Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tổng hợp vấn đề nóng: VND mất giá - Tăng trưởng hay tăng nguy cơ lạm phát cao ?

Nhận định của các chuyên gia khi tỷ giá 20.693 đồng/USD
( Ngọc Minh // Tầm Nhìn)

Một quan chức của Vietcombank cho biết, sự điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước lần này đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do, tức giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải gia tăng bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa 2 giá. 

 


Trong thời gian vừa qua, mỗi khi USD căng thẳng, mức chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và giá USD trên thị trường "chợ đen" vênh nhau khoảng hơn 1.000 đồng/USD. Nếu ngân hàng tìm cách "lách luật" bán giá USD ngang với giá "chợ đen" thì khi cần mua khoảng 1 triệu USD, doanh nghiệp phải tốn thêm khoảng một tỷ đồng.

Tất nhiên, khoản chi phí này sẽ được doanh nghiệp tính vào giá thành và nó trở thành một trong những lý do tạo sức ép tăng giá hàng hóa. Chi phí và giá thành cao sẽ khiến cho việc sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp khó khăn hơn.

Chính vì vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, sự điều chỉnh lần này còn giúp cho các doanh nghiệp được tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong bảng hạch toán kinh doanh của mình, mà trước đó thường phải che giấu, hợp lý hóa các khoản mua USD trên thị trường tự do với giá cao hơn giá chính thức.

Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Thông Tấn, ông Nguyễn Văn Tấn cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá vừa là thích hợp, giúp đưa tỷ giá chính thức gần hơn với tỷ giá trên thị trường tự do nhằm giảm bớt những giao dịch quanh co, ngoài luồng và giải tỏa bớt yếu tố kỳ vọng.

Ông Tấn cho biết thêm, với quyết định này những doanh nghiệp xuất khẩu như doanh nghiệp của ông sẽ phấn khởi hơn. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận tính ra Việt Nam đồng tăng lên. Thế nhưng, việc này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải "chịu" thêm thiệt thòi, gánh nặng chi phí vì thế cũng sẽ bị đội lên.

Đương nhiên, sự điều chỉnh tỷ giá lần này cũng không tránh khỏi những hệ lụy, nhất là có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Ban Nguồn vốn thuộc BIDV cũng cho rằng, đây là quyết định chính xác và kịp thời. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn thiếu nguồn ngoại tệ. Việc nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung-cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, theo ông Quỳnh, để cân bằng cung-cầu ngoại tệ không chỉ dựa vào việc nâng tỷ giá mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn cung ngoại tệ, nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo một số ngân hàng khác, việc điều chỉnh tỷ giá lần nãy sẽ giúp việc huy động USD tại các ngân hàng dễ dàng hơn. Khi đầu vào tốt, ngân hàng sẽ có nguồn cung để bán ra ngoài, giải quyết các nhu cầu về ngoại tệ của cá nhân cũng như doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể tăng lượng ngoại tệ dự trữ của đất nước.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, mà còn hạn chế nhập siêu, nhất là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế

Chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Barclays cho biết “mức độ điều chỉnh tỷ giá này là lớn hơn so với những gì mà thị trường dự báo”.

Một số chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về các vấn đề lạm phát và triển vọng tín nhiệm nợ của Việt Nam sau động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cho dù đây được cho là một biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng và giảm thâm hụt thương mại.

Phát biểu trên hãng tin tài chính Bloomberg, ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc ngân hàng Credit Agricole CIB của Pháp tại Hồng Kông cho biết, ông ngạc nhiên về mức điều chỉnh của lần điều chỉnh tỷ giá USD/VND này. “Có vẻ như Việt nam đang nỗ lực hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng thay vì chống lạm phát. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì lạm phát đang là một vấn đề lớn của Việt Nam”, ông nói.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal, chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat thuộc ngân hàng Barclays cũng cho rằng “mức độ điều chỉnh tỷ giá này là lớn hơn so với những gì mà thị trường dự báo”.

Đây là lần điều chỉnh tỷ giá lần thứ 3 của Việt Nam trong vòng khoảng 1 năm trở lại đây. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nâng bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD (tăng 9,3% so với mức 18.932 VND trước đó) và thu hẹp biên độ giao dịch từ +/-3% xuống +/-1% áp dụng cho ngày 11/2/2011.

Theo số liệu của Bloomberg, đây là lần tăng giá mạnh nhất của USD so với VND ít nhất từ năm 1993 tới nay. Trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 2 lần, vào tháng 2 và tháng 8.

Việc điều chỉnh tỷ giá lần này diễn ra trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Việt Nam tiếp tục ở mức cao, đạt 1 tỷ USD trong tháng 1 vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cũng tăng tới 12,17% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với phóng viên hãng tin Dow Jones Newswire, ông Christian De Guzman, nhà phân tích tại Singapore thuộc hãng định mức tín nhiệm Moody’s cho biết, động thái tăng tỷ giá tham chiếu USD/VND không gây bất ngờ, xét tới việc thâm hụt thương mại ở mức cao tiếp tục đeo bám Việt Nam, cũng như khoảng cách có xu hướng giãn rộng giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do.

Việt Nam cần phải thực hiện chính sách thắt chặt quyết liệt hơn nữa để giải tỏa những áp lực lạm phát và phục hồi niềm tin vào đồng nội tệ. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Chính phủ Việt Nam sẽ đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng sang bên.
----------------------------------------------------

“Bước nhảy” tỷ giá đầu năm: Lợi thì có lợi…
( Nguyễn Hoài // Vneconomy)

Ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm biên độ tỷ giá  từ +/-3% xuống +/-1% và nới tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18.932 VND/USD lên 20.693 VND/USD. Bước điều chỉnh tỷ giá “vô tiền khoáng hậu” này có ý nghĩa như thế nào đến việc ổn định thị trường ngoại hối?

“Tỷ giá thực”

Với động thái này, tỷ giá chính thức đang giao dịch tối đa là 19.500 VND/USD được nâng lên 20.900 VND/USD. Và mỗi USD đắt hơn so với trước đó một ngày là 1.400 VND, tăng tương ứng 7,17%.

Còn nếu so với một năm trước, lúc tỷ giá bình quân liên ngân hàng là 18.544 VND/USD và biên độ tỷ giá là +/-3%, tỷ giá chính thức được phép mua bán tối đa là 19.100 VND/USD thì đồng USD hiện nay đã tăng giá tới 9,42%! Hay nói cách khác, VND đã bị giảm giá trị chừng đó phần trăm sau một năm so với đồng USD.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, bên cạnh một số yếu tố hỗ trợ tốt như giải ngân FDI, ODA khá mạnh, kiều hối dồi dào…, thì đợt điều chỉnh này là phù hợp với tín hiệu thị trường. Cùng đó, việc thu hẹp biên độ giao dịch cũng như hướng tới cơ chế điều hành tỷ giá liên ngân hàng linh hoạt thay vì kéo dài cố định như trước đây sẽ giúp cho Ngân hàng Nhà nước chủ động ổn định thị trường ngoại hối hơn.

Còn giới kinh doanh thì sao? Giám đốc ban vốn một ngân hàng lớn nói: “Chúng tôi không bất ngờ với đợt điều chỉnh này vì mọi người đều nói với nhau rằng: không trước thì sau Tết, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tăng tỷ giá”.

Theo ông này, với mức điều chỉnh lớn như vậy (9,42% so với một năm trước) là hoàn toàn phụ thuộc vào sự đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và như thế, Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra đó mới là “tỷ giá thực”. Điều này cũng đảm bảo lợi ích cho cả nền kinh tế, từ lợi ích doanh nghiệp đến việc bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối.

Trên thực tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước “chỉnh” một USD lên 20.900 đồng thì đó cũng là con số mà các ngân hàng đang giao dịch trong nhiều ngày qua. Và điều quan trọng hơn, nếu mức giá này đúng là “vùng mục tiêu” của thị trường thì ngân hàng và doanh nghiệp đã có thể nghĩ đến việc hạch toán tỷ giá đúng như mình giao dịch và tiến tới loại bỏ bất cập “cơ chế hai giá” đang nhức nhối hiện nay.

Nhìn từ góc độ an toàn dự trữ ngoại hối, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietBank cho rằng, hành động này của Ngân hàng Nhà nước vừa thỏa mãn thị trường vừa bảo toàn dự trữ ngoại hối. Năm 2008, dự trữ ngoại hối trên 20 tỷ USD nhưng do kìm nén giá trị VND so với USD, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ngoại tệ ra thị trường nhiều hơn và theo một số thông tin chưa chính thức, dự trữ ngoại hối hiện chỉ tương đương 13 tỷ USD, thậm chí còn thấp hơn.

Liên quan đến thông tin nói trên, một số ý kiến lo ngại nợ quốc gia sẽ tăng, nhưng một lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia trấn an rằng: nếu Chính phủ vay nợ quốc gia thì Bộ Tài chính phải đứng ra trả và nguồn thu được lấy từ xuất khẩu dầu thô và một số tài nguyên khác chứ không phải lấy tiền đồng mua USD ở thị trường để trả.

Hiện nay, xuất khẩu dầu thô đang được giá và đó là một thuận lợi trong việc giải quyết vấn đề nợ quốc gia. 

Lo vẫn còn

Liệu bước điều chỉnh tỷ giá “vô tiền khoáng hậu” này đã hoàn toàn là giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường ngoại hối?

Giám đốc ban vốn một ngân hàng lớn nêu câu hỏi: “Ai cũng biết, tỷ giá là mức giá. Nếu giá cao, sẽ làm tăng cung và giảm cầu. Nhưng tăng cung và giảm cầu đến mức nào là phù hợp khi mà cầu thì lúc nào cũng có và lớn, khi mà kim ngạch nhập khẩu năm 2010 đạt 84 tỷ USD, tăng 20,1% so với 2009?”. Vì thế, nếu cầu lớn thì dù có nâng tỷ giá lên cao hơn nữa, người mua vẫn phải mua, nhất là những danh mục hàng hóa thiết yếu cho sản xuất. Ông này cho rằng, phải có các biện pháp tác động mạnh đến cung và cầu ngoại tệ mới là yếu tố quan trọng.

Thứ hai, sự khác biệt của sự điều chỉnh lần này so với trước là giảm biên độ từ +/-3% xuống +/-1%. Có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cách thức này sẽ  kiếm soát được mức độ biến động của tỷ giá, nhưng thực tế chưa hẳn như vậy, vì vấn đề chính của tỷ giá trong thời gian qua là nằm trong hay ngoài biên độ chứ không phải sự rộng hẹp của biên độ. Hơn nữa, một khi giữa thị trường và điều hành chưa chung một con đường thì “cơ chế hai giá” vẫn tiếp tục. Và những biểu hiện doanh nghiệp mua USD ở ngân hàng nhận về hóa đơn thanh toán 20.900 đồng/USD nhưng phần chênh lệch cao hơn thì đưa thẳng tiền mặt cho ngân hàng vẫn không hề xa lạ.

Theo ông Hưởng, song hành với điều chỉnh nói trên, Ngân hàng Nhà nước nên quy định lãi suất tiền gửi USD thật thấp nhằm chống tích trữ, đầu cơ. Cụ thể, hiện nay lãi suất USD khoảng 7%/năm, cộng với mức tăng giá USD mỗi tháng khoảng 2%, như vậy, một năm sau, người gửi USD sẽ lãi hơn rất nhiều lần so với gửi nội tệ và họ sẽ tích trữ, thậm chí rút VND mua USD.

Ngược lại, nếu quy định lãi suất tiền gửi USD thấp, người dân và tổ chức kinh tế sẽ chọn VND. Cũng có ý kiến phản biện rằng, kể cả khi nắm giữ USD không có lãi nhưng với thực trạng “lạm phát ỳ” năm nọ đến năm kia như ở Việt Nam thì giữ USD vẫn bảo toàn được giá trị tài sản hơn là giữ VND.

Ông Hưởng cho rằng, lãi suất tiền gửi VND hiện nay đã được bao hàm lạm phát trong đó và nên hướng tới việc luôn đảm bảo lãi suất tiền gửi VND phải thực dương, còn lãi suất USD thì không. Đó cũng là lộ trình hướng tới chống Đô la hóa trong tương lai. Biện pháp thứ hai, là khuyến khích tổ chức kinh tế, người dân gửi USD vào ngân hàng và để họ sử dụng nguồn ngoại tệ này như tài sản thế chấp  để vay VND. Như vậy, người dân không những bảo toàn  được giá trị tài sản mà vẫn được sinh lời.
-------------------------------------------------------------------

Đằng sau việc điều chỉnh tỷ giá
( Huỳnh Thế Du // Thanh Niên )
Để thu hẹp sự chênh lệch với tỷ giá trên thị trường tự do, hôm qua NHNN đã điều chỉnh tỷ giá chính thức 9,3%, mức cao nhất kể từ giữa thập niên 1990 đến nay.
Đây là việc cần phải làm, nhưng vấn đề lúc này là làm sao để tránh kỳ vọng tiền đồng tiếp tục bị mất giá và hệ thống hai tỷ giá khi mà mức chênh lệch hiện tại đã lên đến 2,5%. Điều này phụ thuộc vào các chính sách ứng phó với lạm phát, thâm hụt thương mại và dòng vốn từ bên ngoài trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần phải khống chế lạm phát. Trong điều kiện bình thường, nhìn vào diễn biến lạm phát là có thể đoán được sự thay đổi tỷ giá đồng tiền giữa hai quốc gia. Nếu lạm phát ở VN vào khoảng 7% và lạm phát ở Mỹ là 2% thì mức độ mất giá của tiền đồng sẽ vào khoảng 5%. Đây đã là một mức cao và gây ra rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động kinh doanh nói riêng. Nếu lạm phát còn cao hơn nữa thì tình hình sẽ căng thẳng hơn nhiều.

Để có được sự ổn định vĩ mô, hạn chế sự mất giá của đồng tiền thì lạm phát phải được duy trì dưới 5%. Muốn thế, phải cắt giảm những khoản chi tiêu công lãng phí cùng với một chính sách tiền tệ hợp lý để đồng vốn đi vào đúng chỗ mới có thể giảm được mất cân đối tiền - hàng.

Thứ hai, kiềm chế nhập siêu. Tỷ giá được quyết định bởi cung và cầu ngoại tệ. Nhập siêu nhiều sẽ làm cho cầu ngoại tệ gia tăng nên đồng tiền trong nước sẽ mất giá. Tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn nếu tỷ giá không được điều chỉnh linh hoạt và đồng tiền bị định giá cao. Kết quả là cả sản xuất trong nước và xuất khẩu đều gặp bất lợi.

Nếu không thể làm cho tỷ giá có lợi cho xuất khẩu thì ít nhất cũng để đồng tiền ở đúng giá trị của nó. Do vậy việc điều hành chính sách trong thời gian tới nên linh hoạt để tỷ giá phản ánh đúng cung - cầu của thị trường. Đặc biệt là cần phải tránh việc phá giá đồng tiền “theo định kỳ” tạo ra kỳ vọng phá giá tiếp theo như thời gian qua.

Cần lưu ý, với những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, trong năm 2011 này giá cả nhiều hàng hóa trên thế giới có khả năng sẽ tăng rất cao. Điều này sẽ rất bất lợi cho VN vì nó sẽ làm cho nhập siêu thêm trầm trọng hơn và lạm phát sẽ trở nên khó lường hơn do hiệu ứng chi phí đẩy.

Thứ ba, khơi thông dòng vốn chảy vào từ bên ngoài. Trong bối cảnh khó khăn như hai năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp và kiều hối vẫn khá ổn định nhưng vốn đầu tư gián tiếp lại không đi vào mà có thời điểm còn chảy ra. Dòng vốn bên ngoài chỉ có thể đi vào khi các nhà đầu tư tiên liệu được mức độ mất giá của đồng tiền và khả năng sinh lời của các khoản đầu tư. Nếu ổn định vĩ mô được duy trì thì dòng tiền từ bên ngoài có khả năng sẽ chảy vào, làm dịu vấn đề căng thẳng của tỷ giá và ngoại tệ.

Việc điều chỉnh tỷ giá đồng tiền là cần thiết. Hy vọng rằng, đây là sự khởi đầu tốt cho việc tập trung một cách nhất quán và xuyên suốt vào mục tiêu ổn định vĩ mô như thông điệp đầu năm mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra.
-----------------------------------------------

Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành phải thực hiện việc kiềm chế lạm phát
( Pháp Luật Thành Phố)

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra, ưu tiên tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hạn chế tham dự các lễ hội.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương chỉ đạo việc tổ chức lễ hội theo hướng phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc một cách thiết thực, lành mạnh. Các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các địa phương chỉ tham dự các lễ hội trong trường hợp thật cần thiết, xác đáng.

Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông, thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông sau tết.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, chủ động thực hiện các giải pháp điều hành từng bước giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường, đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nghèo, khó khăn...
----------------------------------------------------------
 

Giới quan sát quốc tế nói gì về việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá?
(Phương Anh - NDHMoney)

Chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Barclays cho biết “mức độ điều chỉnh tỷ giá này là lớn hơn so với những gì mà thị trường dự báo”.
Một số chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về các vấn đề lạm phát và triển vọng tín nhiệm nợ của Việt Nam sau động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cho dù đây được cho là một biện pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng và giảm thâm hụt thương mại.

Phát biểu trên hãng tin tài chính Bloomberg, ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc ngân hàng Credit Agricole CIB của Pháp tại Hồng Kông cho biết, ông ngạc nhiên về mức điều chỉnh của lần điều chỉnh tỷ giá USD/VND này.

“Có vẻ như Việt nam đang nỗ lực hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng thay vì chống lạm phát. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì lạm phát đang là một vấn đề lớn của Việt Nam”, ông Kowalczyk nói.

Còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh động thái điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam ngày 11/2, nhưng cho rằng, Việt Nam cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để phục hồi sự ổn định kinh tế vĩ mô.

“Chúng tôi hoan nghênh động thái nhằm bình thường hóa thị trường ngoại hối của Việt Nam thông qua thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc Việt nam hướng tới một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn”, ông Benedict Bingham, đại diện cao cấp của IMF tại Việt Nam, phát biểu với Reuters.

Bên cạnh đó, ông Bingham khuyến nghị Việt Nam về các biện pháp nhằm hạn chế những rủi ro mà việc điều chỉnh tỷ giá có thể gây ra. “Chính sách tiền tệ cần tập trung quyết liệt hơn vào việc kiềm chế lạm phát, còn chính sách tài khóa cần có hướng đi rõ ràng nhằm hạn chế nợ công”, ông nói với Reuters.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal, chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat thuộc ngân hàng Barclays cũng cho rằng “mức độ điều chỉnh tỷ giá này là lớn hơn so với những gì mà thị trường dự báo”.

Đây là lần điều chỉnh tỷ giá lần thứ 3 của Việt Nam trong vòng khoảng 1 năm trở lại đây. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước nâng bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD (tăng 9,3% so với mức 18.932 VND trước đó) và thu hẹp biên độ giao dịch từ +/-3% xuống +/-1% áp dụng cho ngày 11/2/2011.

Theo số liệu của Bloomberg, đây là lần tăng giá mạnh nhất của USD so với VND ít nhất từ năm 1993 tới nay. Trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá 2 lần, vào tháng 2 và tháng 8.

Việc điều chỉnh tỷ giá lần này diễn ra trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Việt Nam tiếp tục ở mức cao, đạt 1 tỷ USD trong tháng 1 vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 cũng tăng tới 12,17% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với phóng viên hãng tin Dow Jones Newswire, ông Christian De Guzman, nhà phân tích tại Singapore thuộc hãng định mức tín nhiệm Moody’s cho biết, động thái tăng tỷ giá tham chiếu USD/VND không gây bất ngờ, xét tới việc thâm hụt thương mại ở mức cao tiếp tục đeo bám Việt Nam, cũng như khoảng cách có xu hướng giãn rộng giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do.

“Việt Nam cần phải thực hiện chính sách thắt chặt quyết liệt hơn nữa để giải tỏa những áp lực lạm phát và phục hồi niềm tin vào đồng nội tệ. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Chính phủ Việt Nam sẽ đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng sang bên”, chuyên gia De Guzman khuyến cáo.
-------------------------------------------------
 

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Giảm lạm phát để giảm lãi suất
  • Sự khởi đầu mới của tỉ giá
  • Vẫn loay hoay tìm cách chống đầu cơ, làm giá thị trường BĐS
  • Chính sách tiền tệ: Lãi suất gây sốc - Tỷ giá điều chỉnh tăng
  • Tỷ giá giúp giá thành cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế
  • Cơ hội đầu tư 4 phân khúc bất động sản
  • Tăng tỷ giá: bình ổn hay thách thức lạm phát?
  • CPI tháng 1: Không thể chủ quan
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!