Chẳng cần đến chính phủ Trung Quốc tiếp sức, nhân dân tệ vẫn sẽ thống trị kinh tế thế giới trong tương lai. Tác giả bài viết là TS. Virendra Singh, Giám đốc phụ trách dự báo và mô hình kinh tế vĩ mô toàn cầu tại Moody’s Analytics.
Khi đôla Mỹ đang trong xu hướng mất giá còn euro bị đe dọa bởi các vấn đề về ngân sách ở Châu Âu, nhân dân tệ Trung Quốc (RMB) lại nổi lên với vai trò đồng tiền quốc tế trong tương lai.
Tuy mới miễn cưỡng và có tính chất thăm dò nhưng có lẽ Trung Quốc đang dần cho phép sử dụng RMB nhiều hơn trong thương mại và tài chính quốc tế. Một số nhà quan sát đã gọi đồng tiền của Trung Quốc là “đồng bạc đỏ”, ám chỉ nó có thể trở thành đồng tiền quốc tế sánh với “đồng bạc xanh” của Mỹ.
Siêu cường quốc tế
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã trở thành một động lực cho kinh tế thế giới nhưng đồng tiền của nước này vẫn bị kiểm soát chặt chẽ. Các nhà xuất nhập khẩu có thể đổi RMB để thanh toán các giao dịch thương mại hàng hóa trong giới hạn cho phép, nhưng giới đầu tư gần như không thể giao dịch các tài sản tài chính bằng RMB. Kết quả là, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tích trữ gần 2,6 nghìn tỷ đôla ngoại hối, cao nhất thế giới.
Do đó, chính sách tài chính tiền tệ của Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế toàn cầu. Trung Quốc vốn đã là một trong những nhà đầu tư và cho vay lớn nhất thế giới; ngân hàng và doanh nghiệp nước này là nhà đầu tư chính ở cả Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latin.
Trung Quốc là nguồn tín dụng ưu đãi lớn của các nước đang phát triển. Đầu tư và vốn vay từ Trung Quốc đang làm hồi sinh lục địa đen vốn từ lâu vẫn chìm trong quên lãng. Bất kỳ sự biến động nào của đồng RMB cũng như lãi suất tại Trung Quốc cũng khiến thị trường tài chính nổi sóng.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đợt suy thoái sau đó đe dọa hủy hoại trật tự tiền tệ quốc tế toàn cầu, vốn trước đó do đôla Mỹ và euro thống trị. Nó châm ngòi một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà hoạch định chính sách về tương lai của đồng RMB.
Một mặt, các nhà kinh tế học định lượng, phần lớn được đào tạo ở phương Tây, cho rằng nên dần tiến tới chỗ thả nổi và cho phép RMB được tự do chuyển đổi. Mặt khác, các nhà kinh tế chính trị xem bất kỳ sự nới lỏng kiểm soát tiền tệ nào của nhà nước đều là nguy cơ đối với kinh tế Trung Quốc. Họ dẫn ra Hiệp định Plaza từng mở đường cho bong bóng kinh tế Nhật Bản và cuộc khủng hoảng sau đó vào cuối những năm 1980.
Cứ từ từ mà tiến
Trung Quốc đang khéo léo dọn đường cho đồng tiền của mình. Năm 2009, nước này có động thái đầu tiên tiến tới việc cho phép tự do chuyển đổi RMB khi đề xướng các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các đối tác thương mại chính (trừ Mỹ và khu vực đồng tiền chung Châu Âu) giữa lúc cao trào của khủng hoảng tài chính. Khi ấy tín dụng thương mại gần như không tồn tại nên những thỏa thuận hoán đổi này được sử dụng để thay thế đồng đôla trong vai trò đồng tiền cho tín dụng thương mại.
Gần đây, Trung Quốc đi bước tiếp theo trong quá trình tự do hóa chính sách hối đoái: thành lập một thị trường giao dịch bằng đồng RMB ở nước ngoài, trong khi vẫn duy trì độc quyền hối đoái ở trong nước. Kể từ tháng 7, khi các ngân hàng và cá nhân được phép giao dịch bằng RMB ở nước ngoài, khối lượng của những giao dịch như thế đã tăng lên gần 400 triệu đôla/ngày.
Tiền gửi bằng RMB ở Hong Kong cũng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh chóng lên 40 tỷ đôla trong năm tới. Con số này vẫn rất nhỏ nếu so với 4.000 tỷ đôla vẫn được giao dịch hàng ngày bằng euro, đôla và yên. Tuy vậy, giao dịch bằng RMB tăng trưởng nhanh chóng là điều rất đáng chú ý.
Tự do tài khoản vốn
Trong một động thái nhiều ý nghĩa khác, chính phủ Trung Quốc đã mở cửa thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh. Thị trường này vẫn nhỏ, với khoảng 298 triệu đôla giá trị so với 30.000 tỷ đôla trên toàn cầu, nhưng tương lai lại cực kỳ hứa hẹn.
Vì các quy định về phá sản không rõ ràng của Trung Quốc vẫn cản trở sự phát triển của thị trường này nên chính phủ cũng đang làm việc để pháp điển hóa và khiến chúng giống với các nước phương Tây hơn.
Mở rộng thị trường chứng khoán nợ nội địa và tăng giao dịch bằng đồng RMB ở bên ngoài Trung Quốc là những bước nhỏ để tiến tới biến RMB thành trung gian thanh toán cho tài chính và thương mại toàn cầu.
Chính phủ cũng vẫn có thể đảo ngược quá trình này nếu họ lo ngại không kiểm soát nổi tỷ giá và lãi suất. Nhưng một khi đã bước xuống con đường tự do hóa, khó có thể quay đầu lại. Một số nhà phân tích cho rằng trong thế kỷ này RMB thậm chí có thể thay thế đôla trong vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế.
Ôn cố tri tân
Sự nổi lên của Đế chế Anh đánh dấu lần cuối cùng một đồng tiền thống trị mà không cần đến chiến tranh thế giới (mặc dù cũng có một vài cuộc xung đột và giết chóc ở bên ngoài Châu Âu).
Từ một công ty nhỏ ở Anh và Hà Lan, Công ty Đông Ấn dần trở thành đế chế thương mại lớn nhất và giàu có nhất thời kỳ đó. Điều này biến Bảng Anh trở thành đồng tiền thống trị toàn cầu, cho đến khi hai cuộc chiến tranh thế giới dọn đường cho sự nổi lên của đôla Mỹ.
RMB đang nối bước mô hình của Công ty Đông Ấn. Trung Quốc đang áp đảo trong thương mại toàn cầu. Giống Công ty Đông Ấn, thương nhân Trung Quốc có một nhà nước hùng mạnh đứng sau lưng.
Tuy vậy, với vô số các công cụ tài chính và nhu cầu không ngừng tăng đối với RMB từ giới đầu tư và doanh thương quốc tế, có lẽ chẳng cần đến sự hà hơi tiếp sức từ phía nhà nước, RMB vẫn đạt được vị thế thống trị nền kinh tế thế giới trong tương lai.
( Dân trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com