Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chính sách tỷ giá - cần giải pháp kỹ trị

Nếu trong tương lai vai trò của đô la Mỹ tiếp tục sụt giảm, thì những vấn đề đối với nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ nhiều hơn. Ảnh: Lê Toàn.

Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu gì cho chính sách tỷ giá Việt Nam trong thời gian tới?

Đồng đô la Mỹ không dễ bị “lật đổ”

Trong thời gian gần đây, đồng đô la Mỹ tiếp tục trượt dốc và nhiều thông tin bất lợi xuất hiện như việc một số nước Ảrập định thay thế đô la Mỹ bằng một đồng tiền khác. Cũng có nhiều người nhân đó mà tiếp tục xoáy vào các vấn đề của kinh tế Mỹ bao gồm thâm hụt tài khóa, thâm hụt thương mại, việc mất niềm tin vào tài sản Mỹ... để cho rằng đô la Mỹ sẽ sớm bị lật đổ trong vai trò đồng tiền thanh toán và dự trữ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực lực các đối trọng khác của đồng bạc xanh, có thể không dễ gì để lật đổ đô la Mỹ trong một thời gian gần.

Hiện nay, nhìn vào tỷ trọng phân bố dự trữ ngoại hối vào các đồng tiền theo dữ liệu ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đến quí 2-2009, có vẻ như đối trọng gần nhất của đô la Mỹ là euro cũng còn ở quá xa trong cuộc đua thay thế vai trò của đô la Mỹ trong việc trở thành đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới (đô la Mỹ chiếm tới 64% trong khi euro chỉ mới chiếm 27%). Tuy dữ liệu này của IMF còn nhiều giới hạn như một số nước đang phát triển không báo cáo số liệu và dường như vắng mặt số liệu về dự trữ vàng, nhưng đây vẫn là một số liệu chính thống thường được trích dẫn và có thể cho thấy phần nào diện mạo về chênh lệch giữa tỷ lệ dự trữ bằng đô la Mỹ và euro. Mặt khác, nhiều nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro cũng đang đối mặt với một mức thâm hụt ngân sách lớn, do đó đồng euro cũng đối mặt với không ít rủi ro nội tại.

Năm ngoái, hai nhà kinh tế Menzie Chinn của Đại học Wisconsin và Jefferey Frankel của Đại học Harvard đã mô phỏng một số kịch bản giữa đô la Mỹ và đồng euro và cho thấy trong kịch bản với những giả định thuận lợi nhất cho đồng euro, thì dự trữ ngoại hối bằng euro cũng chỉ có thể vượt dự trữ bằng đồng đô la Mỹ vào năm 2015. Điều quan trọng là trong số các giả định đó, có giả định là đô la Mỹ phải duy trì một tỷ lệ trượt giá trong suốt một quãng thời gian dài như vậy.

Vàng cũng là một lựa chọn sáng giá do việc tăng giá không ngừng trong thời gian gần đây. Với việc chính phủ rất nhiều nước đã bơm rất nhiều tiền vào nền kinh tế của mình và duy trì một mức nợ quốc gia lớn, thì áp lực lạm phát trong tương lai là không nhỏ. Nguy cơ lạm phát lớn là một nguyên nhân tốt nên để vàng nằm trong danh mục của người dân và trong dự trữ của các ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, độ biến động của giá vàng là không nhỏ, và do đó có thể không phải là một lựa chọn tốt cho một đồng tiền thanh toán quốc tế. Ngoài ra, nguồn cung vàng không phải phụ thuộc vào các chính sách tiền tệ mà dựa vào sản lượng khai thác vàng. Cuối cùng, nếu lựa chọn chế độ bản vị vàng, tức là có thể xuất hiện nhu cầu định giá lại các đồng tiền trong mối tương quan với dự trữ vàng của quốc gia đó. Nếu vậy, một sự bất ổn định mới có thể xảy ra và các chính sách tiền tệ sẽ bị kém hiệu lực do các giới hạn trong quan hệ giữa giá trị đồng tiền với vàng (ví dụ sẽ khó mà gia tăng cung tiền mạnh như thời gian qua để tài trợ cho các tổ chức tài chính). Các nước có lẽ sẽ không mong muốn điều đó.

Gần đây Trung Quốc đang chứng tỏ vị thế ngày càng tăng của mình trong kinh tế thế giới nhưng đồng nhân dân tệ chưa phải là một đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế đáng chú ý mặc cho Chính phủ Trung Quốc đã thể hiện tham vọng này bằng những chương trình thí điểm giao dịch bằng đồng nhân dân tệ trong các thanh toán quốc tế bắt đầu từ đầu năm nay. Đến bây giờ, với việc Trung Quốc còn nhiều giới hạn trong chuyển đổi ngoại hối và kiểm soát tỷ giá, cộng với một thị trường tài chính còn xa mới theo kịp trình độ của Mỹ và châu Âu, đồng nhân dân tệ vẫn chưa phải là một đối trọng đáng chú ý đối với đô la Mỹ trong thời gian gần.

Từ những phân tích trên có thể thấy, việc một đồng tiền hay vàng có thể thay thế đồng đô la Mỹ trong vai trò là một đồng tiền dự trữ ngoại hối và thanh toán quốc tế hàng đầu là một triển vọng không dễ diễn ra trong vòng một thập kỷ tới (nếu nó có thể xảy ra). Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ việc chiếc bánh dự trữ ngoại hối và thanh toán quốc tế sẽ được chia đều hơn giữa euro và đô la Mỹ (có thể vai trò của đồng nhân dân tệ cũng sẽ tăng lên). Một thế giới với nhiều trục tiền tệ trọng tâm hơn sẽ khiến nhu cầu thanh toán của đối tác thương mại và đầu tư với Việt Nam cũng trở nên đa dạng hơn, và tạo ra những biến động phức tạp hơn về tỷ giá và nhu cầu dự trữ ngoại hối. Điều này tạo ra áp lực đòi hỏi mới đối với điều hành tỷ giá ở Việt Nam.

Cần những giải pháp kỹ trị

Trong vài năm qua, các nhà điều hành chính sách trong nước đã gặp phải nhiều vấn đề từ việc dư thừa đô la Mỹ do dòng vốn nước ngoài đổ vào nhiều, đến việc thiếu đô la thanh toán do doanh nghiệp có nguồn thu đô la không chịu bán cho ngân hàng, rồi đến việc do ảnh hưởng tâm lý mà người dân đổ đi mua đô la khiến giá đô la trên thị trường không chính thức tăng lên rất nhanh. Nếu trong tương lai, vai trò của đồng đô la Mỹ tiếp tục sụt giảm, thì những vấn đề đối với nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ nhiều hơn. Nhu cầu của doanh nghiệp rồi sẽ không chỉ gói gọn trong đô la Mỹ mà còn là đối với nhân dân tệ, euro và thậm chí là vàng. Các doanh nghiệp sẽ đối mặt với nhiều loại rủi ro tỷ giá hơn thay vì chỉ là tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam và nhu cầu dự trữ của Ngân hàng Nhà nước cũng phải đa dạng hơn.

Quan trọng hơn, khi mà hoạt động thương mại và đầu tư diễn ra bằng nhiều loại ngoại tệ hơn, chính sách tỷ giá hướng về ổn định tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam sẽ không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Nhiều loại cú sốc tỷ giá ngắn hạn sẽ có thể tác động tới nền kinh tế, như sốc tỷ giá euro/ đồng Việt Nam hay nhân dân tệ/đồng Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, chứ không chỉ sốc đô la Mỹ/ đồng Việt Nam mới đáng lo như hiện nay. Điều đó là do diễn biến linh hoạt của cán cân thanh toán và vai trò tăng lên của các đồng tiền đó trong nền kinh tế (nếu xu thế diễn biến là thế giới sẽ có nhiều loại đồng tiền thanh toán quốc tế hơn với vai trò cân bằng hơn). Nếu muốn giảm bớt những cú sốc tỷ giá như vậy mà vẫn tiếp tục duy trì xu hướng ổn định tỷ giá như hiện nay, thì không biết lúc đó có bao nhiêu loại tỷ giá Ngân hàng Nhà nước phải quan tâm ổn định?

Một nhìn nhận công bằng hơn là tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ của nước láng giềng Trung Quốc cũng ít biến động, cho nên, chỉ trích đô la Mỹ/đồng Việt Nam quá ổn định thì hơi phiến diện. Vấn đề là khả năng phản ứng linh hoạt của tỷ giá (neo theo đồng đô la Mỹ) là chậm và khó tránh khỏi việc phải áp dụng các biện pháp hành chính. Một chính sách tỷ giá để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho tới nay dường như là phải phối hợp cả hai yếu tố là ổn định trong điều kiện bình thường và phản ứng linh hoạt hơn khi có những cú sốc bên ngoài. Trong khi đó, cơ chế giữ cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng đô la Mỹ/đồng Việt Nam đều đều lên xuống vài đồng một ngày như hiện nay chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu này.

Do đó, sự thay đổi phải bắt đầu từ việc cho phép tỷ giá bình quân liên ngân hàng được linh hoạt hơn và mức ổn định tỷ giá không chỉ được quyết định bởi mối tương quan của tiền đồng với đô la Mỹ nữa mà phải trong mối tương quan chung với các đồng tiền khác. Muốn tỷ giá không biến động gây sốc, thì bình thường mức thay đổi của tỷ giá không được quá hẹp, nếu không, đến lúc có cú sốc bên ngoài tác động vào, tất yếu khó có thể duy trì tỷ giá ít biến động. Những cú sốc như vậy mới tạo ra bất ổn vĩ mô, chứ không phải là những biến động rộng hơn của tỷ giá hàng ngày tạo ra. Thực ra, việc linh hoạt tỷ giá hoàn toàn không có nghĩa là phá giá nhanh, một lần giảm ngay thật nhiều, mà độ linh hoạt từng ngày và dần dần mới là yếu tố quan trọng.

Những yếu tố này mới nghe thấy đơn giản, nhưng thực thi chính sách không đơn giản chút nào, không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà giải quyết được. Một rổ tiền tệ nên như thế nào, thành phần ra sao? Điều hành tỷ giá hàng ngày nên như thế nào và nếu có cú sốc (do dòng vốn vào - ra, do hoạt động thương mại, hoặc do hoạt động đầu cơ chênh lệch lãi suất) thì dùng những công cụ gì để điều tiết? Tỷ giá thay đổi ở mức nào thì xuất khẩu sẽ thuận lợi, hoặc tạo ra áp lực gì cho nợ nước ngoài và dòng vốn vào?

Tất cả những câu hỏi đó cần được cân nhắc và không phải được trả lời bằng những ước lượng đơn giản mà phải là những tính toán định lượng, có cơ sở khoa học và có trách nhiệm từ những chuyên gia có kinh nghiệm. Những đề xuất chính sách phải dựa trên tính toán và con số dự đoán có chất lượng. Để làm được điều đó, cần những nhà điều hành kỹ trị thật sự am hiểu thị trường và những công cụ tiền tệ hiệu quả, đi cùng một cơ chế điều hành tỷ giá kỹ trị chứ không phải là dựa trên giải pháp hành chính tạm thời mang tính đối phó. Đây không chỉ là nhu cầu để đối đầu với tình huống thế giới có nhiều cực tiền tệ hơn, mà ngay cả khi thế giới vẫn chỉ duy trì vị trí độc tôn của đồng đô la Mỹ hay một đồng tiền khác, thì đó vẫn là một đòi hỏi cấp thiết của nền kinh tế.

________________________

(*) Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

(Tác giả: Hồ Quốc Tuấn - Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh // Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Việt Nam có 2 rủi ro lớn
  • Đòn bẩy tài chính: Quản lý thế nào?
  • TS. Lê Văn Hinh: Cơ hội tái cơ cấu các ngân hàng thương mại
  • New York vẫn là trung tâm tài chính tốt nhất thế giới
  • Khách Việt Nam thích ngân hàng có lãi suất cao
  • Câu chuyện đồng đô la và chính sách ngoại hối
  • Thị trường trái phiếu Doanh nghiệp : Thiếu công cụ phát triển
  • Tái diễn áp lực tăng vốn với nhiều ngân hàng nhỏ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!