Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhìn lại cơn sốt vàng: “Chính sách quản lý mới chỉ mang tính tình thế”

 Ông Cao Sĩ Kiêm nhận định Nhà nước đã hành động kịp thời để ổn định thị trường vàng, nhưng các chính sách này vẫn chỉ mang tính bị động.

Chính sách điều tiết vĩ mô chưa phát huy hiệu quả thực sự cùng tâm lí mua bán theo đám đông khiến thị trường vàng trong nước luôn biến động mạnh hơn so với giá thế giới. 

 Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giá vàng thế giới chưa tăng, mình đã tăng, đến lúc giá thế giới giảm thì mãi mình mới giảm” - ông Kiêm cho biết.

Giá vàng trong nước chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2010 ở 36,09 triệu đồng/lượng (giá bán ra) còn vàng thế giới dao động quanh mốc 1.400 USD/ounce. 

Tính đến thời điểm này, vàng trong nước và thế giới tăng lần lượt 29% và 27%, có giá tương ứng là 46,7 (vàng SJC) triệu đồng/lượng và 1.780 USD/ounce (vàng giao ngay trên sàn Kitco). Vàng trong nước hiện cũng đang cao hơn giá thế giới khoảng 1,8 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm các chi phí nhập khẩu).

Tại những thời điểm vàng sốt giá, mức giá quy đổi vàng trong nước cao hơn giá thế giới tới 2 – 2,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này là quá cao đối với một thị trường thông thường và từng có nhiều nhận định cho rằng, sự bất thường này có bàn tay tham gia của các nhà đầu cơ làm giá.

Có những thời điểm 3 thương hiệu vàng lớn như SJC, SBJ, Bảo Tín Minh Châu bán ra cả tấn vàng trong 1 ngày như ngày 26/8 vừa qua. Người mua vẫn đổ xô đi mua, bất chấp rủi ro giao dịch là rất lớn khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến 1,6 triệu đồng/lượng.

Với nguy cơ tăng nóng, dẫn đến bong bong trên thị trường vàng có thể hình thành và nổ tung bất kì lúc nào, Ngân hàng nhà nước đã quyết định cấp phép nhập vàng để bình ổn thị trường. 

Ngay từ đầu tháng 8, khi thị trường bắt đầu cơn sốt vàng, đã có ít nhất 10 doanh nghiệp nộp đơn xin nhập khẩu vàng. Từ hạn ngạch 5 tấn vàng ban đầu, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp “nhập khẩu không giới hạn” trong khuôn khổ bình ổn thị trường. 

Sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 7 tấn vàng trong tháng 8, không kể một lượng không nhỏ được nhập theo đường tiểu ngạch nhưng chưa có thống kê cụ thể. 

Gần đây nhất là đợt cấp phép vào ngày hôm qua, 19/9 với 4 tấn vàng dự kiến sẽ về đến Việt Nam trong 2 ngày 20 - 21/9.

Sau những biện pháp can thiệp của Nhà nước, thị trường vàng trong nước đã nhanh chóng hạ nhiệt và ổn định hơn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, giá vàng trong nước vẫn chưa trở lại thế cân bằng với giá thế giới. Điều này cho thấy các chính sách điều hành của Nhà nước là đúng đắn nhưng chưa đủ để kiểm soát thị trường do vẫn còn chậm, “chỉ mang tính tình thế và chạy theo thị trường” – ông Kiêm nhận xét. 

Trong khi đó, ông cho rằng, các vấn đề cơ bản, cốt lõi của thị trường lại chưa có chính sách điều tiết cụ thể.

Người dân vẫn liên tục mua vàng vào trong những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới đến 2,5 triệu đồng/lượng.
 
Theo nhận định của ông Kiêm, thị trường vàng trong nước luôn biến động mạnh hơn thị trường thế giới bởi những nguyên nhân sau:

Một là, Nhà nước cấm giao dịch vàng miếng tự do nhưng lại chưa đảm bảo được mạng lưới giao dịch vàng được cấp phép rộng khắp trên cả nước, dẫn đến việc quản lý chưa chặt chẽ. 

Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã có công bố siết chặt giao dịch tự do và cấm giao dịch trên sàn vàng. Nhưng thực tế, các giao dịch này vẫn diễn ra khá sôi động nhưng chưa có chế tài quản lý.

Hai là, việc sử dụng nguồn vàng trong dân chưa hợp lí

Theo công bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ xây dựng đề án huy động vàng của người dân, đảm bảo lãi suất có lợi nhất và an toàn nhất cho người gửi. Việc làm này nếu thành công sẽ góp phần giảm áp lực nguồn vốn của các doanh nghiệp đồng thời tránh lãng phí từ việc giữ vàng cất trữ trong dân.

Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để huy động được số vàng khổng lồ, ước tính từ 300-500 tấn trong dân thì vẫn chưa có câu trả lời. 

Dự kiến NHNN sẽ huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lí các tổ chức tín dụng. Lượng vàng NHNN có thể huy động trong dân ít nhất cũng phải tương đương số vàng mà dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, trên dưới 130 tấn, tương đương 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, kể cả khi đã huy động được số tài sản khổng lồ này thì NHNN cũng phải có công cụ phòng ngừa rủi ro trong quá trình sử dụng. Vì huy động vàng để bán ra, hoặc thực hiện các giao dịch hoán đổi. Nếu không mua vào được có thể bị lỗ lớn khi giá vàng biến động nhanh và mạnh như thời gian qua.

Ba là, Nhà nước cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, tăng khả năng can thiệp, điều tiết thị trường trước khi có biến động mạnh. 

Hầu hết các chính sách điều tiết đều có độ trễ nhất định. Phần lớn các chính sách hiện tại đều được đưa ra nhằm giải quyết tình thế cấp thiết chứ chưa “đi trước đón đầu” để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán, trao đổi hợp pháp của người dân. 

Tuy nhiên, với một thị trường mà tính thanh khoản cao như vàng, cùng với sự tác động lớn từ thị trường thế giới và tâm lí nhà đầu tư thì chính sách cần phải đi trước một bước, tránh nguy cơ thị trường sẽ còn “sốt nóng, sốt lạnh” trong thời gian tới. 

Bài và ảnh: Đỗ Hà// DVT
------------------------

Nhìn lại cơn sốt vàng: Hai lần NHNN can thiệp thị trường

 

 NHNN 2 lần tuyên bố cho phép nhập khẩu vàng vào thời điểm giá vàng đạt đỉnh cao nhất trong giai đoạn đó ở 46,2 và 49,2 triệu đồng/lượng.

Vàng tăng 36% kể từ đầu năm
 
Giá vàng trong nước kết thúc năm 2010 ở mốc 36 triệu đồng/lượng. Nếu lấy mức giá kỷ lục ở 49 triệu đồng/lượng thiết lập vào ngày 23/8/2011, giá vàng trong nước đã tăng 36% chỉ trong vòng gần 9 tháng.
 
Với mức giá hiện tại xoay quanh 47 triệu đồng/lượng, vàng đã tăng 30% so với đầu năm và tăng 11 năm liên tiếp. 
 
Nếu so với việc nắm giữ các loại tài sản khác như bất động sản, USD, cổ phiếu hay gửi tiết kiệm bằng tiền đồng với lãi suất 14%/năm thì đầu tư vào vàng trong năm 2011 là một lựa chọn khôn ngoan và hợp lý tính đến thời điểm này.
 
Giá vàng trong nước tuy theo sát biến động của thị trường thế giới do Việt Nam không phải là nước sản xuất mà phải nhập khẩu vàng nhưng thường xuyên xảy ra hiện tượng tình trạng vàng trong nước đắt hơn vàng thế giới từ 1 - 2 triệu đồng/lượng. Bên cạnh nhu cầu mua - bán thực của người dân, nguyên nhân của việc chênh lệch lớn bao gồm cả yếu tố đầu cơ, làm giá gây thiệt hại lớn cho người có nhu cầu mua vàng thực sự. 
 
Nếu trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến gần cuối tháng 6, giá vàng trong nước dao động từ 37 – 38 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng thế giới quy đổi thì bước sang tháng 7 giá vàng trong nước bắt đầu cao hơn giá vàng thế giới quy đổi. 
 
Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng được kéo giãn, có thời điểm lên tới 2 triệu đồng/lượng, khi vàng thế giới liên tục lập những kỷ lục mới.
 
Khoảng cách chênh lệch giá mua – bán được nới rộng khi giá vàng tăng cao cũng gây thiệt hại không nhỏ cho những nhà đầu tư đua nhau mua vàng vào những thời điểm giá vàng nóng, sốt. 
 
Tại những thời điểm giá vàng thấp, để kích thích sức mua, các công ty, doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý giữ mức chênh lệch mua bán chừng 100.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, đến thời điểm giá vàng lên cơn sốt, chênh lệch mua bán tăng vọt, lên tới 500.000 – 600.000 đồng/lượng. 
 
Vào ngày 23/8, những người mua vàng ở giá kỷ lục 49,2 triệu đồng/lượng, chỉ cần bước chân ra khỏi tiệm vàng đã cầm chắc lỗ 600.000 đồng/lượng do chênh lệch giá mua - bán cao. 
 
Hai lần can thiệp thị trường
 
Trong tháng 8, để bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hai lần can thiệp vào thị trường vàng miếng bằng cách cho phép nhập khẩu vàng.
 
Đợt sốt giá lần thứ nhất diễn ra trong hai ngày 8/8 và 9/8. Đỉnh điểm vào trưa ngày 9/8, giá vàng trong nước tăng mạnh lên 46,2 triệu đồng/lượng, tăng 6,2 triệu đồng/lượng so với mức giá 40 triệu đồng/lượng một tuần trước đó.
 
Trước tình trạng trên, trong một thông điệp phát đi vào ngày 8/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan điều hành tiền tệ Việt Nam thừa nhận, việc giá vàng tăng liên tục có bao gồm cả yếu tố đầu cơ, làm giá để trục lợi, gây tâm lý bất ổn trong nhân dân mặc dù lượng vàng nắm giữ trong dân vẫn ở mức cao. 
 
Ngay ngày hôm sau, ngày 9/8, NHNN đã cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước để bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng sốt giá.
 
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá vàng trong nước đã đổ dốc, mất 1 triệu đồng/lượng chỉ trong buổi chiều hôm đó xuống còn 45,2 triệu đồng/lượng.
 
Những ngày sau, giá vàng thế giới cũng lao dốc khiến giá vàng trong nước ổn định hơn. Từ ngày 9/8 đến giữa tháng 8, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới được rút ngắn và tương đối ổn định.
 
Người dân đổ xô đi mua vàng khi giá bắt đầu sốt mạnh. Ảnh chụp ngày 8/8 khi giá vàng trong nước dao động quanh 42 - 43 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Đỗ Hà).
 
Vàng trong nước sau khi về mốc 44 triệu đồng/lượng, bắt đầu đi lên từ ngày 15/8. 
 
Liên tục phá những mốc kỷ lục 46, 47, 48 và 49 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ từ 15/8 - 23/8, giá vàng trong nước lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay ở 49,2 triệu đồng/lượng vào trưa ngày 23/8.  
 
Trước đó, chiều ngày 22/8, trong buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để thảo luận các giải pháp nhằm xóa bỏ cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới, NHNN cho biết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó Công ty SJC làm chủ lực, tham gia can thiệp thị trường vàng nhằm kéo giá vàng trong nước từ mức cao hơn 1 triệu đồng/lượng như hiện nay về ngang với giá thế giới.
 
Trong ngày hôm sau (23/8), thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: "Quan điểm chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2011 là ổn định tỷ giá, đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường".
 
Giá vàng trong nước sau đó giảm mạnh trong ba phiên liên tiếp đến ngày 25/8 xuống còn 45 triệu đồng/lượng, giảm 4,2 triệu đồng/lượng so với đỉnh điểm 49,2 triệu đồng/lượng.  
 
Từ đó đến nay, giá vàng trong nước gần như đi ngang, xoay quanh mốc 46 – 47 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước không giảm mạnh mà vẫn giữ mức cao hơn giá vàng thế giới trên dưới 1 triệu đồng/lượng.
 
Duy Linh// DVT



 

 

 

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Rủi ro và bài toán dự trữ ngoại hối vàng
  • Cơ hội đầu tư trên sàn hàng hóa quốc tế
  • Lãi suất còn gượng ép
  • Quy hoạch đất đai chưa sát với nhu cầu thị trường BĐS
  • Vàng: "Nạn nhân" hay "tội đồ"?
  • TS. Nguyễn Minh Phong: Đối sách chống làm giá vàng
  • Ai đang "giật dây" cho giá vàng nhảy múa?
  • Bất động sản kỳ vọng tương lai gần
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!