Có ngân hàng tăng đến hơn 50 lần số nợ có khả năng mất vốn so với cuối năm 2011 trong khi hầu hết các nhà băng lớn có khoản nợ nhóm này tăng gấp đôi.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm cuối tháng 10, nợ xấu của toàn hệ thống chiếm khoảng 8,8 - 10% trên tổng dư nợ và tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại kể từ sau tháng 6 cho tới nay. Cuối năm 2011, tỷ lệ nợ xấu mới dừng ở mức 3,05%.
Còn theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng đều tăng trong 9 tháng qua. Nợ xấu đặc biệt tăng mạnh tại các ngân hàng như Vietcombank từ 2% lên 3,21%; của ACB từ 0,9% lên 2,1%; của Sacombank từ 0,57% lên 1,4%; của BaoVietBank từ 4,56% lên 6,13%; của NaviBank từ 2,92% lên 3,97%.
Một số ngân hàng tuy nhiên giữ được tốc độ nợ xấu tăng không quá mạnh, như ở Techcombank từ 2,82% lên 2,94%; của KienLongBank từ 2,77% lên 2,78%. Riêng ngân hàng PGBank giảm được nợ xấu từ 3,06% cuối năm ngoái xuống còn 2,96%.
Đáng lưu ý trong bức tranh nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua là nhóm nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) mà ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro 100%.
Theo báo cáo tài chính, hiện nay tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn trên dư nợ cho vay khách hàng của BaoVietBank đang ở mức cao nhất với 2,93%, tiếp đến là của LienVietPostBank với 1,46%; của Vietcombank là 1,42%; của BIDV là 1,22%; của MB là 1,07%; của KienLongBank là 1,36%.
Nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng khác trong khi đó cũng xấp xỉ mức 1% trên dư nợ cho vay khách hàng như Vietinbank là 0,86%; của Techcombank 0,99%; của ACB là 0,81%; PGBank 0,83%...
Tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn trên dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/9 (data: BCTC/CafeF) |
Về con số cụ thể, ngân hàng BIDV có khoản nợ có khả năng mất vốn cao nhất, lên tới 3.984,4 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9; của Vietcombank cũng hơn 3.200 tỷ; của Vietinbank là 2.578 tỷ đồng. Ngân hàng ACB hiện có 829,1 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn; MB có 629,4 tỷ; Techcombank là 610,8 tỷ...
So với thời điểm cuối năm 2011, nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng đặc biệt tăng rất mạnh, ngoại trừ KienLongBank giảm gần 4%. Có thể kể đến một số cái tên như LienVietPostBank tăng đến 53 lần so với cuối 2011 (từ 4,48 tỷ lên 243,8 tỷ); của BaoVietBank tăng hơn 6 lần từ 23,5 tỷ lên hơn 170 tỷ.
Một số khác cũng có mức tăng nợ nhóm 5 khá mạnh như tại Techcombank là 1,7 lần; của ACB gần 1,8 lần; Sacombank hơn 1,5 lần, Vietinbank 1,82 lần Ngân hàng Vietcombank tăng nợ nhóm 5 thêm 41%; của MB tăng 33,5%; của Navibank tăng 79%,
Tuy nhiên, triển vọng nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng sẽ tăng chậm lại trong quý 4 năm nay khi ngay từ quý 3 vừa qua, các ngân hàng đã bắt đầu đẩy mạnh tự xử lý nợ xấu bằng cách tăng đòi nợ, giãn nợ, khoanh nợ cho các đối tượng khách hàng.
Thống đốc NHNN mới đây cũng cho biết đã hoàn thành phương án xử lý nợ xấu và sẽ trình lên Chính phủ, Bộ Chính trị trước ngày 15/11. Kỳ vọng theo phương án này, nợ xấu toàn hệ thống sẽ giảm còn 3% vào năm 2015.
Theo VEF, TTVN
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com