“Nhiệm vụ quan trọng khi nói về lạm phát là phải đưa ra những biện pháp kịp thời cho sự tăng trưởng của nền kinh tế phù hợp với đặc thù của Việt Nam” - TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Chỉ số lạm phát 8% hay 10%?
Đến thời điểm này, chắc chắn lạm phát cả năm 2010 khó dừng ở mức 8%. Mà nó phải ở con số cao hơn thế trong bối cảnh diễn biến thời tiết phức tạp, lũ lụt rồi lại đến những ngày lễ tết, đấy là còn chưa kể đến yếu tố tâm lý.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, rõ ràng kiềm chế lạm phát ở mức 8% là khó đạt được nhưng nếu cứ nhất quyết phải kìm thì sẽ phải đánh đổi nhiều. Đấy chỉ là những biện pháp chữa cháy.
“Đáng lẽ ngay từ đầu năm, chúng ta đã phải kiểm soát, nhìn nhận, nhận diện đúng vấn đề lạm phát. Con số lạm phát của năm 2010 ở 8% hay 10% không quan trọng. Nhiệm vụ quan trọng khi nói về lạm phát là phải đưa ra những biện pháp kịp thời cho sự tăng trưởng của nền kinh tế phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Hiện nay chúng ta đang nhìn nhận vào kết quả dự báo để đưa ra biện pháp. Chẳng hạn như mục tiêu Quốc hội đề ra kìm chế lạm phát ở dưới mốc 8%, thấy 3 tháng đầu năm tăng chúng ta tự đưa ra lý do, đấy là do xu hướng tất yếu. An tâm! rồi đến giữa năm lạm phát chìm xuống 1 tý, càng an tâm hơn nữa. Nhưng trên thực tế, hàng tháng mức tăng CPI còn cao hơn thế. Cuối năm CPI tăng cao thì cuống cuồng. Cái quan trọng nhất là nâng cao năng lực dự báo lạm phát để điều hành. Chúng ta chưa đưa ra những biện pháp thích hợp để điều chỉnh, điều hành”- Tiến sĩ Ánh nhấn mạnh.
Theo ông Ánh, từ bây giờ đến cuối năm không biết giá đô la, giá dầu sẽ tăng bao nhiêu nữa, áp lực giá tăng là điều tất nhiên. Yếu tố lạm phát còn nhiều như tỷ giá tăng, lạm phát tăng; xuất khẩu tăng kèm theo nhập khẩu tăng...
Nhiều sức ép
Sức ép làm tăng chỉ số CPI của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là 2 tháng cuối năm phải khẳng định rằng, rất khó lường. Đơn giản chỉ cần gia tăng 1 yếu tố “đầu vào”, như: tăng giá xăng, than, điện, nước, chi phí vận tải, lãi suất ngân hàng và các chi phí vốn của doanh nghiệp thì lập tức lạm phát tăng. Đấy là chưa kể kinh tế thế giới 2010 còn tiềm ẩn nhiều bất ổn trên thị trường hàng hoá và tài chính-tiền tệ, trong đó có xu hướng tiếp tục hoặc gia tăng biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt và khủng hoảng nợ do thâm hụt ngân sách của nhiều nước.
2 tháng cuối năm 2010, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu đựng nhiều sức ép đa chiều, cả cũ và mới, kích cầu đầu tư, tiêu dùng trung và dài hạn trong các tháng trước. Với chỉ số CPI tháng 10-2010 của cả nước tăng 1,05% so với tháng 9 và đạt mức tăng kỷ lục trong 10 năm gần đây, xu hướng lạm phát tăng cao đang đè nặng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, bao giờ cũng có 2 nhóm giải pháp để kìm chế lạm phát. Nhóm giải pháp vi mô và vĩ mô. Trong đó nhóm giải pháp vĩ mô như cân đối cung cầu, tăng thu giảm chi... thì luôn luôn đúng, và đúng với mọi thời điểm. Quan trọng hơn là nhóm giải pháp tùy từng hoàn cảnh. Đấy mới là giải pháp cần xem xét và cân nhắc kỹ. Chẳng hạn như thời điểm lũ lụt thì có biện pháp gì, từng vùng miền có chính sách cụ thể riêng.
( Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com