Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chuyên đề: Hai năm nhìn lại

Ngày 11/1/2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đó là sự tiếp nối quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.


Gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh - Ảnh: Hoài Nam


Phần I: Kiểm nghiệm cơ hội và thách thức qua thực tiễn
Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, nước ta đồng thời mở cửa để buôn bán và đầu tư với các nước khác trên thế giới. Chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước đã đem lại kết quả rõ rệt vào năm 1995, với ba sự kiện lớn về đối ngoại đã diễn ra cùng trong tháng 7: Việt Nam là thành viên ASEAN và tiếp đó tham gia Hiệp định Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); Việt Nam - EU ký Thỏa thuận về khung khổ hợp tác; Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao. Các năm tiếp theo, nước ta đã ký nhiều hiệp định kinh tế song phương và đa phương với một số nước và tổ chức quốc tế. Tháng 12/2001, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ bắt đầu có hiệu lực.

Việc nước ta gia nhập WTO đã tạo ra cơ hội mới, đồng thời cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Cơ hội mới khi gia nhập WTO do việc cải cách thể chế, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, do thực hiện nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT) tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, thu hút vốn đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, thách thức lớn nhất là năng lực cải cách thể chế theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, mà sự chậm trễ đã bộc lộ trong quá trình rà soát luật pháp, chính sách, quy định của chính quyền các cấp. Năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp và của quốc gia chưa được nâng lên tương ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Nguồn nhân lực đang là trở ngại lớn trong việc tiếp nhận các dự án FDI công nghệ cao; hiện tượng thiếu chuyên gia giỏi, nhà quản lý có năng lực đã trở thành phổ biến. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, bản quyền, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang khá phổ biến, chưa có giải pháp khắc phục.

Có liên quan đến sự kiện quan trọng này, ngày 5/2/2007, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 04-NQ/TW và ngày 27/2/2007 Chính phủ ban hành Nghị quyết 16/2007 kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ. Trên cơ sở đó, các bộ, tỉnh, thành phố đã tiến hành xây dựng các chương trình hành động. Ban chỉ đạo “Dự án hậu WTO” đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, gửi đến các bộ và tỉnh, thành phố “Chương trình mẫu”, lưu ý các cơ quan đó về đặc điểm của ngành và địa phương trong khi tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức đối với việc thực hiện các cam kết WTO.

Nhóm tư vấn cấp cao của “Dự án hậu WTO” đã làm việc với lãnh đạo nhiều bộ và địa phương để trao đổi về những vấn đề cần được lưu ý, nhấn mạnh sự cần thiết phải có Chương trình hành động thiết thực và quan trọng hơn là đưa các nội dung của Chương trình vào cuộc sống, để tạo ra sự chuyển động thực sự các hoạt động kinh tế - xã hội của ngành và địa phương, tránh tình trạng đã từng xảy ra trước đây là xây dựng Chương trình theo yêu cầu của Chính phủ, sau đó... “cất vào ngăn kéo”.

Nhìn chung, các chương trình hành động của các bộ và địa phương đã tiếp cận được với tình hình mới, chú ý đến thực trạng và đặc thù của ngành, địa phương để rà soát các dự án, nhiệm vụ đã có, điều chỉnh và bổ sung dự án, nhiệm vụ mới, phân công trách nhiệm các vụ, các sở thực hiện.

Tuyên truyền, tập huấn cán bộ về WTO và rà soát thể chế là hai hoạt động sôi nổi ở nước ta sau khi gia nhập WTO. Công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp trong cả nước bằng nhiều phương thức đa dạng, thông qua cơ quan truyền hình, phát thanh, báo chí, biên tập các tài liệu hướng dẫn chuyên ngành như Hỏi đáp về Hiệp định nông nghiệp (AoA/WTO), nâng cấp các website, tổ chức tập huấn cho hàng nghìn cán bộ.

Công tác xây dựng thể chế được coi trọng, đã rà soát luật pháp ở cấp trung ương và các quy định của chính quyền địa phương để loại bỏ những nội dung không phù hợp với cam kết WTO. Năm 2007, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 10 luật và năm 2008 và 2009 tiếp tục hoàn thành xây dựng, sửa đổi, bổ sung 23 luật. TP.HCM rà soát 540 văn bản pháp quy và hủy bỏ 6 văn bản; Hà Nội rà soát 130 văn bản và hủy bỏ 3 văn bản.

Trong công tác này thì kinh nghiệm của Hưng Yên cần được chính quyền tỉnh, thành phố nghiên cứu. UBND tỉnh này cho rằng, chính quyền địa phương chủ yếu nên dựa vào luật, nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ, không nên ban hành thêm văn bản pháp quy của cấp tỉnh, trừ trường hợp cá biệt mới cần có quy định riêng; do vậy hầu như Hưng Yên không mất thì giờ vào công việc này.

Trong hai năm vừa qua, cùng với việc xây dựng luật pháp và cấu trúc lại bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo mô hình mới, Chính phủ đã ra Quyết định 30 tháng 1/2007 về Chương trình tổng thể đơn giản thủ tục hành chính giai đoạn 2007 - 2010 và Quyết định 93 tháng 6/2007 về “cơ chế một cửa” tại các cơ quan nhà nước địa phương. Kết quả rõ nhất là thực hiện quy định “3 trong 1”, “liên thông một cửa” cho ba loại thủ tục: đăng ký kinh doanh, khắc dấu và đăng ký mã số thuế, đã rút ngắn thời gian từ 10 ngày còn 3 đến 5 ngày, giảm đáng kể chi phí hành chính của doanh nghiệp.

Tuy vậy, theo Báo cáo của Bộ Công thương, có 5/22 bộ, ngành và 10/63 tỉnh, thành phố không xây dựng Chương trình hành động. Đó là điều không thể biện minh được, biểu hiện sự thiếu kỷ cương, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các ngành và địa phương đó.

Mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu là điểm nổi bật từ khi gia nhập WTO. Các thành viên WTO được hưởng lợi từ nguyên tắc MFN, được tiếp cận mức độ tự do hóa thương mại bình đẳng trong quan hệ buôn bán song phương. Do vậy, từ khi là thành viên WTO, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta tiếp tục tăng với tốc độ cao; năm 2007 đạt 48,56 tỷ USD, tăng 22,7%; năm 2008 ước thực hiện 64 tỷ USD, tăng 33% so với năm trước (Cần lưu ý rằng, trong kinh tế, con số tương đối được thể hiện bằng tỷ lệ % đánh giá tốc độ phát triển, nhưng con số tuyệt đối mới nói lên sức mạnh của từng lĩnh vực. Nếu năm 2000 mỗi % tăng kim ngạch xuất khẩu tương đương 145 triệu USD, thì năm 2008 tương đương 640 triệu USD, gấp 4,4 lần).

Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn và mức độ tăng trưởng cao là hàng dệt may (từ 5,85 tỷ USD năm 2006 tăng lên 9,5 tỷ USD năm 2008), giày dép (3,59 và 4,5 tỷ USD), hàng thủy sản (3,35 và 4,4 tỷ USD), hàng điện tử và linh kiện (1,8 và 2,8 tỷ USD). Đồ gỗ, nông sản đã có tốc độ tăng khá cao. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu trong ba năm gần đây.

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn do tình trạng giảm nhập khẩu của nhiều nước là bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản; giá cả thị trường thế giới, nhất là giá dầu thô, giảm mạnh, làm cho tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chậm lại, đồng thời cũng là thời kỳ các doanh nghiệp phải tìm mọi cách trụ lại, để sau đó vươn lên bằng đổi mới công nghệ, cải tiến quản trị doanh nghiệp, hạ thấp chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ.

Thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế của Việt Nam từ khi là thành viên WTO. Trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO, nước ta đã thực hiện nghiêm túc đòi hỏi của tổ chức này, như minh bạch hóa chính sách, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính, do vậy đã tạo lập môi trường thể chế minh bạch hơn, có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Các số liệu thống kê tình hình thu hút FDI của Việt Nam rất đáng khích lệ. Làn sóng FDI thứ hai, được bắt đầu từ 2005, đã có bước đột phá trong năm 2007, với mức tăng trưởng khá cao. Năm 2006, vốn FDI thực hiện là 4,1 tỷ USD, vốn đăng ký là 12 tỷ USD, thì năm 2007 đã tăng gấp đôi với các con số tương ứng là 8,03 tỷ USD và 21,3 tỷ USD. Dự báo năm 2008, vốn thực hiện là 10 - 11 tỷ USD, tăng 25 - 30% so với năm 2007 và vốn đăng ký vượt quá 60 tỷ USD, gần gấp ba lần năm 2007.

Tình hình thu hút FDI năm 2009 chắc chắn khó tiếp diễn theo xu hướng này trong điều kiện FDI quốc tế giảm sút do kinh tế toàn cầu tăng chậm lại, thậm chí có khả năng suy thoái. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn và dài hạn.

Gia nhập WTO cũng làm tăng áp lực đối với thị trường nội địa, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đọ sức với hàng hóa và dịch vụ nước ngoài trên chính thị trường nước ta. Khi mở cửa thị trường, nhiều người lo ngại hàng nước ngoài sẽ tràn ngập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Thực tế đã không diễn ra như vậy, khi tỷ trọng hàng của các doanh nghiệp trong nước trong từng ngành hàng như may mặc, dày dép, đồ điện tử, vật liệu xây dựng... đã gia tăng và có chỗ đứng vững chắc nhờ cải tiến mẫu mã, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, tầng lớp được hưởng lợi lớn là người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng thanh toán của mình.

 

(Theo Đầu Tư)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Mô hình "3 nhà + 1" trong các xúc tiến đầu tư
  • Tài chính ngân hàng: Gửi tiết kiệm vẫn là thượng sách
  • Cơ chế phân cấp toàn diện trong quản lý đầu tư: Thiếu điều kiện cần
  • Chưa thống nhất trong cách hiểu
  • Năm 2009: Quy hoạch vùng và cải thiện môi trường đầu tư
  • BMI dự báo năm 2009: Việt Nam sẽ “bùng nổ” đầu tư nước ngoài
  • Kinh tế thế giới tác động mạnh đến FDI vào Việt Nam
  • IMF và WB đã lỗi thời?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!