Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

TS. Nguyễn Minh Phong: Đối sách chống làm giá vàng

 

Thời gian vừa qua, giá vàng biến động lên xuống thất thường, ngoài dự báo của hầu như tất cả các tổ chức, chuyên gia. Đặc biệt thị trường vàng tại VN đã có những dấu hiệu làm giá. Đối sách nào ngăn chặn điều đó. DĐDN giới thiệu bài viết của  TS. Nguyễn Minh Phong -  Viện nghiên cứu phát triển KTXH Hà Nội. 

Chen nhau mua bán vàng tại Hà Nội

Nếu giá vàng biến thiên chóng mặt nhiều lần hơn và với mức vượt xa động thái chung của vàng thế giới; Nếu sự chệnh lệch giá vàng trong nước với nước ngoài này vượt xa khoảng cách 15 USD nêu trên; Và nếu có sự giãn cách lớn giữa giá niêm yết mua và bán của DN kinh doanh vàng là 3 dấu hiệu điển hình đồng nghĩa với hiện tượng thị trường vàng trong nước đang bị làm giá, bị lũng đoạn và đầu cơ có tổ chức, với những hệ quả luôn là người dân và Nhà nước là người bị thiệt lớn nhất và cuối cùng.

3 dấu hiệu làm giá

Năm 2010 đánh dấu đỉnh cao của một thập kỷ liền tăng giá liên tục, giá vàng thế giới lập kỷ lục ấn tượng nhất trong lịch sử là 1.430,95 USD/ounce vào trung tuần tháng 11/2010, so với mức 1.096 USD ngày đầu năm 2010 (tức tăng 30,5%) và mức 270 USD  cách đây 10 năm (tăng 530%). Tương tự, giá vàng trong nước cũng đạt đỉnh cao kỷ lục nhất từ trước đến nay là 3,830 triệu đồng/chỉ vào ngày 9/11/2010 so với mức giá dưới 2 triệu đồng/chỉ vào quý I/2009 (tăngkhoảng 200%)...

Bước sang tháng 1/ 2011, giá vàng trong nước “phập phồng” trong  mốc từ 3,5- 3,6 triệu đồng/chỉ  và mới vọt qua ngưỡng 3,6 triệu đồng /chỉ vào ngày 9/2/2011 (khi giá vàng thế giới tăng mạnh mẽ dao động trên biên độ khá rộng 1.350-1.367 USD trong phiên giao dịch New York ngày 8/2/2011, vượt mức 1.367 USD/ ounce)... Điều đáng chú ý là biên độ giao dịch giá khá rộng cả trên thị trường trong nước và  nước ngoài. Giá vàng thế giới giao động từ 1.350-1.367 USD/ounce. Khoảng cách mua - bán vàng trong nước từ 100.000 -140.000 đồng/chỉ và độ vênh giá trong nước cao hơn giá nước ngoài cũng khoảng 100.000đ/chỉ.

Tuy nhiên, bước sang những ngày đầu tháng 3/2011, giá vàng thế giới vượt ngưỡng cao nhất năm 2010 và  đã lập kỷ lục mới chạm mốc 1.445,7USD/ounce (cao nhất từ trước đến nay), dù trụ ở mức này không lâu lại quay đầu giảm giá. Trong khi đó, giá vàng trong nước  lại vận động tăng, giảm không phải lúc nào cũng đồng điệu với giá vàng thế giới.

Từ tháng 4- 9/8/2011, giá vàng SJC đã tăng gần 10 triệu đồng một lượng. Vào tuần đầu tháng 4/2011, giá vàng thế giới vẫn quanh quẩn dưới 1.480 USD một ounce, và vàng SJC của Việt Nam ngấp nghé 37 triệu đồng một lượng. Giá vàng thế giới chỉ sau hai ngày đã tăng hơn 130 USD, chạm kỷ lục gần 1.780 USD trong ngày 9/8/2011, trong khi giá vàng trong nước cùng thời điểm so sánh đã tăng vọt  gần 5 triệu đồng/ lượng, đạt tới 46,2 triệu đồng/lượng, tạo giãn cách với giá thế giới tới 2 triệu đồng/lượng, gần như lặp lại kịch bản của tháng 11/2009 và tháng 10/2010. Và cũng chỉ 24 giờ sau khi Ngân hàng Trung ương cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng, giá trong nước đã dịu bớt 1.8 triệu đồng và giãn cách mua vào-bán ra của DN kinh doanh vàng đã thu hẹp từ 900.000đ xuống dưới 200.000đ; Trong khi trên thị trường quốc tế, giá giao ngay đạt 1.764 USD một ounce).

Về nguyên tắc, hiếm có sự cào bằng giá cả vàng giữa các thị trường, kể cả khi kinh doanh vàng theo mạng điện tử, do những chi phí trực tiếp gắn với các thao tác kỹ thuật, phí quản lý và các khoản chi phí vận chuyển, phân phối, bảo quản vàng vật chất... Sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường trở thành động lực kích hoạt hoạt hoặc dập tắt các động lực đầu tư, cũng như làm bùng lên các hoạt động đầu cơ, nhân bội những hành vi bột phát và tâm lý đám đông. Quy mô và tầm ảnh hưởng của chúng có thể vượt tầm kiểm soát và gây hệ lụy to lớn không chỉ cho nhà đầu tư, mà còn cho sự ổn định chung của nền kinh tế và hiệu quả của chính sách quản lý của nhà nước.

Theo quan sát thị trường, sự chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước hiện tại khoảng dưới 15 USD/lượng vàng ( khoảng 200-300 ngàn đồng) là mức hợp lý cho những chi phí nêu trên, và do đó không tạo ra những cơn sốt vàng hay các hoạt động buôn lậu, đầu cơ trong giả định có sự liên thông trực tiếp thị trường trong và ngoài nước, tức không có sự cấm đoán xuât hay nhập khẩu vàng nào từ phía cơ quan chức năng nhà nước.

Nếu giá vàng biến thiên chóng mặt nhiều lần hơn và với mức vượt xa động thái chung của vàng thế giới; Nếu sự chệnh lệch giá vàng trong nước với nước ngoài này vượt xa khoảng cách 15 USD nêu trên; Và nếu có sự giãn cách lớn giữa giá niêm yết mua và bán của DN kinh doanh vàng là 3 dấu hiệu điển hình đồng nghĩa với hiện tượng thị trường vàng trong nước đang bị làm giá, bị lũng đoạn và đầu cơ có tổ chức, với những hệ quả luôn là người dân và nhà nước là người bị thiệt lớn nhất và cuối cùng.

“Đọc vị” và ngăn chặn  hiện tượng “làm giá” và lũng đoạn thị trường  vàng  trong nước không quá khó; cái khó là việc vượt qua lợi ích nhóm và lợi ích đặc quyền, cũng như giảm thiểu sự lạm dụng quyền lực cho những mục tiêu ích kỷ của ai đó có liên quan...

Những giải pháp

1. Tăng cường kiểm soát đầu cơ và buôn lậu thị trường

Sự kiểm soát buôn bán và đầu cơ ngoại hối, gồm cả vàng và ngoại tệ, một mặt, sẽ giúp làm lành mạnh và bình ổn tốt hơn các động thái thị trường nhờ cắt bớt các nhu cầu ảo và buôn bán lòng vòng gây tăng giá; mặt khác, nếu cực đoan duy y chí , thiếu minh bạch và không được tổ chức tốt, dễ gây lạm dụng và các biến thái, thậm chí có thể xuất hiện những cú “sốc giá và sốc tâm lý phản vệ” , tạo ra xung lực mới gia tăng mãnh liệt và khó kiểm soát hơn thị trường ngầm và những tổn thương lòng tin và tổn thất quyền lợi của người dân, cũng như những chi phí xã hội không nhỏ khi phản ứng tự phát với các động thái thị trường và chính sách nêu trên.

Việc kiểm tra tình hình mua bán ngoại tệ tại thị trường tự do năm 2011 sẽ thực hiện theo phương thức mới. Theo đó, NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an, quản lý thị trường... thanh tra, kiểm tra bất ngờ. Những cơ quan này cũng được trao quyền xử phạt khi phát hiện có vi phạm, chứ không cần phải NHNN quyết định như trước. NHNN, quản lý thị trường, công an sẽ tiến hành kiểm tra độc lập chứ không kết hợp liên ngành như những lần trước nhằm tránh bị động trong quá trình triển khai. Mặt khác, các cơ quan quản lý sẽ xử lý mạnh tay đối với các quầy thu đổi ngoại tệ vi phạm quy định bằng hình thức tịch thu tang vật chứ không chỉ phạt hành chính như trước.

2. Bảo đảm sự liên thông trực tiếp thị trường cao

Trong bối cảnh áp lực tăng lạm phát toàn cầu và suy giảm hệ số tín nhiệm, nhất là trái phiếu chính phủ của hàng loạt các con nợ và cả các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, xu hướng tiếp tục gia tăng dự trữ vàng vẫn là chủ đạo trong trung hạn, cả ở cấp vĩ mô, lẫn vi mô. Từ hơn 4 thập kỷ nay thế giới không còn chế độ bản vị vàng nữa, tức tiền giấy không được bảo đảm bằng vàng và càng không thể trực tiếp quy đổi ra vàng tại các ngân hàng trung ương theo tỷ lệ do nhà nước quy định; Những đồng tiền chủ chốt trên thế giới ngày càng “nhìn nhau” mà định tỷ giá trong cùng tư thế chủ động  giảm giá đồng bản tệ nhằm bảo đảm tối đa sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu  nước mình;  Xu hướng ưa dùng các gói kích cầu, cũng như tình trạng nợ công và thâm hụt ngân sách các cấp Chính phủ; Sự đỏng đảnh của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán toàn cầu càng làm cho tỷ giá thêm bất ổn, các hoạt động đầu tư chứa nhiều rủi ro hơn... Tất cả những yếu tố đó khiến vàng càng trở thành “hầm trú ẩn bảo đảm an toàn tài chính cho cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô được ưa chuộng trên toàn thế giới, cả hiện tại, cũng như tương lai.

Trong thời kỳ vàng vẫn tại vị là thước đo giá trị và phương tiện cất trữ quốc tế, giá vàng, vì vậy, ngày càng nhậy cảm, phản ánh những động thái toàn cầu và cũng có sức lan tỏa toàn cầu trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa.

Một nền kinh tế yếu với chính sách đồng tiền yếu vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của cuộc chiến giá vàng toàn cầu. Đồng thời, giá vàng trong nước ngày càng phản ánh giá vàng thế giới. Người ta không thể “mũ ni che tai”, đóng cửa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới hoặc can thiệp hành chính thô bạo, chủ quan vào dòng chảy thị trường toàn cầu này, nếu không muốn gánh chịu những hệ quả cay đắng và tổn phí đắt đỏ nhất.

Chỉ một tuyên bố cấp hạn ngạch cho nhập khẩu vàng thôi cũng đủ sức hạ sốt giá vàng hàng trăm đô la/lượng, vượt xa nhiều lần mức lợi nhuận thông thường của kinh doanh vàng trong bối cảnh bình thường như nêu trên. Rõ ràng đó là điều không bình thường trong quản lý vàng ở VN. Và đó cũng là minh chứng cho  yêu cầu sớm tạo đột phá thực sự để hoàn thiện thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường ở VN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011.

 

Sự phản ánh đầy đủ, nhanh chóng và trực tiếp giá vàng thế giới vào giá vàng trong nước là điều kiện và thước đo sự hoàn thiện  của cơ chế thị trường, cũng như là cách thức để giảm thiểu những tổn thất phi thị trường trong quản lý kinh tế theo nguyên tắc thị trường.

Chậm trễ trong cấp hạn ngạch hoặc kéo dài kiểm soát nhập khẩu vàng không chỉ  là biểu hiện phản ứng chính sách thiếu nhạy bén của cơ quan chức năng trước những biến động nhanh chóng thị trường, mà nó có thể đơn thuần là do định kiến chạy theo thành tích giảm nhập siêu bất chấp hiệu quả tổng thể. Người ta có thể khuyến khích xuất vàng (dù lợi nhuận thấp) và hạn chế nhập vàng (dù thiệt hại chung, nhất là từ biến động giá cả do tâm lý và các cơn sốt bất thường là rất lớn, khó đo lường được) để giảm nhập siêu thuần túy như là mục đích tự thân hay bị chi phối trực tiếp bởi lợi ích cục bộ, ngắn hạn “ăn theo”, gắn với sự lựa chọn chính sách này. Nghịch lý là ở chỗ, trong khi nhập khẩu vàng bị hạn chế bởi cơ chế hạn ngạch khắt khe hình thức, thì cửa xuất khẩu vàng lại gần như bỏ ngỏ. Vàng nguyên liệu bị cấm xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể xuất nữ trang trá hình và hưởng thuế suất 0-10%. Và rõ ràng, cửa nhập vàng bị khống chế đã bị vô hiệu hóa, như cảnh “Đười ươi giữ ống” và thậm chí “vô tình hay cố ý” tiếp tay cho buôn lậu và đầu  cơ…

Cần phân biệt vàng với các hàng hóa thông thường khác. Vàng là hàng hóa đặc biệt, bởi vàng vừa là hàng hóa- thành phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng trang sức và nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất –kỹ thuật, vàng vừa  có chức năng của tiền tệ-dù chưa đầy đủ do, ngoài chức năng thước đo giá trị và cất trữ kể trên, nó bị hạn chế các chức năng lưu thông và thanh toán trên phạm vi quốc gia, cũng như quốc tế. Vì vậy, sự đủ đầy của vàng và sự cân đối cung-cầu về vàng trên thị trường trong nước có tác dụng đặc biệt quan trọng bảo đảm sự ổn định và vận hành trơn tru các quan hệ hàng-tiền trong đời sống kinh tế-xã hội. Điều này cũng có nghĩa là bất kỳ hành vi cấm đoán nào có tính  chủ quan đều có thể làm ách tắc sự vận hành này, do đó gây ra những hệ quả nhiều mặt nguy hại cho quốc gia và mỗi dianh nghiệp, người dân. Mặt khác, cũng vì vàng là tiền, nên cần hạn chế gắt gao các hoạt động đầu cơ vàng, kể cả tín dụng bằng vàng và các đòn bẩy tài chính liên quan đến vàng với mục tiêu đầu cơ- điều không chỉ mang lại rủi ro cao cho ngân hàng, người vay, mà còn cho cả chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Tóm lại, những động thái liên quan đến thị trường vàng nói riêng và sự ổn định các giá cả trong nước nói chung  tùy thuộc rất lớn vào sự đảm bảo đồng bộ và phối hợp tốt các chính sách và năng lực quản lý nhà nước về các vấn đề có liên quan, đảm bảo sự liên thông trực tiếp giữa các loại thị trường trong nước và nước ngoài, phù hợp nguyên tắc cạnh tranh thị trường lành mạnh, đầy đủ và minh bạch, dựa trên hệ thống thông tin tốt, phản biện khoa học và bộ máy tham mưu có đủ năng lực và trách nhiệm cao... Đặc biệt, cần đối xử thận trọng và khách quan với vàng với tư cách là tài sản tài chính quốc gia và quốc tế; sự liên thông dòng chảy vàng giữa thị trường trong nước với thị trường vàng thế giới là điều kiện hàng đầu để bảo đảm cân đối cung-cầu, tạo ra niềm tin về vàng, tạo ra ổn định tâm lý về vàng, ổn định và giữ giá vàng trong nước chỉ còn biến động cùng chiều theo giá thị trường thế giới khách quan, từ đó góp phần ổn định chung thị trường tài chính nói riêng, đời sống kinh tế-xã hội nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa hiên  nay...
-------------------------------------
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Ai đang "giật dây" cho giá vàng nhảy múa?
  • Bất động sản kỳ vọng tương lai gần
  • Vì sao nhiều dự án triệu đô 'bỏ rơi' Việt Nam?
  • WB: Kinh tế Việt Nam… còn có nhiều “tin xấu”
  • 8 tháng, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán, BĐS giảm
  • Nhà đất Hà Nội: Nội đô khát, ngoại tỉnh thèm
  • Lạm phát cao, lãi suất có giảm ?
  • Khi các “vịnh tránh bão” trở nên nguy hiểm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!