Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhu cầu vay vốn cuối năm vẫn nguội

Nhu cầu vay vốn cuối năm chưa tăng. Ảnh: Kinh Luân

Mặc dù đã hết tháng đầu của quí 4 nhưng nhu cầu vay vốn từ phía doanh nghiệp không có dấu hiệu tăng lên. Mặt khác, ngân hàng cũng ngày càng siết chặt hơn các quy định cho vay nên việc giải ngân vốn thực sự chưa nhiều.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn, tính hết 9 tháng, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 10% so với cuối năm 2011, con số này cũng không thay đổi dù đã hết tháng 10. Theo ông Tuấn, hiện tại cũng có một số doanh nghiệp liên hệ với ngân hàng để vay, nhưng rất nhiều trường hợp sau khi đã được duyệt hồ sơ thì doanh nghiệp lại không đến ngân hàng để giải ngân.

Ông Tuấn giải thích một phần do doanh nghiệp vẫn đang ngập ngừng về sức mua trong các tháng cuối năm, liệu có được như các năm trước, một phần do họ tính toán hơn, chỉ muốn giải ngân thêm một phần nhỏ để mua hàng hóa, vì còn dùng mùa cuối năm để giải phóng hàng tồn.

Theo ông Tuấn, trong thời gian qua, việc con số tồn kho của doanh nghiệp giảm, nhìn sơ thì đó là điều đáng mừng, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy doanh nghiệp đã hạn chế sản xuất mà chú trọng bán hàng tồn, và thường với giá rẻ, như vậy sự khởi sắc chưa có. Nếu tình hình còn tiếp diễn theo xu hướng này cho đến hết năm, thì ngân hàng cũng khó giải ngân tín dụng. Ông Tuấn cũng cho rằng sẽ mất rất nhiều thời gian nữa doanh nghiệp mới vực dậy được, vì vậy, trong cả năm sau, việc làm ăn, kinh doanh của ngân hàng sẽ không dễ dàng.

“Lãi suất không còn là vấn đề lớn. Ở OCB, lãi suất vẫn xoay quanh mức 11-15%/năm, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ, nhưng giải ngân cũng ít hơn nhiều so với cùng kỳ”, ông Tuấn nói thêm.

Trong khi đó, tại một ngân hàng lớn như Sacombank, Tổng giám đốc Phan Huy Khang cho biết, việc cho vay tăng trưởng mạnh nhất trong quí 3, đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng của Sacombank khoảng 8%. Tuy vậy, nhu cầu vốn cuối năm lại chưa thấy có dấu hiệu tăng, kể từ đầu tháng 10 đến nay ngân hàng giải ngân không nhiều.

Hiện tại Sacombank đang dự định sẽ triển khai gói cho vay sản xuất kinh doanh mùa tết, trong đó, thời gian cho vay là trong vòng 4 tháng, lãi suất 12%/năm. Nhưng với con số tăng trưởng tín dụng cả năm là 17%, ông Khang cho biết rất khó để đạt được.

“Cho vay được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu”, ông Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc HDBank trao đổi vớiThời báo Kinh tế Sài Gòn Online. Theo ông Trung, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, những con số chỉ tiêu không còn giá trị nhiều. Các ngân hàng cũng ráo riết tăng trưởng tín dụng để tìm được lợi nhuận. Nhiều ngân hàng có nợ xấu cao thì cũng cần nguồn tiền để trích lập dự phòng, vì vậy, vẫn muốn giải ngân. Nhưng thực tế, để tìm được doanh nghiệp tốt lại quá khó, tâm lý ngân hàng cũng thận trọng hơn, nên con số giải ngân cuối cùng sẽ khó đạt kỳ vọng.

Ông Trung cho biết khả năng năm nay tăng trưởng tín dụng của HDBank sẽ dừng ở 20%, chứ không đạt 30% như chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao.

Giám đốc chi nhánh một ngân hàng nhỏ tại TPHCM cho biết thường thì mùa cuối năm bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 cho đến hết tết âm lịch, nhu cầu vốn trong thời gian này vẫn cao hơn gấp 2- 3 lần so với các tháng khác trong năm. Nhưng cho đến thời điểm này rất ít hồ sơ nộp vào chi nhánh của bà để vay vốn, không tăng so với các tháng trước. Bà cho biết, việc này có 2 lý do, một là việc khó khăn thanh khoản hiện tại của chính ngân hàng bà khiến cho các điều kiện chọn lựa khách vay chặt chẽ hơn trước, ngân hàng chỉ ưu tiên cho vay các khách hàng cũ, tốt, còn lại thì không muốn giải ngân. Hai là chính bản thân doanh nghiệp cũng lo ngại việc kinh doanh khó khăn sẽ khiến việc trả nợ thêm nặng nề và họ không vay. Lãi suất cũng vì thế được nâng lên cao hơn giai đoạn tháng 7, tháng 8 một chút, hiện ở vào mức 15-17%/năm.

Còn nhân viên tín dụng chi nhánh Đồng Nai của một ngân hàng nhỏ khác cho biết trong thời gian này, việc xét duyệt hồ sơ vay của ngân hàng rất khó, nhân viên chi nhánh cũng phải lọc trước một lần để không bị trả về nhiều, khâu thẩm định cũng chặt chẽ và mất nhiều thời gian hơn. Cũng vì vậy, lượng khách hàng được vay không nhiều. Có khách hàng thấy việc thẩm định quá nhiêu khê cũng đã bỏ cuộc, không vay nữa.

Theo nhân viên này, thông thường những khách đến liên hệ với ngân hàng nhỏ thì đa phần là hồ sơ vay đã bị ngân hàng lớn hơn từ chối, vì lãi suất ngân hàng nhỏ cao hơn. Do đó, nhân viên tín dụng càng phải cẩn trọng. Vì nếu phát sinh nợ xấu thì bản thân nhân viên đã thẩm định hồ sơ phải lo đi đòi nợ trước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, hiện tại TPHCM đã chuẩn bị 200.000 tỉ đồng để cho vay sản xuất kinh doanh tết 2013. Đối tượng cho vay là doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng bán tết. Lãi suất sẽ từ 13%/năm trở xuống.

Ông Minh cho rằng, với việc giãn thời gian chấm dứt huy động và cho vay vàng sang tháng 6 năm 2013, cũng khiến cho tiền đồng không bị chuyển sang vàng quá nhiều, giúp thanh khoản của các ngân hàng bớt căng thẳng, vì vậy việc cho vay ra cũng dễ dàng hơn.

Ông Minh cũng nhận định, với các ngân hàng còn cho vay lãi suất 16-17% chủ yếu là các ngân hàng nhỏ, cho vay lãi suất này dành cho các đối tượng không khuyến khích như bất động sản, chứng khoán. Hiện tại, dư địa để tăng trưởng tín dụng của TPHCM còn lớn, đến 25-10, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 2,2%, trong khi mục tiêu đến cuối năm nay là 8-10%.

(TBKTSG Online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Bong bóng và nợ xấu: Có lỗi của 'đại gia'?
  • Chưa dứt nợ xấu, ngân hàng khó tái cấu trúc
  • FED khởi động 'cuộc chiến tiền tệ' mới?
  • Có nên tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ 2013?
  • Thâu tóm Sacombank: Vòng quay thứ hai
  • Nợ xấu tại sao hấp dẫn?
  • Tăng trưởng tín dụng không phải là con đường duy nhất
  • Ngừng huy động vàng: Điều gì sẽ xảy ra?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!