Với kỳ vọng hoàn tất được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra, khi thời gian còn lại của năm không còn nhiều, các nhà băng đang ra sức tiếp thị vốn vay. Trong đó, mảng tín dụng được các nhà băng quan tâm nhiều chính là tài trợ vốn cho doanh nghiệp ở lĩnh vực xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có chiều hướng được cải thiện tích cực, vì áp lực lãi suất thỏa thuận còn cao. Đồng thời, thị phần xuất khẩu bị ảnh hưởng khiến doanh nghiệp còn e ngại trong tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) dành 1.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, tài sản đảm bảo linh hoạt cho doanh nghiệp ngành gỗ. Lãnh đạo VIB cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, Ngân hàng đã dành ra ngân khoản trên để tài trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ.
Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nhập khẩu nguyên liệu được phát hành L/C với tỷ lệ ký quỹ linh hoạt, có thể bằng 0%; được ưu đãi tài trợ xuất khẩu trước và/hoặc sau khi giao hàng với các sản phẩm đa dạng, tỷ lệ có thể đến 95% theo hình thức L/C; chủ động theo dõi trực tuyến nguồn tiền xuất khẩu về tài khoản, các giao dịch tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, mở L/C qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến VIB4U... Đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ mở tài khoản và giao dịch thanh toán quốc tế qua VIB trước ngày 31/12/2010 được hưởng phí dịch vụ ưu đãi giảm tới 20%.
Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu về đích năm 2010, với ngân khoản vốn hỗ trợ lên đến 100 triệu USD và mở rộng đối tượng khách hàng tham gia gồm các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng phương thức thanh toán L/C (trả ngay, trả chậm không quá 90 ngày), D/P (nhờ thu trả ngay), T/T hoặc doanh nghiệp sử dụng sản phẩm bao thanh toán xuất khẩu. Ngoài ra, ACB còn dành 50 triệu USD cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, với lãi suất cạnh tranh.
Ông Nguyễn Hữu Đặng, quyền Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM cho hay, lãi suất cho vay thỏa thuận VND mà Ngân hàng đang áp dụng chỉ ở mức 11,5%/năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vay vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, công nghệ, phương tiện vận tải phục vụ mục đích kinh doanh; các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu có thỏa thuận tập trung doanh số thanh toán về tài khoản tại HDBank và bán lại cho Ngân hàng các nguồn thu phát sinh bằng ngoại tệ.
Bên cạnh đó, HDBank điều chỉnh giảm lãi suất vay đối với một số đối tượng khách hàng khác. Cụ thể, lãi suất cho vay thỏa thuận giảm 0,5 - 1%/năm, ưu đãi tối đa cho các khoản vay tài trợ hàng xuất nhập khẩu và không cần tài sản đảm bảo, miễn giảm các phí dịch vụ, thời gian giải quyết hồ sơ và giải ngân nhanh chóng.
Ông Đặng còn cho biết, để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm, HDBank sẽ dành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho DNVVN. Với các chương trình tài trợ vốn ưu đãi này, HDBank sẽ đáp ứng đa dạng nhu cầu vốn của khách hàng, từ vay bổ sung vốn lưu động đến vay dài hạn đầu tư mua sắm thiết bị, xây dựng nhà xưởng, thời hạn vay linh hoạt từ 1 năm đến 10 năm.
Ngân hàng An Bình (ABBank) vừa thành lập Trung tâm tài trợ DNVVN cung cấp dịch vụ một cách chuyên biệt như: tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng, dịch vụ bảo lãnh trong và ngoài nước, thanh toán quốc tế.... Đồng thời, để giải quyết vấn đề thường gặp của các DNVVN là thiếu tài sản đảm bảo khi vay vốn, ABBank đưa ra gói tài trợ tín chấp dựa trên hợp đồng cung cấp, thi công và nguồn thu mà các doanh nghiệp đã ký với hơn 200 công ty lớn nằm trong danh mục được ABBank đồng ý.
Tuy nhiên, theo dự báo của các lãnh đạo ngân hàng, khả năng tăng trưởng dư nợ từ nay đến cuối năm sẽ không lớn và khó được như cùng kỳ năm trước. Căn cứ số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 12,96% trong 7 tháng đầu năm nay so với mục tiêu tăng trưởng dư nợ 25% cho cả năm 2010, nên dư địa cho vay từ nay đến cuối năm còn nhiều. Nhưng các dự báo đưa ra, hệ thống ngân hàng sẽ gặp không ít khó khăn để cán đích ở con số 25% vào cuối năm. Một phần là do áp lực lãi vay thỏa thuận còn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu đang đối diện khủng hoảng nợ, ít nhiều tác động đến việc ngừng hoặc giảm nhập khẩu một số loại hàng hóa. Điều này tác động tiêu cực đến một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com