Cứ từ tháng 11 âm lịch là các chủ sạp, cửa hàng, doanh nghiệp chuẩn bị cho việc thu hồi công nợ. Năm nay, việc thu hồi công nợ gay go hơn do làm ăn khó khăn...
![]() |
Bên cạnh đẩy mạnh kinh doanh dịp cuối năm, tiểu thương các chợ cũng phải lo cân đối việc thu hồi, thanh toán công nợ gối đầu với đối tác, bạn hàng. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Bà Mai Anh, chủ sạp bán mùng mền, quần áo may sẵn ở chợ Tân Bình cho biết: “Nếu cộng trên sổ sách, thì cho đến thời điểm này doanh thu vẫn cao hơn năm ngoái khoảng 5%, thế nhưng trên thực tế tiền thu về hụt gần 4 tỉ đồng do các mối vẫn chưa thanh toán nợ”.
“Treo lãi”
Theo bà Mai Anh, lệ thường hàng năm, giai đoạn này hầu hết các mối đều đến trả nợ cũ, lấy hàng mới về bán tết và khoản tiền mua hàng mới này đến 29 – 30 tết hay qua đầu năm mới thanh toán. Nhưng đến nay mới có lác đác khách mua sỉ. Nhiều mối ở các tỉnh chưa đến lấy hàng nên chưa thể thu hồi được nợ từ đầu năm đến giờ.
Trong khi đó, bà Thành, chủ vựa kinh doanh thuỷ hải sản khô ở quận 5 lại rơi vào tình trạng vừa là con nợ, vừa là chủ nợ. Con gái bà Thành, người nắm giữ sổ sách nói: “Mình chỉ nợ các chủ cung cấp yến, tôm khô, bào ngư… khoảng 2 tỉ trong khi các mối lấy hàng bán lẻ nợ mình đến 3,7 tỉ đồng. Chưa thu hồi nợ được, nhưng vừa rồi lại phải ứng thêm hơn 1 tỉ đặt mua các loại tôm khô đặc biệt bán tết. Đến đầu tháng chạp, nếu không thu được nợ về, không biết xoay xở làm sao đây vì nếu không có tiền trả đúng hẹn, mối khác sẽ ôm trọn lô hàng này”.
Một công ty nhựa ở khu công nghiệp Tân Bình cho biết cũng đang trong tình trạng bị chôn khoảng 38 tỉ đồng công nợ. Khả năng thanh toán nợ trước tết chỉ khoảng phân nửa. “Kết quả kinh doanh trên sổ sách tốt nhưng do chưa thu hồi được nợ nên phải vay ngân hàng và ứng tiền tích luỹ trong nhà ra để chi tháng lương thứ 13 và thưởng tết cho công nhân”, chủ công ty nói.
Sợ mất tiền, sợ mất cả mối làm ăn
Bà chủ công ty chuyên bỏ mối hàng may mặc cho các cửa hàng, siêu thị, có trụ sở ở Tân Phú cho biết: “Lượng khách chậm thanh toán công nợ những năm trước chỉ khoảng 30%, nhưng trong vòng hai năm gần đây đã lên đến gần 50%. Khách khất nợ bảo là do hàng ế, giá cả thị trường trồi sụt thất thường”.
“Khách gọi điện thoại, đề nghị cho khất, hẹn sẽ trả dần từng khoản nhỏ trong thời gian dài cả năm. Đòi căng thì mất mối, còn dùng tình cảm thì trước mắt là mình bị thiệt khoản lãi phải trả khi vay ngân hàng bù vào số nợ khó đòi…”, chủ công ty nhựa kể trên than thở.
Một nhà cung cấp vải sỉ ở chợ Tân Bình cho biết: “Những công ty nợ nhiều và không chịu thanh toán nợ đến hạn theo hợp đồng hầu hết là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu uy tín… Họ thiếu vốn tiền mặt do có nhiều khoản đầu tư khác trong năm. Muốn giữ mối thì phải ráng chịu…”
“Nuôi” nợ
Theo bà Hạnh – chủ sạp giày dép chợ An Đông, cứ mỗi tháng giáp tết, phải luân phiên cắt cử 4 – 8 người chuyên thu hồi công nợ. Mối ở gần thì đến mỗi ngày, thu nợ theo kiểu tiền góp hàng ngày. Bà nói: “Gặp phải nợ chây ì, có lúc phải cắt cử nhân viên đeo bám cả ngày, đếm số khách ra vô, lượng hàng bán được làm căn cứ đòi tiền. Nếu không làm vậy thì họ cứ bảo là bán ế nên không có tiền trả”.
Gian nan nhất là nợ ở tỉnh, nếu nợ nhiều thì phải đến nơi xem xét khả năng trả nợ. Chẳng hạn nợ do hàng tồn nhiều thì gom hàng về, số còn lại cho trả dần trong năm. Còn nếu khách bán hết hàng mà lỡ xài hết tiền thì cho trả làm hai, ba đợt, và hễ muốn lấy hàng mới thì phải trả tiền ngay.
Bà Hạnh bảo: “Gặp lúc mối nợ vì bị cháy chợ như ở chợ Quy Nhơn, hay bị bão lũ, thì không những khoanh nợ để họ bao giờ có tiền thì trả, mà còn phải giúp họ thêm vốn bằng hàng hoá để họ bán được, thì họ mới có khả năng trả nợ”.
Trả nợ có thưởng
Ông Lương Vạn Vinh – chủ công ty hoá mỹ phẩm – chất tẩy rửa Mỹ Hảo cho biết: “Chúng tôi xếp hạng nhà phân phối không chỉ dựa trên doanh số bán hàng, mà còn chia ra nhiều loại như bán hàng nhiều – thanh toán nhanh, bán hàng nhiều – thanh toán chậm, bán hàng ít – thanh toán nhanh…” Ứng với từng nhà phân phối, công ty sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau như tuyển đội ngũ nhân viên tiếp thị hỗ trợ cho nhà phân phối, ưu tiên cung cấp hàng trong những thời điểm thị trường đang hút hàng, tăng phần thưởng cuối năm…
Ở công ty Tân Quang Minh, chính sách ưu đãi cho đại lý được tính một lần vào cuối năm. Theo ông Nguyễn Đăng Hiến, chủ doanh nghiệp, thì mức thưởng sẽ xê dịch từ 0,5% đến trên 1% trên tổng doanh thu cả năm.
Một công ty sản xuất hàng gia dụng ở quận 6 ưu đãi cho các mối hàng thanh toán đúng hạn theo hình thức: thanh toán trước thời hạn được tặng 2%, sau thời hạn nhưng không trễ quá 15 ngày sẽ được cộng dồn doanh số đến cuối năm tặng 0,5%, thanh toán trễ hơn thời hạn quá ba lần là ngưng không cung cấp hàng.
Nếu thanh toán nhanh, đặt hàng số lượng lớn, mức chiết khấu hay phần quà thưởng có thể tăng thêm 5 – 15%/tổng giá trị lô hàng.
(Theo Minh Thành/sgtt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com