Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lãi suất thỏa thuận sẽ thiết lập mặt bằng mới

Không chỉ với các khoản vốn cho vay trung - dài hạn, mà sắp tới, cả với tín dụng ngắn hạn, ngân hàng cũng được áp dụng cơ chế cho vay lãi suất thỏa thuận. Đây là điều kiện tốt để các nhà băng cân đối chi phí trong hoạt động, nhất là khi giá vốn đầu vào đã vượt qua mức trần lãi suất huy động.

Lãi suất không tăng cao

Theo đánh giá của nhiều lãnh đạo ngân hàng, khi được thỏa thuận lãi suất cả với khoản vốn vay ngắn hạn, thì chưa hẳn mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ tăng hơn lãi suất áp dụng đối với khoản vốn vay trung - dài hạn hiện nay. Khi được thỏa thuận lãi suất, các khoản vốn vay ngắn hạn sẽ được ngân hàng điều chỉnh, áp dụng mức lãi vay cao hơn mức trần quy định cuối tháng 3 là 12%/năm. Song, nếu áp dụng lãi vay quá cao sẽ khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại và thực tế này đã xảy ra trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, mặc dù các ngân hàng được thực hiện cơ chế thỏa thuận lãi suất đối với vốn vay trung - dài hạn, nhưng tín dụng tăng trưởng không đáng kể. Ngân hàng ACB cho biết, tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng trong quý I chững lại. Do đó, ACB đã giảm dần lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay thỏa thuận mà ACB áp dụng đối với khách hàng doanh nghiệp dao động trong khoảng 14 - 15%/năm. Với các khách hàng có lịch sử quan hệ tín dụng tốt thì lãi suất là 14%/năm.

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, trong bối cảnh hiện nay, khi đầu ra sản phẩm chưa được cải thiện, thì việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng sản xuất - kinh doanh luôn được doanh nghiệp cân nhắc kỹ. Vì thế, với mức lãi suất cho vay thỏa thuận áp dụng 17 - 18%/năm, thì để phát triển được tín dụng là bài toán khó. Vị phó tổng giám đốc này nhận định, có thể trước mắt, lãi suất cho vay thỏa thuận chưa giảm ngay, do chi phí huy động vốn trước đó đã tăng cao, nhưng xu hướng lãi suất cho vay thỏa thuận trong thời gian tới sẽ giảm là điều chắc chắn.

"Mặt bằng lãi suất thỏa thuận sẽ được thiết lập lại sau một thời gian Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận với khoản vốn vay ngắn hạn. Khả năng vào cuối quý II, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm so với hiện nay. Một phần là do thanh khoản dồi dào hơn. Lúc đó, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng cũng được cải thiện", vị phó tổng giám đốc nêu trên dự báo.

Trả lời báo chí sau cuộc họp với các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM ngày 2/4, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nhận định, lãi suất thỏa thuận sẽ giảm trong thời gian tới. Ông Giàu cho biết, các NHTM nhà nước và hai ngân hàng cổ phần lớn vừa cổ phần hóa đã thống nhất đi đến việc giảm dần chi phí đầu vào ổn định lãi suất tiền gửi để giải quyết bài toán lãi suất đầu ra. Vì thực tế, áp dụng lãi suất thỏa thuận 16 - 17%/năm khó thu hút người vay. NHNN đã và đang thực hiện các biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần như: tích cực hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây; chỉ đạo NHTM nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần. Cụ thể, lãi suất cho vay thỏa thuận tại MHBS hiện được áp dụng mức trên dưới 14%/năm. Còn tại BIDV, lãi suất cho vay thỏa thuận được áp dụng từ mức 15%/năm trở xuống.

Thống đốc NHNN cho rằng, có thể so với các NHTM nhà nước, mức lãi suất cho vay thỏa thuận tại các ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ cao hơn, vì chi phí huy động vốn thường lớn hơn ngân hàng quy mô lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ cũng không thể áp dụng mức lãi vay quá cao so với mặt bằng chung của thị trường, vì nếu áp dụng lãi vay cao sẽ khó thu hút được khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, khả năng lãi suất thỏa thuận sẽ giảm, nhưng không nhiều. Tỷ lệ giảm còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách chống lạm phát của Chính phủ và chỉ số giá tiêu dùng… Kết thúc quý I/2010, tổng số huy động vốn của HDBank tăng 108,32% so với cùng kỳ năm trước; tổng dư nợ tăng 12,38%.

…mới kích thích tăng trưởng tín dụng

Mặt bằng lãi suất huy động được các ngân hàng áp dụng hiện không cao hơn trần quy định 10,499%/năm. Nhưng dưới nhiều hình thức khuyến mãi khác nhau, nếu cộng vào lãi suất thì lãi suất tiền gửi thực tế có nơi đã lên 11%/năm, thậm chí 12%/năm. Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cho biết, trong buổi họp với các NHTM cả hai khu vực TP. HCM và Hà Nội, các nhà băng lớn có ý muốn bỏ dần việc cộng thêm khuyến mãi, quà tặng vào lãi suất đầu vào, giữ ổn định mặt bằng như hiện nay để tiến tới giảm dần, nhằm đảm bảo ổn định lãi suất đầu ra để thu hút được người vay.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến ngày 31/3/2010 ước tăng 1,49% so với tháng 2/2010 và tăng 2,95% so với tháng 12/2009. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND ước tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 0,57% so với tháng 12/2009. Còn dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng 3,98% so với tháng trước và tăng 14,07% so với tháng 12/2009.

Theo các ngân hàng, muốn tăng trưởng được tín dụng, đòi hỏi mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận phải được điều chỉnh giảm. Đại diện ABBank cho biết, với một dự án khả thi hiện nay, chủ đầu tư chỉ chấp nhận mức lãi suất vay tối đa là 14%/năm, thậm chí còn thấp hơn. Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho rằng, các doanh nghiệp có dự án sản xuất - kinh doanh khả thi cũng khó chấp nhận lãi suất vay cao. Vì thế, nếu áp dụng lãi suất thỏa thuận 17%/năm, doanh nghiệp sẽ ngại tiếp cận vốn vay.

Đại diện TienPhong Bank đưa ra nhận định, có thể trong 3 tháng tới mới có thể thấy rõ được hiệu ứng của cơ chế thỏa thuận lãi suất cho vay. Song áp dụng lãi suất thỏa thuận cho vay cao, người vay e ngại tiếp cận vốn ngân hàng là điều chắc chắn. Hiện tại, so với khối khách hàng doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng cá nhân có chiều hướng giảm dần. Nguyên nhân chính là lãi suất cho vay thỏa thuận đối với cá nhân (tiêu dùng, mua nhà, đất trả góp… đã tăng cao). Có nơi lên đến 19 - 20%/năm.

Theo Phó tổng giám đốc Maritime Bank, ông Nguyễn Đình Tùng, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay ngân hàng trong lúc này luôn tỏ ra thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Vì so với cuối năm trước, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh kể từ khi NHNN cho phép ngân hàng thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vốn cho vay trung và dài hạn. Song, ông Tùng cho rằng, không phải được thỏa thuận lãi suất là ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay.

Thực tế, bài toán tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 luôn được các nhà băng tính toán kỹ lưỡng, để phù hợp với diễn biến của nền kinh tế và đặc biệt là theo chủ trương kiểm soát tăng trưởng tín dụng toàn ngành. Với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, với mục tiêu là kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 20% và tín dụng khoảng 25%, điều tiết lãi suất và tỷ giá theo hướng ổn định trong năm nay của NHNN, các ngân hàng không thể xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm trước. Thế nhưng, để thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xây dựng thấp hơn trong năm nay, các nhà băng cho biết, cũng là bài toán không dễ giải quyết.

Thống đốc NHNN cho rằng, áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận không đồng nghĩa là cho vay được nhiều hơn. Vì nếu áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận cao, thì doanh nghiệp sẽ không tiếp cận vốn. Mặt khác, với cơ chế lãi suất thỏa thuận, ngân hàng chỉ được phép cho vay thỏa thuận với các dự án hiệu quả, với điều kiện chặt chẽ, còn các dự án hiệu quả sẽ không cho vay. Do đó, không thể nói rằng, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh sau khi ngân hàng được thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận và các nhà băng cũng không thể chạy theo cuộc đua lãi suất tiền gửi, với chi phí quá cao.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,34% trong 3 tháng đầu năm, theo Thống đốc NHNN, không phải là thấp khi xét tới điều kiện kinh tế hiện nay. Thống đốc NHNN cho biết, huy động vốn đang có xu hướng tăng trở lại, tính đến cuối tháng 3/2010, huy động vốn tăng 3,8% so với cuối năm 2009, đặc biệt là tiền gửi của dân cư tăng 9,2%, cho thấy người dân tin tưởng vào hệ thống ngân hàng.

 

(Đầu tư Chứng khoán điện tử)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Giải tỏa sức ép tăng tỷ giá
  • Định giá nhân dân tệ: Lo ngại không chỉ đến từ Mỹ và châu Âu
  • Lực hút các dòng vốn đầu tư
  • “Bốc thuốc” cho lãi suất
  • Bao giờ Trung Quốc nâng giá đồng nội tệ?
  • Vay nợ nước ngoài: Kinh nghiệm từ Iceland và Hy Lạp
  • Trôi nổi thị trường ngoại tệ - Pháp lệnh ngoại hối có vô can?
  • Thị trường chờ dỡ bỏ lãi suất trần
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!