Mặc dù đối mặt với hàng loạt khó khăn khi lạm phát liên tục tăng cao từ đầu 2011 đến nay, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, song theo Bộ KHĐT, năm 2012, bộ mặt kinh tế - xã hội sẽ thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Cơ quan này vừa trình Chính phủ hai kịch bản khá lạc quan cho kinh tế nước nhà trong năm sau.
Điểm sáng trong bức tranh tối
Lấy bối cảnh kinh tế thế giới nói chung tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Bộ KHĐT cho rằng nền kinh tế thế giới 2012 sẽ rơi vào đợt suy thoái mới. Không chỉ tăng áp lực cho các nước phát triển như EU, Mỹ hay Nhật Bản do thâm hụt ngân sách và nợ công tăng quá mức, nhiều nước kinh tế mới như Trung Quốc, Ấn Độ... cũng không nằm ngoài vòng suy thoái với lạm phát gia tăng, chính trị xung đột. Với các nước đang phát triển, nguồn vốn ổn định như FDI, ODA... đều có dấu hiệu giảm sút trầm trọng. Đưa ra “bức tranh tối” kinh tế thế giới, nhưng theo Bộ KHĐT, năm 2012 kinh tế vẫn tăng trưởng dựa trên hai kịch bản. Kịch bản tăng trưởng thấp (kịch bản 1) đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt khủng hoảng nợ công. Theo đó, so với 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6%, kinh ngạch xuất khẩu 106,4 tỉ USD – tăng 12% (nhập siêu đạt 12,8 tỉ USD – chiếm 12% tổng kim ngạch XK), bội chi ngân sách không quá 4,8% GDP và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 10%. Kịch bản tăng trưởng cao (kịch bản 2) được cho là lạc quan hơn với GDP tăng 6,5%, tổng kim ngạch XK tăng 107,4 tỉ USD, vốn đầu tư xã hội chiếm 43% GDP.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ dự kiến đề nghị Quốc hội lựa chọn kịch bản 1, song nếu kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, kịch bản 2 sẽ là lựa chọn để nước ta phấn đấu thực hiện. Ngoài những chỉ tiêu cơ bản nói trên, ở kịch bản nào những lĩnh vực cơ bản vẫn tiếp tục tăng trưởng khá như giảm tỉ lệ hộ nghèo 2%, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người, tỉ lệ nông thôn dùng nước sạch đạt 86%... Đặc biệt đối với nhóm giải pháp chính sách tài chính tiền tệ và giá cả - lĩnh vực đương đầu nhiều khó khăn nhất hiện nay - Bộ KHĐT khẳng định sẽ thay thế các biện pháp hành chính can thiệp thị trường tiền tệ hiện hành bằng kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng hợp lý, giảm mặt bằng lãi suất và ưu tiên cho vay nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN XK và DN ngành công nghiệp phụ trợ.
Quá lạc quan?
Trước hai kịch bản này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều chỉ tiêu quá lạc quan so với thực tế. Theo bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm UB các Vấn đề xã hội của Quốc hội - CPI tăng dưới 10% là thiếu khả thi. Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng cần lựa chọn kịch bản tăng trưởng thấp mới sát với thực tế suy thoái kinh tế thế giới và khu vực, hoặc cũng nên khiêm tốn hơn khi nghĩ đến tăng trưởng. Theo bà Phạm Chi Lan, mục tiêu tăng trưởng GDP 6 – 6,5% trong khi lạm phát chưa thể kiềm chế được thì cũng không hẳn cần thiết. Mức tăng GDP hợp lý hơn có thể là 5 – 5,5%. Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay, không ít DN đang rơi vào thế bí khi “ngấm đòn” lạm phát, phải cắt giảm chi tiêu và lao động đến mức tối đa, chính vì thế ưu tiên kiềm chế lạm phát vẫn phải là hàng đầu thay vì “chạy đua” theo các chỉ số tăng trưởng.
Một vấn đề quan trọng đặt ra là trước khi nghĩ đến tăng trưởng, theo các chuyên gia là các nhà hoạch định chính sách cần tập trung cân đối kinh tế vĩ mô như giảm bội chi ngân sách, lạm phát, thâm hụt thương mại và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Việc tái cấu trúc này, theo nhận định là chưa hề được chú trọng rõ nét. Điều này được TS Trần Đình Thiên mổ xẻ: “Căn bệnh của kinh tế vĩ mô lâu nay đã ăn sâu là quá tập trung vào đầu tư, ôm đồm các dự án lớn. Sẽ khó lòng kiềm chế lạm phát nếu không thay đổi tư duy và cách làm, phân bổ lại nguồn lực và giảm nhập siêu bằng công cụ tỉ giá”. Ở một khía cạnh khác, TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cắt giảm đầu tư công không có nghĩa làm giảm đồng loạt, mà vẫn phải đảm bảo đầu tư các dự án trọng điểm, đi vào thực chất. Chính vì vậy, nếu không bắt tay ngay vào việc tái cấu trúc kinh tế, cụ thể hóa hơn các biện pháp chống lạm phát thì mọi phán đoán, kịch bản vẫn chỉ là chủ quan.
Dương Hà
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com