![]() |
Ông Phạm Minh Huân |
Một trong những vấn đề được báo chí mổ xẻ gần đây là sự chênh lệch lương khá lớn giữa các ngành, các loại hình doanh nghiệp. Để hiểu rõ thêm về cơ chế trả lương cho người lao động, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi ngắn với Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân về vấn đề này.
TBKTSG Online: Như phản ảnh của báo chí thời gian gần đây, đã có sự chênh lệch rất lớn về mức lương giữa các ngành, điển hình như dầu khí, hàng không có mức lương bằng 10 lần dệt may. Vì sao lại có sự chênh lệch này, thưa ông? - Ông Phạm Minh Huân: Con số mà báo chí nêu ra nằm trong báo cáo về thực trạng cung cầu lao động mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ hôm 15-12. Đúng là sau khi khảo sát, bộ đã đưa ra con số này. Tuy vậy, theo tôi, khi xem xét vấn đề này không nên nhìn nhận ở góc độ mọi ngành nghề đều phải được hưởng mức lương như nhau. Vì trên thực tế, mỗi ngành nghề có một đặc thù khác nhau, mức độ lời lỗ trong hoạt động kinh doanh cũng khác nhau nên mức lương khác nhau cũng không phải là vấn đề quá ngạc nhiên. Thêm nữa, ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực thì công việc cần lao động có tay nghề, trình độ khác nhau nên mức lương cũng sẽ khác nhau. Ngành dệt may, da giày là những ngành có lượng lao động phổ thông lớn, không có nhiều lao động tay nghề cao hay có trình độ học vấn cao nên mức lương thấp hơn những ngành khác cũng là hợp lý. Tuy vậy, điều đáng băn khoăn là mức lương cao trong các ngành dầu khí, hàng không nếu tính riêng với từng lao động thì đã hợp lý hay chưa. Vì trên thực tế, vẫn có nhiều người đóng góp ít mà vẫn được hưởng lương cao, đó mới là vấn đề đáng quan ngại. Hiện nay khối hành chính sự nghiệp đang hưởng mức lương có khi còn thấp hơn lao động tự do. Như tiền lương của người vừa tốt nghiệp đại học là 50.700 đồng/ngày, trong khi lao động tự do có thể đạt thu nhập 80.000-120.000 đồng/ngày? Ông nghĩ sao về điều này? - Đó là hiện thực. Vấn đề lương của khối hành chính sự nghiệp thấp đã được báo chí phản ánh rất nhiều. Tuy vậy, có một thực tế là lương của khối này phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Trong lúc Việt Nam đang đối diện với thâm hụt ngân sách như hiện nay thì việc tăng lương cho các khu vực này là rất khó. Một điều nữa cũng phải nhìn nhận là những người làm việc trong các cơ quan hành chính thường thích sự ổn định. Trong khi công việc của một lao động tự do là công việc thời vụ, lương cao nhưng không ổn định, lúc có lúc không nên không thể khẳng định là lương của lực lượng lao động này cao hơn lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước. Để tiền lương đi đôi với hiệu quả công việc, năng suất lao động, theo ông cần phải làm gì? - Cách làm hiệu quả nhất là không nên áp đặt một khung lương cứng nhắc cho tất cả mọi lao động. Tốt nhất là nên để doanh nghiệp quyết định mức lương cho người lao động dựa trên kết quả làm việc thực tế, các cơ quan lao động chỉ nên theo dõi các doanh nghiệp có thực hiện đúng mức lương tối thiểu của nhà nước quy định hay không. Bên cạnh đó, để người lao động không quá khó khăn khi giá cả ngày đang tăng cao như hiện nay, chính phủ cần nghiên cứu và ban hành chính sách hỗ trợ tiền lương để cùng với doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động khi cần thiết. Xin cảm ơn ông.
(Theo Thanh Thương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com