể vượt qua Mỹ.
Về bản chất, sức mạnh của một đồng tiền phụ thuộc vào nền kinh tế đứng đằng sau chứ không phải các ý chí chính trị.
Thứ hai, việc thay đổi thói quen và sự tiện lợi của việc giao dịch bằng đồng tiền chiếm tỷ phần chủ yếu trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế là điều không hề đơn giản.
Ý tưởng sử dụng rổ tiền tệ là khá hay về mặt học thuật và nó có vẻ ổn định cho việc tham chiếu tỷ giá, nhưng sẽ không dễ để áp dụng cho các giao dịch thương mại vì không giống như quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, lâu lâu mới thực hiện một lần, làm sao để các giao dịch viên quen thuộc trong các hoạt động hàng ngày khi mà tỷ giá của các đồng tiền luôn thay đổi là điều không phải dễ cho dù có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Thứ ba, phản ứng của các nước đối với Mỹ nói chung, đồng đô la nói riêng là điều dễ hiểu. Nhưng đây có vẻ chỉ là trò chơi chính trị.
Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có muốn đồng đô la sụp đổ không? Câu trả lời là có, nhưng không phải lúc này vì nước này sẽ thiệt hại rất lớn từ khoản dự trữ khổng lồ bằng đô la cho dù họ đang lên kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc này trong một vài thập kỷ tới. Điều này không hề đơn giản, và trên thực tế Trung Quốc vẫn đều đều mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Câu trả lời cũng tương tự cho các nước còn lại trong nhóm nêu trên.
Hơn thế, nếu nhìn vào quyền lợi của các nước, nhất là thế giới Ảrập, gắn với kinh tế Mỹ và đồng đô la, thì khó mà có chuyện nước Mỹ hay đồng đô la bị đặt ra rìa.
Tóm lại, cho dù cuộc họp nêu trên, cũng như mong muốn thay thế đồng đô la là có thật, nhưng khả năng đồng đô la cũng như nền kinh tế Mỹ bị mất vị trí độc tôn một sớm một chiều là điều khó có thể xảy ra.
Dù muốn hay không, kinh tế thế giới cũng vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào kinh tế Mỹ cũng như đồng đô la trong một tương lai không ngắn.
Bây giờ quay lại phản ứng của các nước Đông Á.
Đối với các nước châu Á lý do rất rõ ràng như nhận định của tờ Financial Times, ngân hàng trung ương các nước châu Á can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn sự tăng giá của đồng tiền trong nước so với đồng đô la vì lo sợ bị mất thị trường xuất khẩu vào tay Trung Quốc vì nước này đã quay lại chính sách cố định đồng tiền so với đồng đô la từ tháng 7 năm ngoái.
Theo nhiều người, sở dĩ hàng hóa Trung Quốc có khả năng cạnh tranh cao phần lớn là nhờ việc theo đuổi chính sách định giá đồng tiền thấp hơn giá trị thực của nó.
Ví dụ, chi phí làm một chiếc áo là 6 nhân dân tệ, xuất khẩu với giá 1 đô la. Nếu để tỷ giá ở mức cân bằng cung - cầu, giả sử là 1 ăn 5 thì nhà xuất khẩu sẽ lỗ 1 nhân dân tệ, nhưng khi nhà nước cố định tỷ giá 1 ăn 7 thì doanh nghiệp sẽ lời 1 nhân dân tệ.
Trở lại Việt Nam.
Việc người dân đổ xô đi mua vàng là điều có thể hiểu, nhưng việc theo đuổi chính sách đồng Việt Nam mạnh ở một tỷ giá gần như cố định trong bối cảnh sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa trong nước bị giảm sút, xuất khẩu bị thu hẹp, thâm hụt thương mại gia tăng là điều người viết bài này hoàn toàn không thể hiểu nổi.
Giả sử 10 ki lô gam gạo có giá xuất khẩu 4 đô la, chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào 2 đô la, công lao động và các chi phí trong nước là 36.000 đồng (tương đương 2 đô la ở tỷ giá 18.000 đồng). Tính ra tiền Việt, chỉ là lấy công làm lời. Nhưng nếu tỷ giá là 20.000 đồng thì tiền lời sẽ là 4*20.000 – 2*20.000 – 36.000 = 4.000 đồng.
Với kịch bản tương tự, một chiếc ô tô nhập khẩu với giá 10.000 đô la, tính ra tiền Việt sẽ đắt thêm 20 triệu đồng.
Nói chung, khi tỷ giá tăng hay đồng tiền Việt Nam yếu đi so với đồng ngoại tệ thì hàng hóa trong nước sẽ rẻ một cách tương đối so với hàng hóa của nước khác. Lúc này, Việt Nam sẽ bán được nhiều hàng hóa hơn với giá cao hơn (tính bằng tiền đồng) trên cả thị trường trong và ngoài nước.
Kết quả doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm việc làm, thâm hụt cán cân thương mại giảm thiểu, các chỉ tiêu vĩ mô được cải thiện, và người nghèo được lợi, người giàu phải chi thêm cho những hàng hóa xa xỉ phải nhập khẩu.
Một vấn đề liên quan là trong thời gian qua, một số người lập luận rằng tình trạng căng thẳng đồng đô la là do Việt Nam quá phụ thuộc vào nó. Nếu chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền khác thì tình trạng này sẽ được giảm thiểu.
Thực ra, bản chất của việc thiếu ngoại tệ là do mất cân đối giữa cung và cầu hay do thâm hụt thương mại gia tăng, nguồn vốn chảy vào giảm sút nên việc thay đồng tiền thanh toán sẽ không có tác dụng. Mình bán ra 80 tấn hàng hóa và mua về 100 tấn hàng hóa có giá trị như nhau thì trao đổi bằng bất cứ phương tiện gì vẫn thiếu 20 tấn.
Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay, khoảng hơn 20 tỉ đô la dự trữ ngoại hối được công bố từ năm ngoái và có lẽ đã vơi đi khá nhiều, khó mà đủ để theo đuổi chính sách tỷ giá hiện nay.
Giải pháp khả dĩ nhất là Việt Nam nên thực hiện một chính sách ngoại hối linh hoạt, để tỷ giá đồng tiền phản ánh đúng bản chất. Khi đó sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước sẽ được cải thiện đồng thời nguy cơ đồng tiền trong nước mất giá mạnh gây tổn thất lớn sẽ không còn lơ lửng trên đầu các nhà đầu tư bên ngoài nên họ sẽ yên tâm hơn khi rót vốn vào Việt Nam.
Tóm lại, những sự kiện liên quan đến đồng đô la trên thế giới vừa qua có vẻ như chỉ là những “hư chiêu” trên bàn cờ chính trị quốc tế. Khả năng đồng tiền này bị lật đổ là rất ít và về cơ bản sự kiện này không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Tinkinhte.com đăng lại bài phân tích của tác giả Huỳnh Thế Du - Giảng viên chương trình kinh tế Fullbright . Bài đã được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn Online. Tựa bài do tinkinhte.com đã đặt lại.
(Theo Huỳnh Thế Du // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com