Ngày 29.7, báo cáo tài chính năm 2008 của 211 đơn vị thành viên, chi nhánh trực thuộc 9 NH, tổ chức tài chính và bảo hiểm trong năm 2009 được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố.
Theo đó, hoạt động kinh doanh của các NH, TCTD và bảo hiểm có hiệu quả, tuân thủ các tỉ lệ đảm bảo an toàn vốn quy định như: Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, khả năng chi trả, nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, cho vay không vượt quá 15% vốn tự có, dự trữ bắt buộc; tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (trừ TCty Tài chính CP Dầu khí- PVFC và NH Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long – MHB) khá cao. Các NH cũng chú ý phát triển các dịch vụ thẻ, NH điện tử... Song, nhìn vào con số báo cáo thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
NH lỗ nặng từ kinh doanh CK
Năm 2008 là năm hoạt động đầu tư góp vốn liên kết, kinh doanh CK của các NH, tổ chức tài chính, bảo hiểm bị ảnh hưởng nặng do cuộc khủng hoảng tài chính nên hiệu quả của các hoạt động này rất thấp: PVFC lỗ kinh doanh CK 1.093,3 tỉ đồng; VCB có số dư CK kinh doanh, CK đầu tư đến ngày 31.12.2008 là 42.308 tỉ đồng, nhưng thu nhập của họat động này cùng năm chỉ đạt 15,24 tỉ đồng; MHB có tổng số dư CK kinh doanh, CK đầu tư đến hết 2008 là 7.911 tỉ đồng, nhưng thu nhập của hoạt động năm trong 2008 chỉ đạt 8,69 tỉ đồng.
Ngoài ra, thu nhập từ đầu tư góp vốn mua cổ phần chỉ đạt 368 triệu đồng/252 tỉ đồng vốn đầu tư. Do đó, các khoản trích lập dự phòng giảm giá CK và đầu tư dài hạn của các đơn vị này lớn: PVFC là 1.773,6 tỉ đồng; VCB là 431 tỉ đồng; TCty CP Bảo Minh là 53,88 tỉ đồng, MHB là 19,63 tỉ đồng. MHB cũng là NH đầu tư vào một khoản đầu tư thương mại vượt tỉ lệ quy định (vượt 11% VĐL hoặc giá trị dự án đầu tư).
Nợ xấu có xu hướng tăng
Chất lượng tín dụng năm 2008 của nhiều NH được đánh giá là còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỉ lệ nợ xấu, nợ quá hạn có xu hướng tăng: Theo báo cáo kiểm toán tỉ lệ nợ xấu của NH Ngoại thương VN - VCB là 4,6% (năm 2007 là 3,4%); MHB là 2,91% (năm 2007 là 2,05%). Tỉ lệ nợ quá hạn tín dụng đầu tư của NH Phát triển VN - VDB năm 2008 là 5,7%, tín dụng xuất khẩu là 0,54% và có thể còn cao hơn nếu phân loại theo đúng quy định của NHNN.
Trong khi quỹ dự phòng rủi ro không đủ bù đắp (số nợ gốc và lãi quá hạn tính tới 31.12.2008 gấp trên 5,97 lần quỹ dự phòng rủi ro). PVFC năm 2008 có dự nợ tín dụng tăng trưởng mạnh, tỉ lệ nợ xấu gia tăng nhanh chóng và tập trung vào lĩnh vực BĐS. Ngoài ra, tổ chức này còn huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư, ủy thức quản lý vốn dưới 1 năm, mua lại thẻ tiết kiệm dưới hình thức chiết khấu chưa đúng quy định đối với TCTD.
Cũng trong năm 2008, khi thực hiện chính sách hỗ trợ tín dựng ưu đãi của Nhà nước, VDB cấp hỗ trợ lãi suất sau đầu tư còn có trường hợp sai quy định: Hỗ trợ cho Cty XNK thủy sản Năm Căn số tiền 58 triệu đồng (chi nhánh VDB Cà Mau). Một số dự án mà NH này cho vay vốn cũng chưa đạt hiệu quả: CTCP Hưng Long, Cty XNK nông sản và tiểu thủ CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Cty XNK ngũ cốc, Cty mía đường Trị An... NH Chính sách xã hội - VBSP cho vay vốn một số dự án không đúng mục đích (Chi nhánh Quảng Trị 460 triệu đồng, Gia Lai 300 triệu đồng, Hải Dương 150 triệu đồng, Thái Bình 80 triệu đồng, Đắc Lắc 35 triệu đồng); có dự án không còn hoạt động (chi nhánh Đắc Nông, Lạng Sơn, Hà Nội).
SCIC gặp khó
Theo KTNN, công tác tiếp nhận bàn giao và quản lý DN sau bàn giao của SCIC gặp nhiều khó khăn do số lượng DN lớn (gần 1.000 DN) và rải rác trong cả nước. Trường hợp DN không hợp tác với SCIC, không báo cáo và xin ý kiến của Cty này khi tăng vốn là TCty CP Thương mại và Xây dựng đã không báo cáo định kỳ, gửi báo cáo tài chính hằng năm, biên bản họp hội đồng cổ đông cho SCIC, từ khi CPH TCty đã hai lần tăng vốn nhưng không báo cáo xin ý kiến SCIC.
Tuy nhiên, bản thân SCCI cũng không thường xuyên đối chiếu số liệu về vốn đầu tư, công nợ, doanh thu cổ tức của DN. Đoàn kiểm toán đã kiểm tra chọn 55 DN nhóm B thì có tới 7 DN sai lệch về doanh thu cổ tức và vốn đầu tư (tỉ lệ sai lệch là 13%); 155 DN nhóm C thì có 50 DN sai lệch (tỉ lệ sai lệch là 32%). Việc bàn giao vốn từ các bộ ngành, địa phương về TCty còn chậm.
Theo báo cáo của SCIC, đến hết 2008 còn khoảng 300 DN độc lập đã CPH, nhưng các bộ, ngành, địa phương chưa bàn giao về cho TCty với số vốn khoảng 5.000 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội và TPHCM mới chỉ bàn giao vốn tại một số DN nhỏ về SCIC; VCB đã CPH từ 2007, nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán là tháng 5.2009 vẫn chưa quyết toán bàn giao vốn nhà nước về cho SCIC.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com