Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xu thế thị trường trong những tháng đầu năm 2010

Sau khi xác lập mức đỉnh cao nhất trong năm vào ngày 22/10/ 2009, thị trường chứng khoán VN trải qua hai tháng xuống dốc trước khi trỗi dậy ngoạn mục trong những ngày gần đây cùng với sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm ngành đã gần như đã đánh mất vai trò dẫn dắt thị trường trong gần cả năm qua. Chuỗi phiên tăng điểm ấn tượng này liệu có thể khẳng định một xu thế mới? Và diễn biến thị trường đầu năm 2010 sẽ như thế nào?

Đại diện một số CTCK đã tham gia bàn tròn với chủ đề này .

Tháng 1/2010: Xu thế tăng trưởng!

PV: Thị trường chứng khoán VN đã có hơn một tuần tăng điểm, kể từ sau ngày 22/10/ 2009 với hai tháng tuột dốc. Liệu có thể xác định xu thế mới của thị trường sau chuỗi tăng điểm này?

Ông Huỳnh Anh Tuấn- Tổng giám đốc CTCK SJC:Tôi nghĩ nhiều khả năng thị trường đang đi vào xu thế tăng trưởng hơn là xu thế sụt giảm. Dù thế nào, tôi vẫn nghiêng về xu thế tăng trưởng.

Ông Ngô Thanh Phát – Trưởng phòng Phân tích CTCK Quốc tế Việt Nam:Trước khi nhìn về phía trước, tôi muốn nói đến 2 tháng lình xình vừa qua. Nhìn lại hai tháng này, lý giải quá trình điều chỉnh sâu của thị trường sẽ là cơ sở để xác định xu hướng sắp tới. Có thể tóm lược một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, vào thời điểm VN-Index chạm mốc 624 điểm, nhiều nhà đầu tư (NĐT) lớn nhận định rằng thị trường đã tăng quá nóng, nên nhóm này đã bán mạnh cổ phiếu hiện thực hóa để lợi nhuận, sau đó đứng ngoài thị trường, theo dõi và chờ đợi cơ hội mới.

Thứ hai, tính thanh khoản thị trường đã sụt giảm mạnh từ sau khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định cấm các CTCK cho phép NĐT bán chứng khoán trước ngày T+4. Dễ thấy, tính chất đầu cơ trên TTCK Việt Nam vốn đang ở mức cao, khi vòng quay của đồng vốn đầu cơ bị giảm xuống, lập tức phản ứng tiêu cực diễn ra trên toàn thị trường.

Thứ ba,để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 8%. Việc làm này nhìn trong dài hạn sẽ đem lại hiệu quả tốt cho nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nó đã tạo nên phản ứng tiêu cực thái quá của phần lớn nhà đầu tư. Ngoài ra, những căng thẳng trên thị trường tiền tệ vào các tháng cuối năm cũng đã tác động khá nhiều đến thị trường chứng khoán.

Thứ tư,khi thị trường chứng khoán liên tục điều chỉnh, nhiều định chế tài chính đã thực hiện giải chấp mạnh để thu hồi nợ. Chính điều này đã làm cho lượng cổ phiếu bán ra tăng mạnh và đẩy thị trường đi xuống.

Cuối cùng, đó là sự xuất hiện những tin đồn. Mặc dù trong số những tin đồng cũng có những tin chính xác. Tuy nhiên, do đặc điểm lớn là thị trường chứng khoán VN chịu tác động rất mạnh về tâm lý, nên những tin đồn như trên thường gây ra phản ứng dây chuyền.

Những dấu hiệu nào cho thấy thị trường đang xác lập xu thế tăng trưởng?


Ông Huỳnh Anh Tuấn: Nhìn vào dòng tiền trong thời gian gần đây, sẽ thấy rõ. Khi VN-Index đạt đỉnh cao khoảng 630 điểm, sau đó giảm, giá trị giao dịch và tính thanh khoản của thị trường cũng giảm theo. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao giá trị giao dịch và thanh khoản giảm? Tôi cho rằng đó là do dòng tiền đã ra khỏi thị trường từ việc chấm dứt cho vay cầm cố chứng khoán. Tuy nhiên, sau khi việc cho vay này được giải quyết thì dòng tiền từ các nhà đầu tư và từ các kênh đầu tư khác đã tham gia thị trường, vẫn còn ở lại. Trong tháng 11 và đầu tháng 12, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên 1.600 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là  1.600 tỷ đồng đó vẫn đang nằm trong thị trường.

Thứ hai là giá cổ phiếu hiện nay đang ở mức rất phù hợp cho việc đầu tư rủi ro ở ngưỡng thấp.

Ngoài ra, tôi nhận thấy rằng dòng tiền đầu cơ, dòng tiền làm giá cũng bắt đầu quay lại thị trường. Đây là dòng tiền quan trọng giúp tạo ra thanh khoản mới một cách mạnh mẽ hơn, khiến nhà đầu tư lạc quan hơn khi ra quyết định đầu tư.

Có thể nói các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại có tâm lý thận trọng. Khi thị trường đang tăng trưởng ở ngưỡng cao, sau đó giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư từ trạng thái lãi chuyển sang trạng thái lỗ và họ sẵn sàng cắt lỗ. Chính động thái cắt lỗ đó làm cho họ bi quan. Hiện nay, tôi cho rằng bắt đầu có tâm lý bắt nhịp lại thị trường, nhưng nhà đầu tư cần thời gian để có thể cảm nhận được giá cổ phiếu đã rơi xuống mức hợp lý. Với những người đã có động thái chốt lời, giờ đây họ đã quyết tâm giải ngân. Đó cũng là yếu tố nâng đỡ thị trường đi vào xu thế tăng trưởng.

Ông Ngô Thanh Phát: Sau thời gian dài điều chỉnh, phần lớn giá các cổ phiếu niêm yết trên sàn hiện đang ở mức khá thấp. Nếu sử dụng hệ số P/E để xác định mức độ đắt rẻ của cổ phiếu, hiện nay P/E của Việt Nam chỉ ở mức 11.5-12. Đây là mức khá thấp so với nhiều quốc gia khác (Hàn Quốc: 22,5; Hồngkông: 22,7; Thái Lan: 24,6, Shanghai: 34,6…). Tính đến ngày 23/12/2009, trên cả 2 sàn chứng khoán VN có trên 100 công ty có P/E dưới 7 lần. Rõ ràng với nguồn hàng giá rẻ phong phú như vậy, thị trường đang tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư giá trị.

Lũy kế quý IV/2009, tại sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng trên 1.947 tỷ đồng, cao gấp 2 lần tổng giá trị mua ròng của 3 quý đầu năm cộng lại. Tuy nhiên, do giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) chỉ dao động trong khoảng từ từ 10-11% giá trị giao dịch toàn thị trường nên động thái của khối này đã không thể tạo nên xu hướng chung. Trong các phiên giao dịch từ ngày 18/12-23/12, thị trường đã khởi sắc trở lại khi VN-Iindex tăng điểm liên tiếp trong 4 phiên. Nhưng nhìn chung dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức khá thấp. Do đây là thời điểm cuối năm, nhiều NĐT trong nước đang đối mặt với những khoản đáo hạn phải thanh toán. Ngoài ra, do nhiều lý do, các ngân hàng đã hạn chế cho vay, khiến dòng tiền bị hạn chế nhiều. Trong khi đó, sau thời gian điều chỉnh mạnh, nhiều CTCK cũng đã hạn chế việc cung cấp tín dụng cho NĐT nên dòng tiền từ đòn bẩy tài chính cũng không còn ào ạt như trước đây.

Mặc dù thị trường đã tăng điểm trở lại, nhưng sự đi lên manh nha này vẫn chưa đủ mạnh để xóa đi tâm lí thận trọng của phần lớn các NĐT trong nước. Lượng cổ phiếu được mua trong những phiên lao dốc trước đây hiện đang sẵn trong tay các NĐT. Do đó, khi thị trường tăng điểm đến mức hòa vốn, các NĐT này sẽ sẵn sàng bán ra, do đó, một chu kỳ tăng trưởng dài và ổn định vẫn chưa hình thành. Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang thể hiện chiều hướng tích cực, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2010 cùng với vùng giá khá rẻ của các cổ phiếu hiện nay chính là những yếu tố giữ nhiệt và thúc đẩy sự đi lên của thị trường.

Dòng tiền: Phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và chỉ tiêu lạm phát!

Vậy thị trường chứng khoán VN đầu năm 2010 sẽ có bộ mặt như thế nào?

Ông Huỳnh Anh Tuấn: Như tôi phân tích ở trên, chúng ta thấy rằng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong những phiên gần đây ngày một tăng, do đó khả năng mua sẽ mạnh mẽ hơn. Thứ hai, khi bước sang 2010, thanh khoản của các ngân hàng sẽ không căng thẳng như hiện nay nữa, lúc đó các ngân hàng sẽ có room cho việc cho vay cầm cố chứng khoán trở lại. Sang năm 2010, đặc biệt những tháng đầu năm, báo cáo lợi nhuận cuối năm 2009 của các doanh nghiệp sẽ được công bố. Những công ty có kết quả kinh doanh tốt sẽ được nhà đầu tư quan tâm. Điều quan trọng nữa là hiện nay, P/E của nhiều cổ phiếu ở mức thấp, nên nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện đang đăng ký mua lại cổ phiếu quỹ, mua lại chính cổ phiếu của mình, cũng góp thêm một dòng tiền quan trọng.

Bên cạnh đó, với chính sách kích cầu hiện nay áp dụng ưu đãi lãi suất cho một số thị trường xuất khẩu dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang năm tới có khả năng tăng trưởng mạnh hơn năm nay, cũng giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu đạt được kết quả kinh doanh tốt.

Bà Hoàng Thị Hoa – Trưởng bộ phận Phân tích CTCK Bản Việt:Tôi nghĩ rằng tháng 1/2010 cũng sẽ tiếp nối diễn biến những tháng cuối của năm 2009. Như chúng ta thấy trong hai tháng 11 và 11 vừa qua, thị trường đã có những phiên điều chỉnh sâu. Những phiên điều chỉnh này là do sự lo ngại của nhà đầu tư về các diễn biến sắp tới của chính sách tiền tệ. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ra những quy định: Mức tăng trưởng tín dụng cho năm sau là 25%, mức lãi suất cơ bản trong tháng 1/2010 vẫn giữ ở 8%. Như vậy, những lo ngại về điều chỉnh chính sách vĩ mô, về chính sách tiền tệ đã được thị trường chấp nhận và dường như giá của cổ phiếu đã phản ánh vào giá hiện tại.

Do đó, tôi nghĩ rằng trong tháng 1/2010 thị trường sẽ ở mức bình ổn. Vấn đề ở đây là tâm lý đã ổn định và thị trường đã chấp nhận những thay đổi của kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tôi cho rằng dòng tiền vào thị trường vẫn ở mức dè dặt và trong tháng 1/2010 thị trường chủ yếu vẫn chỉ có dòng tiền thật của các nhà đầu tư giá trị. Nguyên do là thường vào cuối năm và đầu năm, khi các doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn để chuẩn bị cho dịp Tết âm lịch thì nguồn vốn của ngân hàng thường phải dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Nguồn vốn dành cho các lĩnh vực phi sản xuất, ví dụ như đổ vào thị trường chứng khoán có thể sẽ bị hạn chế.

Ông Ngô Thanh Phát: Khi các khoản đáo hạn thanh toán qua đi, dòng tiền tham gia thị trường sẽ được khai thông. Ngoài ra, áp lực bán giải chấp ở các CTCK sẽ không còn là nỗi lo do các đơn vị này đã thực hiện gần như hoàn tất trong tháng 12/2009. Do đó, xu hướng chung là thị trường sẽ diễn biến theo chiều hướng ổn định hơn. Cũng cần nói thêm, tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng hiện đang ở mức cao, nguồn đầu vào lại hạn chế nên các ngân hàng đang rất hạn chế cho vay. Nếu tình hình trên tiếp tục diễn ra trong tháng 01/2010 và NHNN không có chính sách điều tiết phù hợp thì nhiều khả năng dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục bị hạn chế và như thế cơ hội để cho một chu kỳ tăng điểm mới sẽ rất khó xảy ra trong tháng đầu năm. Từ thực tế này cho thấy, một đợt sóng mạnh sẽ không có nhiều khả năng khởi động trong tháng 01/2010, nhưng thị trường sẽ có những đợt tăng trưởng ngắn kèm theo những phiên điều chỉnh nhẹ đan xen. Nếu đầu tư với kỳ vọng tìm kiếm giá trị cho khoảng thời gian từ 2-3 tháng, thì đây là vùng giá khá hấp dẫn để giải ngân. Tuy vậy, đối với các NĐT lướt sóng, đây không phải là thời điểm tốt để tạo ra các khoản lợi nhuận lớn như trước kia nên việc đầu tư cần phải có sự chọn lọc cẩn thận, NĐT nên lựa chọn những cổ phiếu có thanh khoản cao, thuộc các nhóm ngành dễ tạo sóng như bất động sản, vật liệu xây dựng… để đầu tư thì sẽ hiệu quả hơn.

Vậy đâu là những điểm mà nhà đầu tư cần lưu ý khi quan tâm thị trường?

Bà Hoàng Thị Hoa: Dựa trên những dự đoán về diễn biến thị trường, tôi nghĩ rằng khi nhà đầu tư tham gia thị trường trong tháng 1, yếu tố mà họ sẽ quan tâm là  thanh khoản. Như tôi vừa phân tích, dòng tiền hiện tại là những dòng tiền thật, có sẵn, do đó, nếu có sự đột biến hoặc thay đổi của dòng tiền, thị trường có thêm những nguồn tiền mới,  thì có thể có những tín hiệu tích cực hơn và nhà đầu tư cũng có thể kỳ vọng vào mức tăng trưởng tốt hơn. Thứ hai, nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm đến những thay đổi trong bối cảnh đầu năm 2010, đặc biệt là diễn biến của chỉ số CPI trong những tháng cận kề Tết âm lịch tương ứng với tháng 1/2010, bởi năm nay Tết đến sớm. Như vậy, tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 1/2010, cụ thể là viễn mối lo lạm phát trở lại sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ. Như vậy, nếu lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát, có thể nhà đầu tư cũng yên tâm hơn về sự ổn định của chính sách tiền tệ.

Xin cảm ơn các chuyên gia !

(Stocknews)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chênh lệch lương: Nên nhìn vào hiệu quả công việc
  • Ngành ngân hàng: Tốc độ tăng trưởng sẽ cao nhất?
  • 2010: Kinh tế Argentina có thể tăng trưởng 7%
  • Tín dụng 2010: Kẹp giữa tăng trưởng và lạm phát
  • Các ngân hàng vẫn bị "bó cứng" về chính sách
  • Giám sát hoạt động ngoại hối: Tránh cách làm lúc chặt, lúc lỏng
  • Các cổ phiếu có mức vốn hóa thị trường lớn được dự báo sẽ đóng vai trò trung tâm
  • "Đô la Mỹ tăng giá có lợi cho Việt Nam"
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!