Những tháng cuối cùng của năm 2012, nhiều thành tựu đã được công bố như: lạm phát được kiềm chế, lãi suất cho vay đã giảm, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng 18,9%..., nhưng tuyệt nhiên không có nhiều thông tin về "nợ xấu" đã được giải quyết đến đâu.
Nợ không giảm mà còn tăng
Vẫn biết nợ xấu chỉ là một phần trong tổng thể nền kinh tế, nhưng nhìn rộng ra, nợ xấu luôn là một hệ lụy, trong đó có cả sự sụt giảm tiêu dùng và ngân sách ngày càng eo hẹp.
Dẫu thế, chương trình tái cấu trúc khu vực ngân hàng (NH) vẫn giậm chân tại chỗ và chưa đem lại bất kỳ kết quả đáng kể nào. Khối nợ xấu rất lớn không những không giảm mà còn tiếp tục tăng lên.
Dòng tín dụng suốt một thời gian dài gần như tắc nghẽn. Tính đến ngày 20/9/2012, trong khi tốc độ tăng trưởng huy động tín dụng là 11,23% thì tốc độ giải ngân tín dụng chỉ tăng 2,35%.
Về cơ cấu, nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện rất lớn. Theo số liệu của TS. Đinh Tuấn Minh, khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đã chiếm tới 70% tổng nợ xấu của toàn hệ thống NH, trong đó, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước chiếm 53%.
Trên thực tế, con số chính xác về khoản nợ xấu tại NH là bao nhiêu hiện chưa có thống kê thống nhất, chỉ có những con số ước tính được đưa ra từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng nợ xấu NH thì báo cáo của các NH là 4,47%; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đưa ra con số 8,6%; Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là 11,8%; còn Hãng định mức tín nhiệm Moodys thì đưa ra 5 con số từ 10 - 30%... Như vậy, tính đến nay, chỉ biết nợ xấu NH là con số rất lớn và vẫn đang gia tăng từng ngày bởi nhiều nguyên nhân.
Trong đó, Quyết định 780 của NHNN cho phép cơ cấu nợ mà không chuyển nhóm đã giải quyết một phần chi phí trích lập dự phòng là một nguyên nhân.
Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đang sức cùng lực kiệt, khả năng trả nợ không còn, bên cạnh đó, hàng trăm ngàn tỷ đồng đang chết trong các dự án bất động sản là những món nợ xấu hiện hữu cũng như tiềm ẩn đối với hệ thống NH.
Chưa hết, thị trường bất động sản đang tiếp tục đóng băng, trong khi gần như toàn bộ các khoản vay của hệ thống NH đều được đảm bảo bằng bất động sản.
Việc định giá lại một cách nghiêm túc các tài sản đảm bảo này theo định kỳ chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí trích lập dự phòng tín dụng, gia tăng các khoản nợ quá hạn một khi phải thu hồi trước hạn vì giá trị tài sản không còn bảo đảm nợ vay.
Trong Diễn đàn Kết nối cơ hội đầu tư do Công ty Chứng khoán Bản Việt mới tổ chức, phần lớn các chuyên gia quốc tế trong ngành thống nhất đưa ra nguyên nhân: Một số khoản vay ra khỏi NH bản chất đã là nợ xấu, không phải đợi đến khi không trả được nợ.
Đặc biệt, các NH và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết, phụ thuộc lẫn nhau (sở hữu chéo) thì nguồn lực dễ bị phân bổ sai lệch, bất hợp lý, cho vay bất chấp các quy định về an toàn vốn, nợ xấu tất yếu sẽ tăng lên.
Ngoài ra, việc xử lý khối nợ xấu lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng đang bị "giăng tơ nhện" với các doanh nghiệp nhà nước, nếu làm dứt khoát có thể dẫn tới rất nhiều hậu quả rất nghiêm trọng.
Giải quyết cách nào?
Hiện NHNN đang hoàn thiện đề án thành lập Công ty Mua bán nợ Quốc gia (AMC) với nhiệm vụ chính trước mắt là tập trung xử lý nợ xấu của các NH. Dự kiến, vào giữa tháng 11/2012, NHNN sẽ trình bày đề án này trước Chính phủ để thống nhất ý kiến trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét.
Theo đó, AMC sẽ đặt dưới sự quản lý của NHNN bởi vì NHNN là đơn vị quản lý các NH và hiểu rõ vấn đề nợ xấu như thế nào và nằm ở đâu, cách xử lý như thế nào là phù hợp.
Tuy nhiên, theo TS. Vũ Đình Ánh: "Đã đến lúc đặt ra cơ chế xử lý nợ xấu ngay bằng cách tìm ra nguyên nhân chính gây ra nợ, thay vì loay hoay tìm giải pháp xử lý nợ khi nguyên nhân còn mù mờ".
Bàn về vấn đề này, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam chưa cần đến sự hỗ trợ của IMF vì thực tế tổ chức này chỉ phải hỗ trợ cho các hệ thống NH của các nước khi họ thiếu thanh khoản, còn hiện tại Việt Nam chưa gặp phải vấn đề này".
Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh Việt Nam phải nhanh chóng xử lý càng sớm càng tốt vấn đề nợ xấu vì càng chậm trễ thì chi phí và khó khăn càng tăng lên gấp bội.
Theo đó, NHNN nên có những tuyên bố cụ thể, giải quyết từ đâu, NH lớn hay nho, đồng thời cần có lộ trình rõ ràng, cần có những quy định quản trị rủi ro và có kế hoạch theo dõi việc giảm nợ xấu của các NH.
Bên cạnh đó, ông Sanjay Kalra đưa ra cách xử lý nợ xấu qua công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của NH. Giải pháp này cũng có điểm thuận lợi là công ty của NH nên có điều kiện hiểu rõ từng khoản vốn vay đối với khách hàng, trong khi đa số khoản vay dẫn đến nợ xấu này đều có tài sản thế chấp.
Khi chuyển nợ xấu cho AMC của NH, Công ty có thể chủ động, nhanh chóng tìm khách hàng để bán tài sản thu hồi vốn cho NH. Nhưng để AMC của NH xử lý nợ xấu hiệu quả, cần xây dựng cơ chế mua bán nợ rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia kiểm soát chặt chẽ của NHNN, để tránh tình trạng nợ xấu trên bảng cân đối của NH có thể giảm nhưng chất lượng nợ không thay đổi do không giải quyết tận gốc vấn đề.
"Việc thành lập AMC chưa hẳn là giải pháp hiệu quả ở Việt Nam hiện nay, nhưng đây cũng là một giải pháp đáng được xem xét vì các nước đã áp dụng thành công.
Cụ thể, khủng hoảng 1997 là cảnh báo đầu tiên cho vấn đề nợ xấu tại các nước, trong đó có Việt Nam. Nhiều quốc gia khác giải quyết chuyện nợ xấu là công ty mua nợ, trong đó, vai trò của chính phủ là rất lớn.
Ở Indonesia, Malaysia, chính phủ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu đề giải quyết từ từ", ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, tư vấn.
Theo ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam, Việt Nam cần phải xác định chính xác nguyên nhân nợ xấu rồi mới chạy theo để giải quyết nó. Hiện tại, cách thức giúp giải quyết vấn đề sở hữu chéo của các NH là tăng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các NH, để làm giảm sở hữu của một số thành phần khác.
Đồng thời, cũng phải cho phép họ tăng tỷ lệ nắm giữ vốn để điều hành NH và theo hướng tập trung vào vấn đề quản trị rủi ro và tái cấu trúc lại hoạt động, có như vậy mới giúp các NH yếu có cơ hội đi lên. Ngoài ra, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các NH cũng sẽ tạo ra sự minh bạch hơn.
Đây là giải pháp tốt cho việc giải quyết nợ xấu tại Việt Nam, nhưng nghịch lý đang tồn tại là nhà đầu tư nước ngoài gặp phải rất nhiều rào cản khi tham gia đầu tư vào các NH Việt Nam.
Chẳng hạn, vấn đề sở hữu chéo con số nợ xấu của NH rất khó biết. Nhiều khi bỏ tiền đầu tư vào NH nhưng lại không thể biết chủ sở hữu chính là ai.
Còn nợ xấu thì nhiều con số không được công bố, cuối cùng không biết con số chính xác là bao nhiêu. Hoạt động thực tế của NH ra sao thì báo cáo tài chính cũng không thể hiện cụ thể...
Như vậy, sở hữu chéo cổ phần giữa các NH khá phức tạp nhưng nếu NH nước ngoài có thể tham gia vào các NH Việt Nam thì việc sở hữu chéo sẽ giảm đi, giải quyết nợ xấu sẽ tốt hơn, như trường hợp HSBC tham gia vào Techcombank.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com