Nhìn vào diễn biến thị trường tiền tệ thời gian qua, vấn đề nhiều người quan tâm là chính sách tiền tệ (CSTT) nghiêng về hỗ trợ tăng trưởng sẽ ổn định... bao lâu? Lộ trình lãi suất thời gian tới sẽ như thế nào? Quan trọng nhất, thay vì đưa ra các biện pháp tình thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải làm gì để "hạ nhiệt" lãi suất (LS)?...
Tạm thời "hạ nhiệt"
Hai tuần sau những động thái đầu tiên của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) bắt đầu đưa ra cam kết LS cho vay với mức thấp hơn nhiều so với một tháng trước để gỡ khó cho doanh nghiệp (DN). Đi đầu là các NHTM quốc doanh lớn với mức LS cho vay VND tối đa trong thời gian tới là 14,5%/năm đối với LS trung và dài hạn, 14%/năm đối với LS cho vay ngắn hạn. Riêng khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa được áp mức LS tối đa 13%/năm. Các NHTM cổ phần công bố mức cho vay cao hơn, đến 16%. Đồng thời, các NHTM cũng đồng loạt giảm LS huy động. Sau khi đưa ra mức LS huy động gần "đụng" 12%/năm, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm còn 11,5%/năm, dù vẫn còn một số ngân hàng huy động trên 11,5%/năm hoặc duy trì hình thức thưởng, cộng LS và khuyến mãi bằng hiện vật (Hiệp hội Ngân hàng khuyến cáo nên bỏ). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mặt bằng LS huy động sẽ không chỉ sớm điều chỉnh xuống cho phù hợp với thị trường... Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các ngân hàng nên tính toán lại LS huy động ở các kỳ hạn gửi ngắn để bảo đảm gửi ngắn LS thấp, gửi dài hạn cao hơn.
Minh họa: Lâm Thao |
Thực tế cho thấy, sau khi NHNN cho phép mở rộng cơ chế thỏa thuận LS cho vay và chủ trương để LS huy động tự điều chỉnh theo cung cầu thị trường, các NHTM đồng loạt đưa LS lên cao để khuyến khích khách gửi tiền. Nhưng khi thị trường dần ổn định, LS huy động sẽ giảm dần. Các ngân hàng cũng phải theo xu hướng chung và sớm có điều chỉnh bởi hiện nguồn vốn đã dồi dào hơn. Tính thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện. Theo thống kê của NHNN, từ ngày 9 đến 15-4, LS giao dịch VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng giảm từ 0,22% đến 0,75% đối với hầu hết kỳ hạn. Trong đó, LS kỳ hạn 3 tháng giảm mạnh nhất, từ 11,56% xuống còn 10,81%, tiếp đến là kỳ hạn một tháng giảm từ 10,18% xuống còn 9,48%.
Thị trường tiền tệ có chuyển biến tương đối tích cực, ổn định và minh bạch hơn. Mức tăng tín dụng nửa đầu tháng 4 đã khả quan hơn quý I.
Áp lực tái lạm phát
Nhìn vào thực tế diễn biến thị trường tiền tệ, vấn đề được nhiều người quan tâm là thay vì đưa ra các biện pháp tình thế, NHNN cần phải làm gì để hạ nhiệt LS?
Thời gian qua, NHNN đã hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM thông qua nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn. NHNN cũng tăng thêm phiên giao dịch thông qua nghiệp vụ thị trường mở lên 2 phiên một ngày. Theo các chuyên gia kinh tế, mức LS mà DN chịu đựng được hiện khoảng 12-13%/năm. Song, muốn LS thị trường giảm sâu hơn, cần phải "pha loãng" nguồn vốn giá cao đã huy động thời gian trước. Muốn vậy, bên cạnh nghiệp vụ thị trường mở, NHNN cần xem xét hạ thấp LS tái chiết khấu, LS tái cấp vốn, thậm chí hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng LS tiền gửi dự trữ bắt buộc và hỗ trợ thêm nguồn vốn giá rẻ. Mặc dù vậy, không nên để các NHTM quá ỷ lại vào NHNN bởi tình trạng khó khăn trong huy động vốn một phần do chính các NHTM tự làm khó mình và làm khó nhau. Việc chạy đua LS, nắn thẳng đường cong LS không làm tăng nguồn vốn chảy vào ngân hàng mà chỉ tạo ra tâm lý ngắn hạn, kỳ vọng tăng LS cho người gửi tiền và gây bất ổn cho cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng.
Lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm để gỡ khó cho các doanh nghiệp cần vốn vay. Ảnh: Linh Tâm |
Để có thể hạ được LS đầu ra, bên cạnh việc tiết giảm chi phí hoạt động, tất yếu các NHTM phải tính toán lại huy động vốn. Trước hết, phải sớm chấm dứt tình trạng chạy đua khuyến mãi huy động. Thứ hai, phải "bắt tay nhau" xây dựng biểu LS huy động theo đúng đường cong LS và phù hợp với diễn biến nền kinh tế.
Chỉ có đồng thuận, các NHTM mới có thể thành công.
Một câu hỏi khác cũng đang được quan tâm là liệu chính sách tiền tệ (CSTT) nghiêng về hỗ trợ tăng trưởng sẽ ổn định... bao lâu?
Với chủ trương hạ mặt bằng LS như hiện nay, cùng thông tin NHNN sẽ tiếp tục giảm một số LS công bố, có thể thấy CSTT đang nới lỏng có mục tiêu tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ các tổ chức tín dụng và có thể chấp nhận một mức lạm phát không quá cao. Song CSTT nghiêng về hỗ trợ tăng trưởng sẽ đảo chiều khi nào?
Tới thời điểm này, dù chủ động kiềm chế nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để thực hiện hai mục tiêu kiềm chế nhập siêu và lạm phát. Đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát (cả năm không quá 7%) tính theo giá tiêu dùng (CPI), thực tế cho thấy chỉ mới hết quý I, CPI đã tăng 4,1%. Để thực hiện được mục tiêu cả năm thì 9 tháng cuối năm chỉ được phép tăng tổng cộng không quá 2,9%; tức là, bình quân mỗi tháng chỉ được phép tăng 0,3%- quá thấp so với mức tăng bình quân 1,36% ba tháng đầu năm. Đây là điều chưa bao giờ đạt được trong nhiều năm gần đây. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2010 so với cùng kỳ năm 2009 tăng 7,62%; so với tháng 12-2009 đã tăng 1,36%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm 2010 so với quý I năm 2009 tăng 8,51%... Quan ngại nêu trên có cơ sở. Hơn nữa, nền kinh tế thế giới tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng sự hồi phục đang bắt đầu. Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,1% vào năm 2010 sau khi đã suy giảm 1,1% năm 2009. Kinh tế thế giới tăng trưởng, giá các mặt hàng đầu vào mà Việt Nam phải nhập khẩu, đặc biệt là xăng, dầu, sẽ tăng. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa quyết định tăng lương cơ bản đối với lao động khu vực Nhà nước…
Chỉ cần một điều kiện không thuận cũng có thể ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát mục tiêu. Do vậy, nhiều chuyên gia quan ngại về tình trạng tái lạm phát ở Việt Nam. Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế vùng Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ông Vikram Nehru cho rằng, "năm 2009, Việt Nam đã chống chọi thành công thông qua các chương trình kích cầu tài chính. Kinh tế tăng trưởng 5,3% là ngoạn mục. Nhưng hiện nay, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang chịu áp lực lớn".
Lãi suất có thể tăng trở lại?
Lộ trình LS thời gian tới phụ thuộc khá nhiều vào lạm phát. Nếu CPI vẫn giữ ở mức 7% thì LS giảm và ngược lại nếu CPI tăng.
Các con số thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong một thập niên vừa qua thường ở mức trên 30%/năm và luôn cao hơn kế hoạch của NHNN. Ước tăng tín dụng năm 2010 có thể đạt mức 25-30%/năm hoặc cao hơn một chút. Với động thái nới lỏng tín dụng, hạ LS, lạm phát năm 2010 sẽ vẫn tăng. Dự đoán, lạm phát năm 2010 vào khoảng 8-10%/năm. Theo nguyên lý, cứ lạm phát cao thì LS phải cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt nhưng lạm phát cao mà LS thấp, giảm LS là mâu thuẫn. Cái khó là NHNN ở trong thế “làm dâu trăm họ” vì phải làm tốt cả ba nhiệm vụ lớn: Tập trung kiểm soát lạm phát; Góp phần tăng trưởng kinh tế; Giữ ổn định thị trường. Điều hành CSTT trở thành một bài toán hóc búa.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khi mối lo lạm phát lớn dần, tín dụng sẽ bị hạn chế trở lại và LS có thể lại tăng ngay cuối năm nay hoặc đầu năm 2011. Hy vọng điều đó không diễn ra.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com