Kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản, lúng túng trong việc gắn kết giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị... là những tồn tại của việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Tại hội thảo lấy ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 tổ chức ngày 27.9, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp chính quyền để quản lý và chỉ đạo khai thác đất đai có hiệu quả.
Đặc biệt với điều kiện nước ta có hơn 70% số dân sống ở vùng nông thôn, sản xuất lương thực là chủ yếu (chiếm tỷ trọng 63,9% trong tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt), quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khoanh định quỹ đất sản xuất nông nghiệp hợp lý, bảo vệ quỹ đất trồng lúa, đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực, cho các dự án đầu tư để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa tính toán khoa học, chưa sát với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của thị trường bất động sản dẫn tới tình hình vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất và thường phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Việc lập quy hoạch sử dụng đất theo đơn vị hành chính không đảm bảo tính kết nối liên vùng, không phát huy được thế mạnh của từng vùng, có tình trạng mỗi địa phương vì lợi ích cục bộ, vì mục tiêu bằng mọi giá phải phát triển kinh tế của địa phương mình nên đã đề xuất quy hoạch thiếu tính đồng bộ, thiếu cân nhắc đến lợi ích chung, đến sự phát triển hài hòa của toàn khu vực.
Quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện phân vùng chức năng sử dụng đất theo không gian mà mới chỉ chú ý đến việc phân bổ các chỉ tiêu loại đất, chưa chú ý đến việc phân bố các loại đất đó tại vị trí, địa điểm trên bản đồ và ngoài thực địa.
Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chưa tốt, nhất là giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, giữa quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất cho nuôi trồng thuỷ sản. Phần lớn các địa phương, nhất là các thành phố còn lúng túng trong việc gắn kết giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Nhiều quy hoạch ngành được xây dựng sau khi quy hoạch sử dụng đất được xét duyệt nên không được cập nhật đầy đủ dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên trồng lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn các loại đất khác.
Cơ cấu sử dụng đất trong đô thị chưa hợp lý, đất dành cho giao thông đô thị còn thiếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông chưa đến 13% (yêu cầu từ 20 - 25%), tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh thấp dưới 1% (yêu cầu 3 - 3,5%) và đất dành cho các công trình công cộng như công viên, cây xanh, mặt nước... còn thiếu, đặc biệt là tại các đô thị lớn.
Việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt tại nhiều địa phương chưa được coi trọng thực hiện. Các quyền của người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch ở nhiều nơi còn bị vi phạm (không được cấp Giấy chứng nhận, không được sửa chữa nhà ở), nhiều nơi để cho dân lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không bị xử lý, gây khó khăn, phức tạp, tăng chí phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.
Nguyễn Lê
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com