Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Điều hành chính sách tài chính, tiền tệ: Chủ động ngăn ngừa lạm phát

Với cách thức tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đầu tư như hiện nay cùng việc hàng loạt các mặt hàng tăng giá, áp lực lạm phát cao năm nay rất lớn và sẽ là bài toán khó cho việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ. Nhiều chuyên gia đã có chung nhận định như vậy tại hội thảo “Áp lực lạm phát và chính sách tài chính-tiền tệ” diễn ra cuối tuần qua.

Xăng tăng giá liên tục trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân kéo theo hàng loạt các mặt hàng tăng giá. Ảnh: ANH TUẤN

Áp lực lớn từ giá cả, dòng vốn kích cầu

Xăng, dầu, điện, cước vận tải… tăng giá ngay từ đầu năm. Cùng với đó là độ trễ của các nhân tố gây lạm phát từ năm trước như tốc độ tăng tín dụng quá lớn, một lượng đầu tư lớn năm 2009 từ các “gói” kích thích kinh tế và kích cầu tiêu dùng chưa tạo được hiệu ứng rõ rệt ra hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và sức mua của xã hội. Trong khi đó, lại tạo ra những vòng đầu tư, đầu cơ lòng vòng trong nội bộ thị trường tài chính và bong bóng hóa thị trường bất động sản, góp phần đẩy hệ số ICOR lên trên 8 đồng đầu tư cho một đồng tăng trưởng, trong đó có trên 7 đồng tín dụng cho một đồng GDP. Theo TS. Nguyễn Đại Lai, các nhân tố trên đang nằm trong chuỗi ngày “ủ bệnh” để bùng phát của CPI. “Nếu không nhận diện, chủ động và có đối sách kịp thời, việc bùng phát tái lạm phát hoặc kịch bản xấu năm 2008 sẽ diễn ra…” - ông Lai nhận định.

TS. Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng áp lực lạm phát năm nay rất lớn, nhưng để dự báo chính xác cần có những dữ liệu đầy đủ, minh bạch. Năm 2009, kết quả thu ngân sách vượt dự toán cho dù Chính phủ đã áp dụng hàng loạt chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế… Trong khi đó, nguồn thu ngân sách rất lớn là mặt hàng dầu thô khi lập dự toán 70USD/thùng nhưng trên thực tế có những thời điểm giá dầu thô xuống rất thấp, dưới 40USD/thùng.  

Ở góc độ khác, ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Sài Gòn-Hà Nội, nhìn nhận trên thế giới lạm phát luôn có yếu tố tiền tệ, nhưng ở Việt Nam yếu tố lạm phát tâm lý và lạm phát phi tiền tệ lại khá mạnh. Lạm phát tâm lý thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp, người bán hàng không căn cứ vào yếu tố chi phí đầu vào của mình để tăng giá bán hợp lý, hoặc tìm mọi cách tăng giá bán của mình để duy trì biên lợi nhuận không đổi mà không tính đến yếu tố thị trường hay yếu tố cung cầu hàng hóa. Với kiểu lạm phát phi tiền tệ như thế này, việc sử dụng các các công cụ tiền tệ rất khó có thể đạt được mục tiêu.

Hài hòa tăng trưởng và lạm phát

Đề dẫn về những thách thức hiện nay, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng áp lực chính sách tiền tệ là áp lực ổn định từ kinh tế vĩ mô. Từ năm 2007 đến năm 2009 bản chất chính của nền kinh tế vẫn là lãi suất. Trong điều hành chính sách tiền tệ có một khó khăn là cân bằng lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ để làm sao người dân tin vào nội tệ. Vì thế nếu không giám sát tốt giữa USD và VNĐ, trong quý III và IV thị trường ngoại hối sẽ rất căng thẳng. Cũng theo ông Thành, giảm được lạm phát xuống thấp trong thời gian ngắn rất khó. Điều này phải tính rõ ràng mục tiêu cụ thể trước mắt, chính sách không nên “ôm” nhiều thứ và phải xem xét cân đối hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát.

Theo ông Ánh, chính sách tài khóa trong ngắn hạn là giữ vững mức động viên vào ngân sách khoảng 1/4 GDP để không tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, giảm đến mức tối thiểu và tiến tới xóa bỏ sự phân biệt về thành phần kinh tế trong cả thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách cũng như thụ hưởng các khoản chi ngân sách. Ưu tiên thứ hai là giảm mức độ thâm hụt. Trước mắt, chấm dứt chính sách nới lỏng tài khóa, nhất là nới lỏng thông qua tăng chi đầu tư phát triển, đồng thời xúc tiến chương trình cơ cấu lại chi ngân sách. “Mức độ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát ở nước ta có quan hệ biện chứng với tốc độ tăng tín dụng, tuy có một độ trễ nhất định. Vì vậy, không nhất thiết phải kìm giữ tốc độ tăng tín dụng năm 2010 ở mức 25% mà có thể lên mức 30%. Vấn đề quan trọng là hướng nguồn vốn tín dụng tới những khu vực kinh tế thật sự có hiệu quả trong trung-dài hạn, tránh chạy theo hiệu quả kinh tế ngắn hạn (chứng khoán, bất động sản...) có thể tạo ra “bong bóng” và gia tăng nợ xấu” - ông Ánh nhận xét.

Trình bày quan điểm của mình về chính sách tiền tệ, ông Lai cho rằng cần đổi mới cơ chế lãi suất, tỷ giá theo lộ trình thích hợp và tích cực. Chẳng hạn, cùng với việc cho vay thỏa thuận khoản ngắn hạn, tiến tới thỏa thuận hóa hoàn toàn lãi suất đầu ra, Chính phủ cho dỡ bỏ cơ chế khống chế lãi suất tín dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản; xóa hoặc định nghĩa lại lãi suất cơ bản ghi vào luật mới đang sửa. Có như vậy sẽ hạn chế được tối đa các hành vi lách chính sách, giúp hài hòa lợi ích người vay lẫn NH; các NH cũng sẽ không dám liên kết đẩy lãi suất cho vay lên quá cao vì sẽ mất khách hàng. “Cạnh tranh lành mạnh bao giờ cũng đẩy lãi suất xuống, lợi cho người vay; thị trường sẽ tạo ra một đường cong lãi suất  thích hợp theo cơ chế lan tỏa của nghiệp vụ NH Trung ương” - ông Lai nói.


(Theo Hà My/SGGP online)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Cuộc đua giảm lãi suất cho vay bắt đầu
  • Nhiều doanh nghiệp "chuyển hướng" sang vay ngoại tệ
  • Thay đổi mô hình tăng trưởng
  • Linh hoạt trong chính sách tiền tệ: Bài toán hóc búa
  • Có thể giảm lãi suất đến mức nào?
  • Rất có thể không hoàn thành mục tiêu huy động vốn trái phiếu chính phủ
  • Vốn cho xuất khẩu lao động: Ngân hàng và lao động đều khó?
  • Đồng thuận vì ai?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!