Dù hạn chế số lượng theo mục đích sử dụng cụ thể, cam kết bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng cá nhân mới đây của một ngân hàng thương mại phần nào hé mở cánh cửa nguồn cung ngoại tệ tưởng chừng bị đóng chặt nhiều tuần qua.
Tín hiệu tích cực này xuất hiện chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ cho phép ngân hàng thu phí bán ngoại tệ tiền mặt.
Cam kết có hạn chế
Với cam kết được đưa ra chiều 21.3, DongABank (DAB) cho biết sẽ bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng cá nhân nếu có nhu cầu chính đáng và các giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng đúng quy định. Khách hàng cá nhân khi đi du lịch, thăm viếng người thân, đi công tác, khám - chữa bệnh hay du học ở nước ngoài sẽ được mua ngoại tệ ở nước sẽ đến và trong trường hợp không có đồng tiền nước đó, DAB sẽ xem xét bán EUR cho khách hàng.
Lượng ngoại tệ mà DAB cam kết bán ra căn cứ cụ thể theo mục đích sử dụng cũng như thời gian mà khách hàng lưu trú tại nước ngoài với mức cao nhất dành cho du học sinh có thể tương đương 7.000USD/năm/người. DAB cũng để mở khả năng đáp ứng ngoại tệ khi khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ nhiều hơn hạn mức.
Dù cam kết như trên, TGĐ DAB – ông Trần Phương Bình cho rằng, ngân hàng vẫn khuyến khích khách hàng mở thẻ tín dụng có ký quỹ VND để thanh toán các chi phí khi ở nước ngoài. Thực tế theo quy định hiện nay, người dân có quyền mua ngoại tệ tại các NHTM khi có nhu cầu hợp pháp. Nhưng như nhiều phản ánh, không phải lúc nào ngân hàng cũng có đủ ngoại tệ đáp ứng các yêu cầu này.
Với hệ thống kết nối thẻ thanh toán toàn cầu như hiện nay, lãnh đạo nhiều NHTM đều đồng tình khi cho rằng, sử dụng các loại thẻ tín dụng chi dùng tại nước ngoài là giải pháp thay thế khả thi khi người dân không mua được hay chưa có đủ ngoại tệ tiền mặt. Thậm chí khách hàng có thể nộp tiền mặt VND vào tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế liên kết với nhiều tổ chức như Visa hay MasterCard để sử dụng thanh toán tại nhiều quốc gia. Phó TGĐ Vietinbank – ông Lê Đức Thọ - cho rằng, với nhiều loại thẻ được phát hành hiện nay, sử dụng thanh toán qua thẻ cũng là một cách sử dụng ngoại tệ chính thức và người dân không nhất thiết phải dùng tiền mặt.
Cửa mua thêm rộng
Động thái của DAB trên đây được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có báo cáo chính thức (số 20/BC-NHNN ngày 17.3) về tình hình tổ chức triển khai Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Một trong các nội dung được đông đảo người dân quan tâm là các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ tiền mặt của người dân. Cụ thể trong thời gian trước mắt, NHNN sẽ ban hành Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) thu phí với việc bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân để chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ nhu cầu hợp pháp với mức phí tối đa là 2% so với tỉ giá niêm yết.
Mức phí này, theo NHNN là nhằm bù đắp các chi phí nhập ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài và các khoản liên quan. Tuy nhiên các TCTD phải niêm yết công khai mức phí trên tại các địa điểm giao dịch và chỉ được thu bằng VND. TGĐ DAB – ông Trần Phương Bình nhìn nhận, ngân hàng thu phí mua bán ngoại tệ là cần thiết vì tiền mặt nằm trong ngân hàng không sinh lời song ngân hàng vẫn phải dự trữ nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngoại tệ cho khách hàng.
Ngoài định hướng cho thu phí, NHNN cũng cho biết tới đây sẽ ban hành quy định để cá nhân có thể mua, bán ngoại tệ tiền mặt và kiều hối với tỉ giá hợp lý thông qua hệ thống NHTM. Việc này sẽ góp phần thu hút ngoại tệ vào ngân hàng, thu hẹp và tiến tới xoá bỏ thị trường tự do. Theo lãnh đạo NHNN, việc thị trường ngoại tệ tự do tạm ngừng hoạt động thời gian qua cũng có tác động tới một bộ phận dân cư khi các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho mục đích du học, công tác, chữa bệnh ở nước ngoài và kể cả các nhà kinh doanh mặt hàng không thiết yếu không tiếp cận được ngoại tệ.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com