Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường năm 1986, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. GDP trên đầu người đạt 1.068 USD tính đến cuối năm 2009 so với mức 700 USD của năm 2006 và theo ước tính của IMF, con số này sẽ tăng lên trên 1.300 USD vào cuối năm 2011.
Các nhà đầu tư vẫn trung thành với thị trường Việt Nam trong suốt quãng thời gian khủng hoảng tài chính và cho dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết giảm xuống 21 tỷ USD trong năm 2009 (từ mức 64 tỷ USD của năm 2008), nhưng số tiền giải ngân vẫn giữ vững tại 10 tỷ USD so với 11 tỷ USD của năm 2008. Mặc dù 10 tháng đầu năm 2010, cam kết vốn FDI chỉ là 12,8 tỷ USD, nhưng lượng vốn giải ngân đã là 9 tỷ USD. Điều này phần nào cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn trung thành với Việt Nam, mặc cho tình hình đầu tư toàn cầu đang khó khăn.
Quý III/2010, GDP Việt Nam tăng 7,16%, nhiều khả năng GDP năm 2010 sẽ tăng 6,7%, bằng mục tiêu Chính phủ đặt ra. Sang năm 2011, chúng tôi mong đợi tăng trưởng GDP sẽ đạt 7%, so với mục tiêu của Chính phủ là 7 - 7,5%. Trong nỗ lực duy trì sự tăng trưởng GDP, lạm phát và thâm hụt thương mại là những vấn đề trước mắt. Chính phủ một mặt đã có chính sách tài khoá và thương mại để đối phó, mặt khác cần nhìn nhận rằng, sức mạnh nội tại của Việt Nam là tỷ trọng tiết kiệm tư nhân trong GDP luôn ở mức cao. Từ năm 2002 tới 2009, tỷ trọng trung bình này là 25,22%, một con số rất cao.
Những yếu tố như: (1) tình hình chính trị ổn định cùng với việc Chính phủ cam kết tự do hóa kinh tế và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước; (2) cơ cấu dân số thuận lợi; (3) nguồn nhân công rẻ so với các nước láng giềng; (4) thu nhập và tiêu dùng đang tăng (ví dụ như sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu); (5) tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp song song với tăng trưởng chung của nền kinh tế đã làm cho Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.
Một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam và đằng sau các yếu tố làm thay đổi cơ cấu của nền kinh tế là sự đi lên của khu vực kinh tế tư nhân. Từ 2005 - 2009, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra tăng trưởng GDP trung bình trên 8%, cao hơn mức 7,38% của cả nền kinh tế. Hiện tại khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm 48% GDP và 40% tổng số đầu tư vào nền kinh tế.
Tăng trưởng nhanh của khu vực kinh tế tư nhân đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, đặc biệt kể từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành. Luật này và các chính sách khác đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân . Từ khi Luật Doanh nghiệp được thực thi, số lượng doanh nghiệp tư nhân đã tăng 16 lần, từ 31.000 doanh nghiệp trong năm 2000 lên trên 500.000 doanh nghiệp hiện nay. Không những số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng lên, quy mô các doanh nghiệp cũng tăng lên. Tăng trưởng sản xuất của khối doanh nghiệp tư nhân đã vượt các công ty nhà nước và các công ty vốn nước ngoài từ năm 2000, tuy nhiên quy mô của khối doanh nghiệp này vẫn còn nhỏ.
Là một lực lượng lớn trong nền kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, từ 18% năm 2006 nay con số này đã lên đến 29%. khu vực kinh tế tư nhân đã tạo ra môi trường kinh doanh năng động hơn và có tính cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh việc cải tổ và giảm thiểu tính độc quyền của nhiều doanh nghiệp Nhà nước. khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, hiện các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang đóng góp khoảng một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Rất nhiều công ty đã giành được thị phần quốc tế trong nhiều mặt hàng quan trọng, ví dụ như thủy sản, cà phê.
Một điểm quan trọng khác là khối doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra được sự thay đổi trong cấu trúc thị trường lao động, vốn mất cân bằng và điều này có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo. Hiện tại, lao động trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 77% lực lượng lao động của cả nước.
Về khía cạnh năng suất và hiệu quả, khu vực kinh tế tư nhân đã vượt các doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2009, chúng tôi ước tính ICOR của các doanh nghiệp tư nhân tăng lên vào khoảng 4,77, trong khi ICOR của doanh nghiệp Nhà nước và vốn FDI lần lượt là 12,37 và 12,39. Hơn nữa, theo nghiên cứu hợp tác gần đây giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quỹ Phát triển Liên Hiệp quốc, hoạt động tài chính của khu vực kinh tế tư nhân đang cải thiện tốt hơn khối doanh nghiệp Nhà nước. Trong năm 2008, với 1 tỷ đồng vốn, doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra 1,18 tỷ đồng doanh thu. Trong khi đó con số này với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI lần lượt là 0,8 tỷ và 0,89 tỷ đồng.
Cho dù khu vực kinh tế tư nhân đã có những thành tựu đáng kể trong thập kỷ qua và đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, Việt Nam vẫn thiếu các doanh nghiệp có tính chất năng động, thương hiệu tốt, công nghệ cao và đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp có năng lực. Một số yếu tố làm hạn chế sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân bao gồm:
Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ: trên 85% doanh nghiệp tư nhân có vốn điều lệ nhỏ hơn 5 tỷ đồng và 87% trong số đó có ít hơn 50 nhân viên. Vì có quy mô nhỏ, khả năng huy động và tích lũy vốn yếu, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân được quản lý theo mô hình gia đình với kỹ năng quản lý yếu kém và thiếu kỹ năng kinh doanh. Mô hình các công ty này theo phong cách ngắn hạn, không ổn định, thiếu tính kết nối và hợp tác với các doanh nghiệp khác.
Trên khía cạnh công nghệ, kỹ năng quản lý, chất lượng lao động, tiếp cận với tín dụng và thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân vẫn yếu thế hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng, những điểm yếu này thường làm các doanh nghiệp tư nhân dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thị trường, giá đầu vào đầu ra, tỷ giá và lạm phát.
Khuôn khổ pháp quy và pháp lý phức tạp bởi các hạn chế về các cam kết quốc tế, đã hạn chế khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp. Một mặt, Chính phủ đã bãi bỏ những hậu đãi cho các doanh nghiệp Nhà nước. Mặt khác, các chính sách công nghiệp khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực cũng không thể được áp dụng. Tính bình đẳng được tạo ra cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng các công ty nội địa (một trong số đó không đủ lớn mạnh) vẫn phải cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài đã có thâm niên ở một thị trường không còn được bảo hộ như trước kia. Điều này nghĩa là cuộc chơi mới này cần mức vốn, trình độ công nghệ và quản lý cũng như tính cạnh tranh cao hơn.
Để xóa bỏ các điểm yếu này, các doanh nghiệp tư nhân cần phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng, tính minh bạch và kỹ năng quản lý cần được cải thiện, công nghệ tốt hơn cùng với khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Trên khía cạnh vốn, song song với vay ngân hàng, các doanh nghiệp tư nhân cần huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Nhìn vào thị trường Việt Nam sẽ thấy, nếu năm 2005 mới chỉ có 3 trên 12 doanh nghiệp niêm yết trên sàn là doanh nghiệp tư nhân thì hiện tại có tới 185 doanh nghiệp tư nhân trên tổng số 620 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn. Số doanh nghiệp tư nhân này chiếm 40% vốn hóa thị trường.
Mặc dù còn nhiều điểm cần phải cải tổ, nhưng xuyên suốt quá trình phát triển của Việt Nam trong một thập kỷ qua cho thấy, khối các doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng lớn mạnh. Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân là một nét đẹp của nền kinh tế Việt Nam và là nơi có sức hút thực sự với dòng vốn đầu tư dài hạn.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com