Số liệu nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự công bố vẫn đang có khoảng cách xa với con số của Ngân hàng Nhà nước, gây khó khăn cho việc lập phương án xử lý. |
Tính đến ngày 29-10 đã có năm ngân hàng công bố báo cáo tài chính quí 3-2012. Những con số thống kê cho thấy nợ xấu của những ngân hàng tự công bố vẫn cách xa với con số của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Mập mờ con số nợ xấu
Theo công bố của NHNN, nợ xấu cuối năm 2010 là 2,16%, cuối năm 2011 là 3,1%, và đến ngày 30-6-2012 là 4,47%. Đó là số liệu tổng hợp từ báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, theo tính toán của NHNN, nợ xấu vào thời điểm 31-3-2012 lên tới 8,6%, tương đương 202.000 tỉ đồng.
Mới đây, NHNN cho biết nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm được 36.000 tỉ đồng trong tổng nợ xấu được thống kê theo chuẩn của NHNN là khoảng 202.000 tỉ đồng.
Không rõ là số liệu giảm mà NHNN nói ở trên so với thời điểm nào, nhưng như vậy phải chăng con số 36.000 tỉ đồng này là số tiền mà các ngân hàng đã tái cơ cấu các khoản nợ xấu trước đó và nợ xấu phát sinh thêm cũng tương đương với con số này.
Những con số của NHNN mới công bố một lần nữa lại cách rất xa so với con số mà các tổ chức tín dụng đưa ra trong báo cáo tài chính. Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính của Ngân hàng Á Châu (ACB), nợ xấu của ngân hàng này vào ngày 30-9 là 2.124 tỉ đồng, tương đương 2,08%; của Sacombank (STB) là 1.214 tỉ đồng, tương đương 1,43%. Hai ngân hàng khác là Vietcombank và Techcombank, tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ ở mức 3,17% và 3,09%.
Một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu tính đến ngày 30-6 ở mức thấp. Chẳng hạn, BIDV có có tỷ lệ nợ xấu là 3,29%, còn Vietinbank (CTG) là 2,45%. Số liệu tính toán cho thấy tỷ lệ nợ xấu trung bình của tám ngân hàng lớn là 2,64% (xem bảng số liệu). Tỷ lệ này tăng không đáng kể so với thời điểm 30-6 và thấp hơn rất nhiều so với con số 8-10% mà NHNN mới công bố.
Hiệu quả của đề án xử lý nợ xấu bị thách thức
Xử lý nợ xấu là một vấn đề cấp bách nhưng gần một năm qua nó gần như dẫm chân tại chỗ. Việc giãn, hoãn hay khoanh nợ như hiện nay không thể xử lý được nợ xấu vì bản chất nợ vẫn không thay đổi.
Cho đến nay, những chi tiết về đề án thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, sẽ được trình lên Chính phủ vào ngày 15-11 tới, vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả thì yêu cầu trước hết là sự minh bạch về thông tin.
Đã có một khoảng cách khá xa giữa số liệu nợ xấu của NHNN và số liệu của các ngân hàng báo cáo. Khi số liệu mập mờ và không chính xác, NHNN rất khó xác định nguồn lực để xử lý nợ và thiết lập phương án xử lý hữu hiệu nhất. Ngoài ra, việc định giá, đánh giá tài sản cần xử lý cũng sẽ rất khó tiến hành và có nhiều lỗ hổng cho tiêu cực phát sinh.
Thực tế, thời gian qua rất nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng căng thẳng về thanh khoản và tỷ lệ nợ xấu thực sự cao hơn rất nhiều so với con số chính thức. Điển hình, trường hợp Habubank gần như mất hoàn toàn vốn với nợ xấu lên đến 32,06% nếu đánh giá theo chuẩn rủi ro cao nhất. Sự kém minh bạch này đã làm cho quá trình xử lý và tái cơ cấu ngân hàng diễn ra rất chậm chạp. Không những vậy, hệ thống ngân hàng cũng trở nên rủi ro vì xã hội không thể phân biệt được ngân hàng tốt, xấu thực sự. Nguồn lực xã hội cũng không chạy vào những nơi có hiệu quả cao nhất. Các “ông chủ” ngân hàng không phải trả giá cho sự thua lỗ và yếu kém của mình.
Như vậy, tuy mới chỉ có một số ngân hàng công bố báo cáo tài chính quí 3 nhưng nhìn chung tình trạng minh bạch nợ xấu vẫn chưa được cải thiện.
(TBKTSG)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com