Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng trưởng tín dụng: Phải hạ lãi suất “2 đầu”

Tâm lý của người gửi tiền đòi hỏi mức lãi tiết kiệm cao, trong khi doanh nghiệp muốn vay lãi suất thỏa thuận ở mức thấp hơn so với mức 16 - 17%/năm.

Mặc dù giảm lãi suất huy động đầu vào trong bối cảnh cạnh tranh trong huy động vốn trên thị trường ngày một gay gắt là điều hết sức khó khăn, song để phát triển được tín dụng thì lãi suất cho vay thỏa thuận phải được điều chỉnh về mức hợp lý. Vì thế, các ngân hàng từng bước tiết giảm chi phí đầu vào để có thêm điều kiện hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, so với lãi suất đầu ra, các ngân hàng vẫn tỏ ra dè dặt trong việc tiết giảm lãi suất huy động, do lo ngại khó thu hút được tiền nhàn rỗi.

Hạ lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay

Trao đổi với ĐTCK, một số ngân hàng cho biết, không còn thu hút các khoản tiền gửi có giá trị lớn, trong khi giá vốn khách hàng chào ở mức cao như trước. Nếu huy động tiền gửi với chi phí cao, ngân hàng không thể cho vay ở mức lãi suất thấp. Nhưng áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận cao 17 - 18%/năm như trong tháng 3 sẽ khó thu hút được doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

Trên thực tế, với mức lãi suất cho vay cao trong tháng 3 vừa rồi, rất ít khách hàng sử dụng vốn ngân hàng. Đặc biệt là các doanh nghiệp, chỉ tận dụng nguồn vốn tự có còn lại. Họ e ngại áp lực lãi vay nên hạn chế tiếp cận vốn ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng của các nhà băng (ngoài tính chất mùa vụ của quý I hàng năm) cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi lãi suất. Techombank cho biết, tính đến cuối tháng 3, tín dụng chỉ tăng trưởng ở mức 2 - 3% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng của ACB tính đến cuối tháng 3 cũng chỉ ở mức 3% so với đầu năm. OCB, Sacombank cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm không đáng kể và nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa có dấu hiệu cải thiện ở những ngày đầu tháng 4 này.

Vì thế, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay thỏa thuận và giải quyết bài toán vốn đầu ra, các ngân hàng đang từng bước giảm dần chi phí huy động vốn. Ông Trần Văn Vĩnh, Tổng giám đốc OCB cho biết, chủ trương của Ngân hàng hiện nay là chỉ áp dụng chi phí huy động thực tế tối đa 12%/năm. Vì thế, OCB sẽ không thu hút các khoản tiền gửi có giá vốn được chào cao hơn mức này. “Ngay từ khi có chủ trương sẽ được thỏa thuận lãi suất với khoản vốn vay ngắn hạn, chúng tôi đã từng bước cân đối lại bài toán chi phí huy động vốn và mức lãi suất huy động thực tế giảm khoảng 1,5%”, ông Vĩnh nói và cho biết thêm, từ điều kiện này, OCB đã giảm dần lãi suất cho vay thỏa thuận.

Theo ông Vĩnh, mức lãi suất cho vay thỏa thuận mà OCB đang áp dụng hiện dao động trong khoảng 16 - 17%/năm, tùy từng khoản vay và Ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi thị trường để giảm xuống mức phù hợp, đáp ứng được nhu cầu vốn của khách hàng.

Ngày 12/4, SeABank chính thức cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp hơn so với mức tối đa được phép áp dụng hiện nay là 10,499%/năm. Theo đó, lãi suất huy động vốn tại chương trình “Mùa hè tuyệt vời” được ngân hàng này triển khai kể từ thời điểm trên và áp dụng cho kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng chỉ còn mức tối đa 10,2%/nằm, cộng thêm số tiền thưởng, tùy từng giá trị sổ tiết kiệm và kỳ hạn gửi. Cụ thể, nếu số tiền gửi từ trên 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng (kỳ hạn 3 tháng), ngoài mức lãi suất được hưởng 10,25%/năm, khách hàng được nhận khoản tiền thưởng là 2 triệu đồng. Còn với số tiền gửi từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng (kỳ hạn 3 tháng), tiền thưởng là 3 triệu đồng. Với số tiền gửi từ 5 tỷ đồng trở lên (kỳ hạn 6 tháng), lãi suất là 10,2%/năm và số tiền thưởng là 15 triệu đồng. Như vậy, nếu cộng cả khoản tiền thưởng, lãi suất huy động cao nhất của SeABank là 12,8%/năm, so với đầu tháng 4 giảm khoảng 1%/năm (chi phí huy động thực tế cao nhất của SeABank tháng 3 là 13,8%/năm).

Tại Sacombank, lãi suất huy động vốn cũng dần được điều chỉnh giảm, với kỳ hạn ngắn ngày chỉ còn áp dụng mức 10,2 - 10,44%/năm. Còn với kỳ hạn dài ngày, lãi suất dao động từ 10,2 - 10,32%/năm, thay vì tất cả đều tiến sát mức 10,499%/năm như trước.

Tương tự, ACB cho hay, chủ trương của Ngân hàng hiện nay đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế chỉ áp dụng mức chi phí huy động vốn thực tế 10,8%/năm, thay vì 11,5%/năm như trước. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm của ACB hiện vẫn cạnh tranh tốt trên thị trường, áp dụng mức 10,499%/năm đồng đều ở nhiều kỳ hạn tiền gửi.

Theo các ngân hàng, để giảm được lãi suất cho vay thỏa thuận xuống mức bình quân 15%/năm hiện nay, đòi hỏi trước hết đối với ngân hàng là phải giảm chi phí huy động. Vì thực tế, chi phí huy động vốn thời gian qua đã lên đến 12 - 13,5%/năm.

Bài toán không dễ dàng

Theo đánh giá của Sacombank, để giảm lãi suất cho vay thỏa thuận theo chủ trương, đồng thời cải thiện tăng trưởng tín dụng trong những quý tới, thì trước mắt phải giảm chi phí giá vốn đầu vào. Có thể chưa mạnh tay tiết giảm chi phí trong huy động vốn, nhưng các ngân hàng sẽ hạn chế gia tăng khuyến mãi. Với mức lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ được Sacombank áp dụng trong khoảng 13,8 - 15%/năm, thay vì 16 - 17%/năm trước đây, ngân hàng này cho biết, nếu không tiết giảm chi phí đầu vào sẽ rất khó khăn trong việc cân đối bài toán thu - chi.

Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải dự báo, mức lãi suất huy động thực tế và lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay sẽ là mức trần lãi suất của thị trường. Khả năng lãi suất huy động và cho vay trong giai đoạn tới sẽ giảm dần. “Lãi suất huy động sẽ từ mức 10,5%/năm đến dưới 12%/năm, tùy từng kỳ hạn khác nhau. Còn lãi suất cho vay sẽ ở mức 14 - 16%/năm đối với khách hàng quy mô trung bình và đó là mức lãi suất cho vay hợp lý trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay”, ông Hải nói và cho biết, mức lãi suất thỏa thuận ACB đang áp dụng thấp nhất là 14%/năm, cao nhất 16,5%/năm, tùy từng khách hàng doanh nghiệp, cá nhân cũng như rủi ro của từng loại hình tín dụng và khoản vốn vay.

Tổng giám đốc OCB, ông Trần Văn Vĩnh cho rằng, chênh lệch giữa chi phí huy động vốn và lãi suất cho vay hiện nay khoảng 3 - 4%/năm là mức mà các ngân hàng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu lãi suất cho vay thỏa thuận tiếp tục điều chỉnh giảm, trong khi chi phí huy động vốn thực tế không giảm theo sẽ là bài toán khó cho các ngân hàng. Cụ thể, với mức chênh lệch nêu trên, sau khi trừ đi chi phí hoạt động khoảng gần một nửa, ngân hàng chỉ được hưởng 1,5%/năm.

Trên thực tế hiện nay, lợi nhuận thu về của các ngân hàng chủ yếu từ đến hoạt động cho vay, kết quả đạt được 3 tháng đầu năm vừa được một số nhà băng công bố đã cho thấy điều đó. Theo OCB, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm khoảng 60 - 65% trong tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của Ngân hàng trong quý I/2010. ACB cho biết, trong tổng lợi nhuận 560 tỷ đồng thu về 3 tháng đầu năm nay, hoạt động tín dụng có đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập.

Các ngân hàng cho biết, khác với tăng trưởng tín dụng èo uột trong 3 tháng đầu năm, huy động vốn có chiều hướng tích cực hơn, với mức tăng trưởng bình quân được các ngân hàng như ACB, Techcombank, Sacombank công bố ở mức xấp xỉ 10% trong quý I/2010. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy, huy động vốn đang có xu hướng tăng trở lại, đến cuối tháng 3 tăng 3,8% so với cuối năm 2009; đặc biệt, tiền gửi của dân cư tăng 9,2% cho thấy, người dân tin tưởng vào hệ thống ngân hàng. Đồng thời, thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện tốt hơn nhiều so với cuối năm trước.

Theo đánh giá của ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, tâm lý của người gửi tiền đòi hỏi mức lãi tiết kiệm cao, trong khi doanh nghiệp muốn vay lãi suất thỏa thuận ở mức thấp hơn so với mức 16 - 17%/năm là bài toán đòi hỏi các ngân hàng phải có sự tính toán một cách hợp lý nhất. Có nghĩa là, các nhà băng phải làm thế nào tìm kiếm được nguồn vốn giá rẻ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, đồng thời phải tăng trưởng được nguồn vốn huy động.

Ông Hạnh cho rằng, cân đối được bài toán này là điều không dễ dàng cho các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hạnh, nhiều ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao và nếu cộng thêm cả khuyến mãi thì giá vốn có nơi lên đến 12 - 13%/năm. Trong khi đó, nguồn vốn huy động về chưa hẳn dễ giải quyết đầu ra, nếu không giảm lãi suất cho vay.

“Điều này dẫn đến vốn dưa thừa, nhưng ngân hàng phải trả lãi suất cho khách hàng. Thực trạng này đang diễn ra ở một số ngân hàng, với mức vốn khả dụng dư thừa lên đến 20.000 - 30.000 tỷ đồng. Nếu không cho vay được, mỗi tháng ngân hàng phải trả trên dưới 300 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng. Đây là điều đáng lo ngại. Vì thế, các ngân hàng không nên bằng mọi giá để chạy theo cuộc đua khuyến mãi huy động vốn và cạnh tranh không lành mạnh trong việc giành thị phần khách hàng tiền gửi”, ông Hạnh nói và cho biết, trong thời gian tới, NHNN cũng như các cấp quản lý vĩ mô sẽ quan tâm nhiều hơn đến bài toán huy động vốn và cho vay của các ngân hàng, để tránh ứ đọng vốn tại ngân hàng, không khơi thông được dòng vốn cho nền kinh tế.

Ý kiến được đưa ra từ một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng đồng tình với quan điểm của ông Hạnh là ngân hàng phải từng bước tiết giảm chi phí đầu vào, đồng thời không bỏ trần lãi suất huy động. Vì với mức lạm phát được kiểm soát 7% trong năm nay, thì lãi suất 10%/năm đã là thực dương. Có như vậy, lãi suất cho vay sẽ giảm dần và ổn định, tăng trưởng tín dụng từ đó mới được cải thiện.

(Đầu tư chứng khoán)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Tương lai các dự án chậm triển khai
  • Bài toán nhà ở: Lệch pha cung, cầu
  • Diễn biến tỷ giá còn nhiều bất ngờ
  • Giữ vàng sẽ bất lợi ?
  • Chuyên gia WB “hiến kế”: Việt Nam nên tăng lãi suất
  • 4 tác động khiến tỷ giá USD/VND giảm
  • Đổ xô quyết toán thuế TNCN
  • Va chạm thương mại tiền tệ Mỹ – Trung ai thiệt hơn ai?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!