Điều chỉnh tỉ giá sẽ dẫn đến hệ quả lạm phát, chuyện không ai muốn nhưng phải làm để đánh thức nền kinh tế.
Vấn đề đặt ra là đối diện và xử lý hiện tượng tăng giá bầy đàn, quản lý chặt đầu tư và nợ công, kiểm soát khả năng trục lợi của ngân hàng thương mại và thay đổi trật tự điều hành tỉ giá cũ để giảm tình trạng đôla-hóa.
Tỉ giá USD/VND tăng 9,3% và biên độ tỉ giá bình quân liên ngân hàng thu hẹp chỉ còn 1% là đợt điều chỉnh tỉ giá mạnh nhất lịch sử tiền tệ Việt Nam. Lạ một điều là thị trường không mấy ai bất ngờ. Có điều đây lại là “điều lạ” không nên lặp lại lần nữa.
Tỉ giá chuyển từ mê sang tỉnh cho dù đau
Phải thừa nhận đợt điều chỉnh mạnh lần này đã làm cho tỉ giá chuyển từ mê sang tỉnh. Tỉ giá mà ngủ mê, phi thực tế, nền kinh tế cũng chìm sâu vào cơn mê ngủ. Đợt điều chỉnh tỉ giá sốc lần này là bước đi cần thiết làm cho tỉ giá thị trường chính thức và tự do nhích lại gần nhau hơn.
Cơ chế tỉ giá của Việt Nam, cho dù là linh hoạt, thả nổi, hay hướng về thị trường đều có vế sau của nó là “có sự quản lý của nhà nước”. Theo cơ chế này, nếu VND mất giá, các nhà quản lý tiền tệ đáng lý phải khéo léo điều chỉnh sao cho đồng tiền mất giá từ từ, như dáng đi của một con rắn: trườn nhẹ nhàng và dự báo được.
Trườn mạnh quá, điểm yếu nhất của “con rắn tỉ giá” là bộ xương, coi chừng trật khớp, con rắn tiêu đời. Những nhà quản lý tiền tệ phải tính toán kỹ đợt điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ làm cho lạm phát tăng bao nhiêu.
Có chuyên gia cho rằng ảnh hưởng không nhiều đến lạm phát. Ý kiến này thiếu đo lường nên không đủ độ tin cậy. Có chuyên gia như ông Lê Đức Thúy - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ làm cho giá cả tăng gần 2%. Có thể con số thực tế cao hoặc thấp hơn nhưng có định lượng dù gì cũng đáng tin cậy hơn lạc quan thái quá. Mục tiêu lạm phát cả năm 7%, mới đớp một cú, chỉ con rắn tỉ giá không thôi đã ngốn gần 30% CPI cả năm rồi. 70% còn lại sẽ được ai chia phần? Nhiều lắm, mà ai cũng muốn chia phần nhiều nữa cơ.
Không thể có chuyện tuyệt đối an toàn
Trước hết là hiện tượng tăng giá theo bầy đàn mà chúng ta không thể nào biết chính xác mức độ thật của nó. Thứ hai là cú sốc giá hàng hóa và lương thực năm 2011 đang lan rộng và ám ảnh toàn thế giới. Thứ ba là chính sách tài khóa thiếu tỉnh táo với việc đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả. Hai yếu tố đầu tiên thậm chí có thể ngốn hết 70% CPI cả năm còn không đủ. Không gian còn lại quá hẹp nếu muốn nói là không đủ để cho các bộ, ngành và tỉnh, thành thi triển chính sách tài khóa mở rộng như thường lệ.
Chưa hết, thông tin từ một số nhà hoạch định chính sách cho biết có khả năng sau đợt điều chỉnh tỉ giá lần này, NHNN sẽ mua vào đôla để tăng dự trữ ngoại hối. Động thái này có nghĩa là NHNN phải bơm thêm tiền vào nền kinh tế và do đó làm cho nguy cơ lạm phát tăng thêm đáng kể.
Bước tiếp theo của điều chỉnh tỉ giá, vì vậy không còn nghi ngờ gì nữa là phải thắt chặt tối đa đầu tư công và nợ nần của Chính phủ. Nói cách khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng năm 2011. Nhưng đó là cái giá phải trả thôi. Nếu cái gì cũng muốn: lo sợ phá trần lạm phát, tức là phá đi niềm tin.
Tỉ giá có còn tăng mãi và tăng không giống ai?
Đây có lẽ là câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất. Quan sát thông điệp từ những nhà làm chính sách tiền tệ, trong từng thời điểm tỉ giá sẽ có lên có xuống phụ thuộc vào diễn biến cung cầu thị trường và thái độ của người điều hành. Nhưng nếu tính cho cả năm 2011, tỉ giá e rằng khó lòng giảm. Vì sao như thế?
Trước hết là do những điểm yếu cố hữu nội tại của nền kinh tế như nhập siêu, năng lực cạnh tranh yếu, lạm phát cao. Nhưng có yếu tố ngoại sinh đáng lưu ý: trên thị trường tiền tệ thế giới thời gian gần đây, đồng đôla đang có dấu hiệu mạnh lên trở lại. Đồng đôla mạnh trở lại có nhiều lý do song chủ yếu vẫn là do kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục khả quan hơn dự kiến.
Trước đây khi đồng đôla suy yếu, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Singapore lên giá mạnh so với đôla thì nghịch lý là VND lại rớt giá mạnh so với đôla. Nếu đồng đôla mạnh lên, VND khó tránh khỏi xu hướng mất giá kép: từ yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Giải quyết bài toán này như thế nào? Đây là điều mà thị trường đang chờ đợi tài nghệ điều hành của những nhà quản lý tiền tệ thời gian sắp đến. Dù gì đi chăng nữa, NHNN phải có dự báo rõ ràng và điều hành sao cho thị trường có thể tiên liệu được xu hướng. Dứt khoát không thể để cho diễn ra đợt điều chỉnh sốc như vừa rồi.
Xin đừng để cho cái hố tỉ giá quá sâu và quá rộng
Khi cái hố tỉ giá đã bị đào quá sâu do lỗi đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế thì không thể trách cứ tài nghệ điều hành của những nhà quản lý. Nhưng nếu cứ để cho miệng hố ngày càng rộng toác ra thì dứt khoát cơ chế điều hành tỉ giá thời gian qua có vấn đề nghiêm trọng. Chỉ có dũng cảm thay đổi mới làm cho miệng hố bớt rộng ra. Theo lẽ thường, miệng hố rộng ra thì ai cũng dễ bị sập bẫy tỉ giá. Chỉ có ngân hàng thương mại là được lợi.
Trong cuộc hội thảo với Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM vào thứ Bảy vừa rồi, một CEO có nói với cử tọa rằng thay vì thanh toán bằng đồng đôla, bà cố gắng mời chào khách hàng để thanh toán bằng đồng Franc Thụy Sĩ nhưng không ai đồng ý. Vì sao như thế? Đó là vì chúng ta chưa có cơ chế cho chuyển đổi tự do giữa VND với các ngoại tệ mạnh khác. Quanh đi quẩn lại chỉ có giao dịch giữa VND với đôla nên các doanh nghiệp không còn đường nào thoát ngoài việc phải bấm bụng thanh toán bằng đồng đôla cao ngất trời.
Ít ai biết rằng do khủng hoảng nợ châu Âu nên từ tháng 6-2010 đến tháng 1-2011, đồng Franc Thụy Sĩ lên giá 20% so với đôla. Nếu doanh nghiệp nào chấp nhận thanh toán bằng đồng Franc Thụy Sĩ vào tháng 6-2010 theo nài nỉ của vị CEO tội nghiệp, đến giờ họ đã lãi 20% nếu chuyển đổi sang đôla. Thật tội cho vị CEO và cũng thật không may do cơ chế nên ai đó không dám nhận đồng Franc Thụy Sĩ để kiếm lời. Đứng về lợi ích tổng thể, nếu cho các ngoại tệ mạnh được tự do chuyển đổi với VND, sức ép tỉ giá sẽ phân bổ đều cho các ngoại tệ khác, nền kinh tế sẽ bớt đi tình trạng đôla hóa và do đó sẽ làm giảm sức ép lên tỉ giá USD/VND.
Ngoài việc tạo ra cơ chế cho phép tự do chuyển đổi giữa VND và các ngoại tệ mạnh, dứt khoát NHNN phải điều hành tỉ giá theo một rổ tiền tệ thay vì chỉ có duy nhất gắn đồng Việt Nam với đôla. Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến nay, điều hành tỉ giá dựa trên một rổ tiền tệ là xu hướng chủ đạo mà các nền kinh tế đang phát triển hướng đến. Không cớ gì Việt Nam là ngoại lệ.
Xem ra câu hỏi tỉ giá có còn tăng mãi và tăng không giống ai không phải không có lời giải nếu như ta dám dũng cảm phá bỏ trật tự cũ không còn theo kịp với sự phát triển của thời đại.
(Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com