Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính sách tiền tệ: cảnh báo nguy cơ "vòng xoáy" lạm phát

Sau điều chỉnh tỷ giá cần có giải pháp toàn diện

Tác giả: TS. Vũ Quang Việt
(từng là chuyên viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hợp Quốc (United Nations Statistics Division).
Nguồn: VEF
----------------
Điều chỉnh tỷ giá sẽ tăng lạm phát trong ngắn hạn, và nếu Việt Nam không giữ được giá không tăng thêm bằng các chính sách tín dụng, tiền tệ, tài chính công phù hợp sẽ biến nó thành lạm phát dài hạn và đòi hỏi điều chỉnh tiếp, tạo thành một vòng xoáy lạm phát - TS. Vũ Quang Việt cảnh báo.

1. Quyết định điều chỉnh tỷ giá là điều không thể không làm. Vì hai lý do. Thứ nhất, có sự cách biệt lớn giữa giá Ngân hàng Nhà nước quyết định và giá trên thị trường do đó không ai dại gì, kể cả doanh nghiệp nhà nước có đô la do xuất khẩu, lại đem tiền vào ngân hàng đổi.

Vì vậy, đưa đến lý do thứ hai là dự trữ ngoại tệ đang giảm xuống thấp tới mức báo động, có thể làm mất khả năng nhập khẩu và trả nợ, làm đình đốn sản xuất. Như thế, không điều chỉnh tỷ giá thì không được, mà điều chỉnh thì phải có biện pháp đối phó ngay với lạm phát. Biện pháp đòi hỏi hy sinh, kể cả làm giảm sút tốc độ tăng GDP.

2. Đúng là khi đồng tiền Việt bị định giá thấp, hàng nhập theo giá đồng Việt tăng lên ngay, nhưng hàng xuất (tính theo giá đồng đô) cũng tăng lên khi chuyển thành tiền Việt. Người xuất khẩu không thiệt gì, mà còn có lợi, nếu như việc làm hàng xuất tạo ra giá trị gia tăng. Và việc tăng giá này là điều "có thể" chỉ xảy ra một lần.

Nó "có thể" như thế nếu như Chính phủ có các biện pháp khác để lạm phát không tiếp tục và do đó không đòi hỏi tiếp tục phá giá tiếp. Nếu Chính phủ vẫn làm như đã từng làm cho đến ngày hôm nay thì lạm phát sẽ trở nên ngày càng khó kiểm soát. Đó là tình trạng từ năm 2007 đến nay.


3. Khi điều chỉnh tỷ giá tăng lên, người nhập khẩu để làm hàng tiêu dùng trong nước, phải trả bằng đồng Việt Nam nhiều hơn trước, do đó phải tìm cách giảm chi phí sản xuất như dùng vật tư hàng nội thay thế vật tư phải nhập hoặc phải phá sản, chuyển đổi sản xuất. Người tiêu dùng phải trả giá hàng nhập cao hơn do đó phải giảm chi tiêu cho hàng nhập, mua hàng làm ở trong nước.

Không phải nhập khẩu chủ yếu là phục vụ sản xuất trong nước khi nhìn thấy chỉ có 10% hàng là trực tiếp được vào tiêu dùng ngay không qua chế biến. Cần thấy rằng nhập vật tư làm xe hơi, xe máy và sắt thép, cũng như các vật liệu xây nhà ở cao cấp là nhằm phục vụ tiêu dùng chứ đâu nhằm làm hàng xuất khẩu. Do đó nhập khẩu để làm những hàng này là để phục vụ tiêu dùng trong nước. Tăng giá là nhằm giảm chi tiêu, chuyển đổi sản xuất, kể cả đóng cửa các hoạt động không cần thiết nhằm làm lành mạnh hóa nền kinh tế. Các nhà kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng tính xem nhập khẩu nhằm phục vụ tiêu dùng trong nhiều năm qua như thế nào. Nhưng chưa thấy ai làm.

4. Cũng thế, giá điện và xăng quá thấp cho nên Việt Nam dùng điện và xăng để sản xuất 1 giá trị sản phẩm nhiều hơn Trung Quốc (hơn 50%), còn Trung Quốc thì dùng gấp 2 lần Mỹ. Trung Quốc cũng dùng gấp 3 lần hơn Mỹ các nguyên liệu nói chung, tức là họ đào thiên nhiên ra để phục vụ xuất khẩu. Nhưng Trung Quốc làm ra tiền có ngoại tệ để dành, còn Việt Nam thì dựa vào kiều hối và vay mượn nước ngoài. Đây cũng là lý do có nhiều công ty muốn sang Việt Nam sản xuất thép vì giá điện, xăng rẻ, và khá tự do trong việc thải các chất ô nhiễm. Cho nên việc tăng giá điện, xăng là điều phải làm.

Điều chỉnh tỷ giá: Đừng để xảy ra vòng xoáy lạm phát (ảnh NB&CL)

 

5. Tuy nhiên, với những câu hô "quyết liệt" trong việc nâng giá vừa qua, tôi hy vọng là việc điều chỉnh tỷ giá lần này được làm một cách tổng thể bài bản, đặc biệt là đã có kế hoạch sẵn sàng ngăn chặn, cắt bỏ chi tiêu đầu tư mạnh tay của Nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh. Nếu không, lạm phát sẽ nhanh chóng bùng nổ và nền kinh tế sẽ có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Lãi suất tất phải cao, điều này tất nhiên ảnh hưởng ngay đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, sản xuất nhỏ, khu vực tạo ra công ăn việc làm. Để làm giảm ảnh hưởng đến họ thì tín dụng cấp cho quốc doanh phải giảm mạnh như vậy mới có nguồn tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Muốn giảm mạnh tín dụng cho quốc doanh thì chỉ có cách cắt bỏ các kế hoạch đầu tư chưa cần thiết, với mục đích chính là đạt tốc độ tăng GDP cao.

Đối với quốc doanh thì lãi suất cao cũng chẳng có tác dụng đáng kể đến quyết định đầu tư của họ, ngân hàng quốc doanh và ngân sách vẫn nhận được lệnh cung cấp, họ cũng không sợ mất vốn hay lỗ vì có Nhà nước "chống lưng". Lạm phát có ở mức cao hơn 20% mà tỷ lệ lãi 2% vẫn được coi là làm ăn có lãi.

Lãi suất cao là biện pháp hữu hiệu nhằm chống lạm phát và điều hành việc phân phối tín dụng. Khi nào lạm phát xuống, lãi suất sẽ giảm. Điều này đã được thực hiện trong giải pháp chống lạm phát đầu những năm 90.

Để điều chỉnh lãi suất xảy ra nhanh chóng và chống việc ngân hàng lạm dụng tình thế để làm lời, Ngân hàng Nhà nước có thể ra lệnh cho ngân hàng quốc doanh tính lãi suất cho vay cao hơn lãi suất ký gửi, là 2% chẳng hạn. Ngân hàng quốc doanh thuộc nhà nước, do đó nhà nước hoàn toàn có thể điều hành theo ý muốn. Không cần ra lệnh cho ngân hàng tư doanh, nhưng ngân hàng tư doanh sẽ phải chạy theo vì phải cạnh tranh nhằm bảo vệ thị phần. Tín dụng từ ngân hàng quốc doanh chiếm tuyệt đại số lượng tín dụng cho nên việc điều hành như thế là khả thi. Chỉ sợ qui định không được tuân thủ.

6. Dựa vào những phát biểu như hiện nay của nhà quản lý, tôi nghi ngờ việc Việt Nam đã có trong tay một kế hoạch bài bản nhằm đối phó với tình hình hiện nay. Tôi nghĩ các nhà chức trách nên trình bày rõ ràng trước dư luận bài bản sẽ được thực hiện.

7. Điều chỉnh tỷ giá sẽ tăng lạm phát trong ngắn hạn và lạm phát trong ngắn hạn này nếu không được điều chỉnh nhằm giữ cho giá không tăng thêm bằng các chính sách tín dụng, tiền tệ, và tài chính công phù hợp sẽ biến nó thành lạm phát dài hạn và đòi hỏi phá giá tiếp, tạo thành một vòng xoáy lạm phát. Lúc đó tốc độ tăng GDP có thể giảm hoặc âm mà lạm phát lại ở mức phi mã.
____________________
“Ghìm cương” lạm phát 

Làm thế nào để kiểm soát giá cả, ghìm cương lạm phát là vấn đề được đặt ra hiện nay.

Hạ lãi suất - chống lạm phát?

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn, trong nửa năm 2010, dù tỷ giá được ghìm lại nhưng chỉ số CPI cuối năm vẫn tăng 11,75%. Do đó, cú điều chỉnh tỷ giá vừa rồi của Ngân hàng (NH) Nhà nước thêm 9,3% chắc chắn sẽ khiến CPI chịu tác động không nhỏ. Vì vậy, cần phải có những biện pháp kinh tế, trước tiên là quản lý thị trường, giá cả để tránh tăng giá một cách bất hợp lý nhân điều chỉnh tỷ giá, nhưng đồng thời cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền. “Nếu như biết rút kinh nghiệm từ những năm trước về điều hành giá cả, giữ được thị trường tài chính, tiền tệ ổn định hơn. Đặc biệt là các giải pháp vĩ mô giảm tổng cầu của nền kinh tế, thì hy vọng sẽ đạt được mức lạm phát 7% như mong muốn, mặc dù không đơn giản”, ông Ngoạn nói.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng bối cảnh hiện nay giảm lãi suất (LS) sẽ có tác động tích cực tới chỉ số giá CPI. Về lý thuyết, nghe có vẻ nghịch lý vì giảm LS dẫn tới tăng cung tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán và gây ra lạm phát. Nhưng tại VN, 90% nguồn tín dụng của hệ thống NH dành cho doanh nghiệp (DN) nên khi hạ LS thì chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm hạ xuống. DN hoạt động tốt, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa. Còn nếu LS quá cao, DN khoanh tay ngồi chơi, hàng trong nước không sản xuất được, hàng hóa nước ngoài ùa vào, giá cả sẽ leo thang. “Khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, các quốc gia phát triển tăng LS để kiềm chế tiêu dùng, giảm giá xuống. Nhưng đó là các quốc gia có cơ cấu tín dụng tiêu dùng chiếm tới 70% trong hệ thống NH. Tại VN, với 90% tín dụng NH dành cho DN, khi LS giảm, DN giống một cánh đồng đang khát nước, nếu mở van cho nước vào ruộng, lúa sẽ mọc tốt hơn”, ông Thành ví von. “DN có hoạt động, sản xuất thì nền kinh tế mới tăng trưởng được xuất khẩu, hạn chế nhập siêu khi đó mới tăng cường được dữ trữ ngoại hối. Tăng dự trữ ngoại hối có đủ khả năng can thiệp tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành chia sẻ.

Cần giải pháp đồng bộ 

 
Giảm bội chi sẽ tác động giảm sức ép lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng 
 

TS Cao Sỹ Kiêm

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước lại tỏ ra cẩn trọng hơn. Theo ông Kiêm, để hóa giải áp lực lạm phát mà chỉ giải quyết vấn đề LS thì không đủ. Hiện tại, LS cao một phần do đồn thổi, nhưng  cung - cầu vốn có căng thẳng thực sự. Ngoài ra, tâm lý sợ lạm phát cao, sợ đồng tiền mất giá, cho nên đã sinh ra sự găm giữ, đầu cơ vốn không đưa được vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trước mắt phải làm cả biện pháp kinh tế và tâm lý để giảm lạm phát xuống trước. Muốn vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ như sắp xếp lại cơ cấu thu, chi để giảm bội chi ngân sách càng nhiều càng tốt. Phải chi, đầu tư trúng và đúng các đối tượng cần khuyến khích để mang lại hiệu quả cao. “Giảm bội chi sẽ tác động giảm sức ép lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng”, ông Kiêm nói. Nhập siêu tuy giảm so với trước kia, nhưng vẫn ở mức độ rất cao, đang kích giá hàng nhập khẩu lên, là nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu để tăng hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nhập khẩu chưa cần thiết, không phục vụ trực tiếp sản xuất - kinh doanh, hạn chế tới mức tối đa… Đặc biệt, theo ông Kiêm, với các khoản tín dụng không tạo ra khả năng sử dụng lao động, tạo sức mua, tạo thu nhập thì phải kiên quyết sắp xếp lại. Các DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, cơ cấu lại hoạt động, sản xuất cho hiệu quả. Cuối cùng, cần giải quyết thông tin về chính sách minh bạch, rõ ràng. “Chính sách điều hành nhất quán, thống nhất cao mới tạo động lực trong thực hiện, lòng tin của thị trường, tránh được găm giữ, đầu cơ đồn thổi, tăng giá. Cần có sự thận trọng nhất định nếu không mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% trong năm nay rất mong manh” ông Kiêm nhấn mạnh.

Đối với việc tăng giá các mặt hàng than, điện, xăng dầu, TS Kiêm cho rằng khi điều chỉnh giá sẽ “ăn” trực tiếp vào chi phí của tất cả các mặt hàng khác, đẩy giá thành tăng lên. Lúc này khả năng thanh khoản hệ thống NH tốt, tiền thu về chưa chi ra nhiều có thể thích hợp để điều chỉnh, nhưng cần cân nhắc điều chỉnh như thế nào, phối hợp ra sao, cái gì trước, cái gì sau phải thông qua việc tính toán định lượng các con số cụ thể.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Bùi Kiến Thành chia sẻ ngân sách có hạn nên giá xăng không thể giữ mãi, điện cũng phải tăng để kêu gọi thu hút đầu tư. Nhưng quan trọng là phải xem chỉ số giá tiêu dùng chịu tác động của nhân tố nào mạnh nhất để biết làm gì trước, cái gì sau. Theo ông Thành, tăng giá, điện, than, xăng dầu để DN có nguyên liệu hoạt động, nền kinh tế không bị trì trệ. Nhưng “tăng giá cũng cần phải có giải pháp đồng bộ đi kèm như hạn chế đầu tư dàn trải, thất thoát. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tránh độc quyền sản phẩm… để hạ giá thành. Đồng thời, phân loại các hộ nghèo để có hỗ trợ thích đáng”, ông Thành bày tỏ.

A.V// Theo Thanh Niên
----------------------------------------------------------------------------

Vấn đề của năm 2011: tỷ giá và lạm phát

Nhìn toàn cảnh kinh tế vĩ mô trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát và tỷ giá vẫn là hai thách thức lớn nhất của năm 2011.

Việc điều chỉnh tỷ giá cần phải kịp thời, bởi nếu không, kỳ vọng vào tỷ giá nhiều quá sẽ gây những ảnh hưởng tâm lý.Ảnh: TL SGTT

Tại phiên họp mở rộng của uỷ ban Kinh tế Quốc hội hôm qua (15.2), ông Vũ Viết Ngoạn, phó chủ nhiệm uỷ ban, cho rằng: từ tỷ giá sẽ gây sức ép đến những cân đối khác và tiếp tục đè nặng, gây sức ép lên lạm phát. “Sức ép lạm phát năm nay còn lớn hơn năm 2010”, vị cựu tổng giám đốc ngân hàng Vietcombank này nhận định. Theo ông, việc điều chỉnh tỷ giá cần phải kịp thời, bởi nếu không, kỳ vọng vào tỷ giá nhiều quá sẽ gây những ảnh hưởng tâm lý. Ông cho rằng trong thời gian tới, nếu việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản như điện, than, xăng dầu... có thể tác động không lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng sẽ tác động rất đáng kể đến tâm lý thị trường. Do đó, cần phải có những biện pháp để kiểm soát được tâm lý này.

Ông Nguyễn Đức Kiên, uỷ viên thường trực uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá: “Trong quý 2, một mặt bằng giá mới có khả năng được hình thành khi giá điện, giá xăng... được điều chỉnh. Giá cả của những mặt hàng này tăng sẽ đi thẳng vào chi phí, giá thành sản xuất của doanh nghiệp”.

Vị đại diện của Văn phòng Chính phủ, tại cuộc họp, cũng đồng ý rằng áp lực lạm phát năm 2011 cao hơn năm 2010 dù tình hình kinh tế vĩ mô nhìn chung có dấu hiệu ổn định hơn. “Không những thế, tình hình đang tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát. Vừa qua, nhiều địa phương bỏ nguồn tiền lớn để “bình ổn giá” nhưng chính việc này lại làm méo mó giá cả thị trường”, vị đại diện này nhận xét.

Cũng tại buổi họp nói trên, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã trần tình rất kỹ về việc vì sao đến giờ mới điều chỉnh tỷ giá. Theo ông Giàu, từ tháng 10 năm trước, khi xuất hiện dấu hiệu mất cân đối, làm căng cứng tỷ giá, ông đã đề nghị điều chỉnh tỷ giá vào tháng 11. “Nhưng các bộ trưởng (tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ) đã không ủng hộ đề nghị của chúng tôi với lý do có thể gây lạm phát. Còn hiện tại, việc điều chỉnh tỷ giá chỉ tăng trên 7% chứ không phải trên 9% như báo chí nêu”, ông Giàu nói. Ông cũng cho biết thêm: việc điều chỉnh tỷ giá chậm nên đã phải dùng nguồn lực lớn để can thiệp thị trường. “Bài toán tỷ giá còn khó giải một khi vẫn còn nhập siêu. Nhưng những vấn đề sâu xa hơn như tái cơ cấu nền kinh tế... thì chúng ta vẫn chưa bàn sâu, kỹ để giải quyết tận gốc”, ông nói.

Ông Trịnh Đình Dũng, thứ trưởng bộ Xây dựng đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn kinh phí từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ. Theo ông, vốn trái phiếu chỉ nên dùng cho những dự án, công trình cấp bách nhưng thực tế “các địa phương cứ xin được là phấn khởi dù có những công trình chưa cấp thiết...”

Để vượt qua những thách thức lớn của năm 2011, thống đốc Nguyễn Văn Giàu thẳng thừng cho rằng phải giảm đầu tư, có biện pháp cụ thể nhằm giảm tổng cầu như từng bộ, ngành, địa phương lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu, đầu tư... Ông bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng ngay trong dịp tết Nguyên đán vừa rồi, mặc dù giá cả tăng cao nhưng tốc độ chi tiêu của người dân không giảm, thậm chí vẫn rất cao, trái ngược hẳn với xu hướng tiêu dùng thông thường ở các quốc gia khác là khi khó khăn, người dân thường ngay lập tức tiết kiệm, giảm chi. Về phía ngân hàng Nhà nước, ông Giàu cho biết, sẽ quyết liệt thực hiện các biện pháp để tăng trưởng dư nợ không quá 23% trong năm nay (WB khuyến cáo không nên quá 20%, IMF đề nghị không quá 15%) và dần dần hạ lãi suất.

Ông Giàu cũng dẫn ra một số khuyến cáo khác của IMF, WB và tỏ ra đồng tình với các khuyến cáo này: không nợ công, giảm thâm hụt ngân sách, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty có báo nợ nước ngoài trình Quốc hội hàng năm, thực hiện kiểm toán theo tiêu chuẩn quốc tế, Chính phủ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước...

Các chuyên gia kinh tế trong uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng tỏ ý tán thành ý kiến của thống đốc Nguyễn Văn Giàu. Ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, giảm tổng cầu là đúng. “Thực tế mấy năm qua ta cứ làm ngược với nhận định của ta khi ngay từ khâu lập kế hoạch, vẫn để tổng đầu tư lớn hơn 40% GDP, tức là ta vẫn cứ chấp nhận thâm hụt cán cân vãng lai. Cho nên, cần phải có chính sách cụ thể cho năm nay”, ông nói. Cũng theo ông Ngoạn, phải bắt tay ngay vào tái cơ cấu đầu tư bằng việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, chú ý bảo vệ môi trường; giảm đầu tư công và khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. “Đặc biệt lưu ý là vấn đề nhập siêu. Nếu xử lý nhanh và mạnh hơn nữa thì càng tốt”, ông Ngoạn nhấn mạnh. Tiến sĩ Trần Du lịch, thành viên uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đề nghị: “Chính sách tiền tệ, tài khoá phải nhịp nhàng, giữ được giá trị tiền và loại trừ nguy cơ tái lạm phát”.

MẠNH QUÂN// theo SGTT



 

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Phá bỏ cơ chế điều hành tỉ giá cũ
  • Điều hành tỷ giá linh hoạt theo hai chiều
  • Ai gây ra khủng hoảng tài chính 2008?
  • TS. Nguyễn Minh Phong: Thông điệp điều chỉnh tỷ giá VND năm 2011
  • Tác động nhiều chiều của tỷ giá
  • Ai có lợi từ điều chỉnh tỉ giá?
  • Tổng hợp vấn đề nóng: VND mất giá - Tăng trưởng hay tăng nguy cơ lạm phát cao ?
  • Giảm lạm phát để giảm lãi suất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!