Tổng thống và các nghị sĩ Mỹ tạo áp lực với Trung Quốc về định giá đồng nhân dân tệ, theo các chuyên gia, có một phần thuộc về áp lực chính trị do tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ. Song cả hai nước này, không chỉ có chuyện thâm thủng thương mại mà còn có quan hệ chủ nợ và con nợ, nên việc giải toả áp lực khó có thể thực hiện ngay.
Mỹ và châu Âu cho rằng đồng nhân dân tệ bị định giá thấp hơn giá trị thực 20%. Ảnh: Reuters |
Ngay sau khi xuất hiện thông tin về dự luật trình lên thượng viện Mỹ đòi áp dụng trừng phạt thương mại với các nước cố tình định giá thấp tỷ giá hối đoái so với đồng USD, phía Trung Quốc có bước chuẩn bị đáp trả bằng cuộc điều tra doanh nghiệp thuộc 12 ngành sẽ chịu tổn hại thế nào nếu đồng nhân dân tệ lên giá.
Hai chủ bài tẩy
Tuy kết quả điều tra doanh nghiệp chưa được công bố, nhưng ngụ ý lại khá rõ. Một khi doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng họ khó lòng cạnh tranh được khi đồng tệ lên giá, các nhà làm chính sách của nước này có thêm cơ sở để nhấn mạnh đến tác động của thương mại quốc tế bị ảnh hưởng xấu nếu đồng tệ buộc phải tăng giá dưới áp lực mà Trung Quốc cho rằng hoàn toàn mang lý do chính trị.
Chưa thấy phản ứng nào khác của Trung Quốc về phương thức đối phó nếu ngày 15.4 tới, bộ Tài chính Mỹ có quyết định công nhận hay không Trung Quốc là nước thao túng đồng nhân dân tệ. Nếu có quyết định công nhận, bộ Thương mại Mỹ có thể áp thuế đặc biệt đối với hàng nhập khẩu từ những nước có chính sách tiền tệ như vậy.
Từ phản ứng của lãnh đạo Trung Quốc cuối tuần rồi, có thể thấy nước này sẽ trả đũa thương mại và sử dụng vị thế chủ nợ lớn của Mỹ. Thứ năm tuần trước Tổng thống Obama tuyên bố mạnh hối thúc Trung Quốc sử dụng chính sách tiền tệ theo “định hướng thị trường”. Đáp lại kêu gọi của Tổng thống Obama, ông Su Ning, phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc trả lời: “Mỹ không nên chính trị hoá chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Chúng tôi luôn từ chối chính trị hoá đồng tệ và chúng tôi không bao giờ nghĩ một nước lại nhờ nước khác giải quyết giùm vấn đề của nước mình”.
Sau đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trong một bài báo của Wall Street Journal đã nổi nóng: “Tôi hiểu chuyện một số nước muốn tăng xuất khẩu của họ. Nhưng tôi không hiểu tại sao đánh giá thấp đồng tiền người khác, rồi bắt người ta tăng giá để phục vụ mục đích xuất khẩu của mình. Tôi nghĩ đây là kiểu bảo hộ mậu dịch”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói Trung Quốc đang lo ngại về khoản dự trữ USD của mình. Theo các chuyên gia, đây là cách ông Ôn Gia Bảo ngụ ý cảnh báo nếu Mỹ tạo sức ép, Trung Quốc sẽ tung số nợ này ra.
Bị lật tẩy
Nhà kinh tế học Paul Krugman, người đoạt giải Nobel Kinh tế tự tin rằng Mỹ không phải lo, vì Mỹ đang nắm con át chủ bài. Ông Krugman nói: “Chúng ta không nên sợ Trung Quốc sẽ làm gì nếu chúng ta tạo sức ép buộc họ ngưng chính sách thao túng đồng tệ”. Theo đó, nếu Trung Quốc bán ra số tài sản thì nước này sẽ chịu thiệt hại vì giá sẽ tụt nhanh. Quan trọng hơn, ông Krugman cho rằng, thương mại thế giới được lợi chứ không bị thiệt hại gì như lời cảnh báo do Trung Quốc đưa ra. Với lập luận này, ông Krugman, với tư cách là học giả có nhiều nghiên cứu về thương mại quốc tế, muốn đánh đổ chiêu bài hù doạ thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng do các nhà làm chính sách Trung Quốc đưa ra thông qua báo chí nước này.
Vì tin những phản ứng của Trung Quốc có thể làm lợi cho Mỹ và thế giới, nên ông Krugman kiến nghị Chính phủ Mỹ phải có thái độ cứng rắn hơn trong đàm phán và hành động. Ông Krugman nói: “Khả năng kích hoạt một cuộc chiến thương mại rất nhỏ”.
Dữ kiện lịch sử có vẻ củng cố cho tuyên bố của ông Krugman. Giáo sư Michael Pettis của trường quản lý Guanghua, thuộc đại học Peking chuyên ngành thị trường tài chính Trung Quốc nhắc lại khi Thế chiến thứ nhất bắt đầu, chuyện tương tự đã xảy ra. Trong nỗ lực nâng cao dự trữ vàng nhanh chóng để trả chi phí chiến tranh, cuối mùa hè năm 1914, các nước châu Âu tham chiến tung vào thị trường Mỹ một lượng nợ còn lớn hơn số nợ của Mỹ hiện đang nằm trong tay Trung Quốc. Điều này đã gây xáo trộn lớn trên thị trường, nhiều người ở Washington và New York mất ngủ trong khoảng sáu tháng. Nhưng chính phủ Mỹ đã chuyển số tư bản tạm thời đó vào đúng chỗ cần, kiểm soát thị trường chứng khoán. Sau khi sự hỗn loạn trôi qua, lịch sử chứng kiến một đợt chuyển giao một lượng tài sản, tiền của lớn từ châu Âu qua Mỹ.
Trong buổi gặp sinh viên đại học Thanh Hoa, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Jon Huntsman cho rằng, đòi hỏi về thay đổi cách định giá đồng nhân dân tệ không chỉ xuất phát từ nhu cầu của Mỹ mà còn của các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tuy chỉ trích đòi hỏi của Mỹ là không công bằng, nhưng người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc không quên nhấn mạnh rằng, hai bên cần phải “bình tĩnh và có lý trí”.
Giáo sư Pettis cho rằng, nếu đồng tệ được định giá lại Trung Quốc có tổn thất nhưng Mỹ chưa chắc được lợi. Nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại, theo giáo sư Pettis, không phải nhỏ như ý kiến của Krugman. Ông cũng cho rằng giải quyết mâu thuẫn như trong trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, không phải là chuyện một sớm một chiều. Trong khi chờ đợi quyết định từ hai nước, giới đầu cơ tiền tệ khó lòng bỏ qua cơ hội đánh cược vào sự mất giá của đồng tệ.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com