Thi công dự án đường cao tốc ở Hà Nội. |
Phân tích về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010, tại cuộc nói chuyện vào tuần rồi trước các nhà đầu tư chứng khoán ở TPHCM TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói rằng ông vẫn chưa thật an tâm với các giải pháp vĩ mô đề ra.
“Những miếng thịt nạc ngon đã ăn hết trong 2009 rồi, năm nay chỉ còn xương xẩu. Cho nên, năm 2010 sẽ là năm hết sức khó khăn” - TS. Cung ví von. Ý ông nói rằng mặc dù nhiều ý kiến dự báo kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu phục hồi nhưng nói thẳng ra việc phục hồi ấy chưa phải đã thật vững chắc. Các chỉ dấu phục hồi đạt được chủ yếu nhờ các gói kích thích quốc gia chứ không phải nhờ vào đầu tư thương mại của tư nhân và sẽ rất mong manh khi không còn các gói kích thích nữa. Hơn nữa, mức độ phục hồi hãy còn khiêm tốn, được các chuyên gia đánh giá là chỉ mới đạt ở mức 2008 và thua xa các năm trước khủng hoảng. Điều này đối với Việt Nam lại càng gây khó khăn bởi mức độ phục hồi của ba thị trường xuất khẩu chủ lực gồm Mỹ, EU, Nhật vẫn còn chậm và thấp.
Nhưng đáng lo ngại nhất vẫn là những bất ổn mang tính “nội sinh” của kinh tế vĩ mô chưa được giải quyết triệt để. Theo ông Cung, trong bối cảnh như vậy mà vẫn tiếp tục chạy theo tăng trưởng là không ổn.
“Cách làm ấy hoàn toàn không có gì mới so với trước nay. Tôi cam đoan rằng chỉ cần bằng hàng loạt dự án đã đầu tư trong năm qua, không cần bổ sung thêm nữa, không cần làm gì cũng có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% như chỉ tiêu đã đề ra” - ông Cung khẳng định.
Mô hình tăng trưởng thiên về chạy theo số lượng và tốc độ tạo nên áp lực liên tục đòi hỏi phải gia tăng vốn đầu tư ở mức rất cao vì có tăng cao thì mới đạt được mục tiêu.
Hậu quả của cách làm này là hàng loạt các yếu tố của kinh tế vĩ mô không được đảm bảo, ví dụ như mất cân đối càng trở nên nghiêm trọng giữa tiết kiệm và đầu tư; bội chi ngân sách cao; thâm hụt thương mại... Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả đầu tư sa sút, dư địa gia tăng vốn đầu tư gần như đã đến “ngưỡng”, khiến cho cân đối vĩ mô luôn ở trong một vòng tròn luẩn quẩn, bất ổn triền miên.
Theo ông Cung, cần có sự thay đổi trong cách thức phát triển. Chỉ có thay mô hình tăng trưởng chạy theo số lượng, chỉ tiêu bằng tăng trưởng dựa trên chất lượng, hiệu quả thì mới hướng đến giải quyết những vấn đề căn bản của nền kinh tế Việt Nam và từ đó mới có thể thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn của tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô.
Việc đầu tiên là phải giảm thâm hụt ngân sách. Bội chi ngân sách hiện nay rất cao, thậm chí có chuyên gia đưa ra con số đến 10% trong khi theo thông lệ phải dưới 3% GDP thì mới an toàn. Như vậy, chỉ tiêu 6,2% như kế hoạch của Chính phủ cũng vẫn còn quá cao. Giảm thâm hụt ngân sách sẽ là một mũi tên bắn trúng hai đích vì có giảm thì chính sách tiền tệ mới nới lỏng được, tức là mới có tiền để cung nhiều hơn cho khu vực tư nhân - khu vực vốn có hiệu quả hơn khu vực nhà nước.
Mặt khác, muốn giảm thâm hụt ngân sách thì phải cắt giảm đầu tư công, buộc khu vực nhà nước phải điều chỉnh để hoạt động hiệu quả và bằng cách đó đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là biện pháp có tính then chốt, được đề cập nhiều nhưng “quả thực rất khó thực hiện ở nước ta vì cắt giảm là đồng nghĩa với bị cắt giảm lợi ích”.
Tuy nhiên, nếu không cắt giảm ngân sách, nếu Chính phủ vẫn gia tăng đầu tư, vẫn huy động vốn thì chẳng những kinh tế vĩ mô khó thoát khỏi vòng luẩn quẩn bất ổn mà còn tạo ra một tình trạng hết sức nghịch lý là khu vực tư nhận phải gánh chịu tất cả những chi phí do việc điều chỉnh kinh tế vĩ mô trong khi khu vực đầu tư công về căn bản không chịu ảnh hưởng. Ví dụ như việc nâng lãi suất, thắt chặt tín dụng, tiếp cận vốn...
Tương tự, theo ông Cung, đặt chỉ tiêu thâm hụt thương mại ở một mức nào đó vẫn chưa thể tạo ra một bước ngoặt thật sự cho việc giải quyết tình trạng mất cân đối triền miên bấy lâu nay. Thâm hụt tài khoản vãng lai cũng có nguyên nhân từ việc chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng. Vì đầu tư lớn thì nhập khẩu nhiều, tạo gia tăng áp lực rất lớn về nhu cầu ngoại tệ. Có ý kiến cho rằng nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa nên thâm hụt thanh toán là chuyện đương nhiên.
Theo ông Cung, ý kiến này chưa đúng vì Việt Nam đã từng có năm có thặng dư hay như Trung Quốc cũng công nghiệp hóa nhưng thặng dư của họ rất cao. Chung quy cuối cùng vẫn là ở cách thức tăng trưởng. Nếu không chạy theo số lượng và đồng thời chất lượng tăng trưởng được đặt lên hàng đầu thì việc nhập khẩu sẽ được tính toán hợp lý, hiệu quả, tài khoản vãng lai do đó cũng sẽ được điều hòa, cân đối.
Về lạm phát, ông Cung cho rằng, với diễn biến của thị trường như vừa qua thì chỉ tiêu 7% như kế hoạch của Chính phủ đề ra cũng khá là mong manh. Ông nghiêng về khả năng chỉ số lạm phát có thể sẽ lên đến 11% như dự báo của IMF. “Ở các năm trước, thông thường hai tháng đầu năm CPI giảm thì CPI cả năm sẽ giảm và ngược lại. Trong khi ba tháng đầu năm 2010 CPI đã 4,1% rồi, khả năng lạm phát đi xuống là rất khó”.
Điều này cũng trùng hợp với một phân tích của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Fulbright tại Việt Nam, cho thấy biểu đồ tăng tín dụng thường đi liền với tăng lạm phát và lạm phát sẽ tăng cực đại sau thời điểm tín dụng tăng cực đại khoảng 5-7 tháng. Nếu theo phân tích trên thì có thể từ tháng 4-2010 trở đi lạm phát sẽ còn tiếp tục tăng mạnh vì thời điểm tín dụng tăng cực đại của năm trước rơi vào tháng 11-2009. Ngoài ra, từ đầu năm 2010 đến nay việc điều chính tăng một loạt mặt hàng thiết yếu như xăng, điện và tăng lương cơ bản cũng là những yếu tố góp phần làm gia tăng lạm phát.
(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com