Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sắp có cuộc đua giảm lãi suất

Trong vòng hai tháng tới, thị trường ngân hàng sẽ chứng kiến cuộc đua ngược, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh từ đỉnh cao gần 20% hiện nay xuống mặt bằng mới 14-14,5%, thậm chí có nơi dưới 12%.

Điều khiến Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mở rộng cơ chế lãi suất thỏa thuận chính là nguy cơ chạy đua tăng lãi suất nếu không kiểm soát tốt, bởi ngân hàng có nhiều lợi thế hơn so với người đi vay. Tuy nhiên, các ngân hàng thuộc hàng đại gia khá ăn ý và đồng thuận với nhau tại buổi làm việc với Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cuối tuần qua, ai nấy đều thống nhất ổn định mặt bằng lãi suất để lo đầu ra cho xã hội.

Lãnh đạo của ba ngân hàng quốc doanh Vietcombank, Vietinbank và Agribank đều cho rằng do bị khống chế mức trần, để huy động được tiền trong dân các ngân hàng phải khuyến mại, cộng thêm lãi suất, vô hình chung tạo ra hệ thống lãi suất ngầm, thiếu minh bạch và khó quản lý. Lãi suất huy động sau khi đã cộng các khoản khuyến mãi lên tới 11% ở các ngân hàng quốc doanh và 12% ở các ngân hàng cổ phần, cao hơn nhiều so với mức trần 10,5%.

"Nên bỏ các hình thức khuyến mại, cộng thêm lãi suất, để ổn định mặt bằng huy động như hiện nay tiến tới giảm dần", Tổng giám đốc Vietinbank Phạm Xuân Lập gợi ý.

Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh có chung quan điểm này và cho rằng phải ổn định lãi suất đầu vào mới có được lãi suất đầu ra hợp lý cho doanh nghiệp. Tiếng là cơ chế thỏa thuận đã mở với các khoản vay trung dài hạn từ cuối tháng hai, nhưng Vietcombank đến nay chưa áp dụng nhiều, vẫn cứ lấy lãi suất tiết kiệm cộng với chênh lệch vài phần trăm để cho ra lãi suất cho vay 14-14,5%. "Cao hơn thế không cho vay được", ông Thanh lý giải.

Với các ngân hàng cổ phần quy mô lớn, chạy theo lãi suất của khối quốc doanh cũng không phải là điều quá khó khăn. Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho VnExpress.net biết: "Thời gian tới, nếu cho vay theo cơ chế thỏa thuận với tất cả các khoản vay, ngân hàng An Bình có thể duy trì ở khoảng 14,5 - 15% là có thể đảm bảo hiệu quả. Song, để đảm bảo tính thanh khoản cho nhà băng và kéo mặt bằng lãi suất cho vay về ngưỡng hợp lý thì lãi suất huy động cần được giữ dưới 12%". Ông Thanh cho biết thêm ABBank đang hướng tới việc loại bỏ khuyến mại cộng thêm lãi suất, và duy trì mặt bằng lãi suất huy động khoảng 10,5 -11%".

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, khi Ngân hàng Nhà nước đã cho áp dụng lãi suất thỏa thuận với cả vốn vay ngắn hạn sau khi đã cho áp dụng với vốn trung - dài hạn, lãi suất khó có thể tăng mà ngược lại sẽ giảm.

"Mức độ rủi ro của khách hàng đi vay đã được ngân hàng quy ra tỷ lệ phần trăm cho vay. Hiện tại, tính thanh khoản ở ACB vẫn tốt nên có thể đáp ứng cho mọi đối tượng vay", ông Toại nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết DongA Bank đang áp dụng lãi suất cho vay trung dài hạn dao động quanh 16%. "Thời gian tới, nếu lãi suất huy động được giữ dưới mức 12% thì ngân hàng có thể cho vay ở khoảng 14 - 15% vẫn đảm bảo hiệu quả", bà Vân cho biết.

Phó chủ tịch Ngân hàng Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng dự báo từ nay đến giữa tháng 5, thị trường sẽ chứng kiến cuộc đua xuống đáy, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau để giảm lãi suất. Mặt bằng lãi suất cho vay khi đó có thể chạm tới 12%, trong khi lãi suất huy động sẽ xuống dưới 10%.

"Lãi suất cao sẽ giết chết sản xuất kinh doanh. Một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường trả cổ tức 10% một năm là cao. Lãi suất cho vay mà vượt 12% thì quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Nếu không sớm điều chỉnh sẽ có doanh nghiệp thà đem tiền gửi ngân hàng rồi đi chơi chờ hưởng lãi còn hơn vất vả bỏ vốn vào kinh doanh", ông Hưởng phân tích.

Lãi suất cho vay cao nhất tại LienVietBank hiện là 15%. Với khách hàng tiềm năng, dự án hiệu quả, ngân hàng chủ động chào mức 12%. Thực tế vẫn có khách hàng nhiệt tình xin vay với lãi suất 18-20%, nhưng Liên Việt rất thận trọng với những trường hợp này. "Vay trên 12% một năm đã là liều. Những anh nào vay 20% chắc chắn chỉ đánh quả, làm ăn ngắn hạn", ông Hưởng nói.

Theo ông Hưởng, nếu các ngân hàng vẫn cứ cho vay lãi suất cao chắc chắn sẽ đón đầu sự đổ bể trong năm tới. Trong trường hợp các ngân hàng lớn đồng thuận hạ lãi suất, các ngân hàng nhỏ nếu không theo sẽ đối mặt với rủi ro bởi phải ôm vốn huy động lãi suất cao trước đây mà không thể đẩy ra cho vay.

"Xu hướng của tương lai là các ngân hàng phải cạnh tranh hạ lãi suất, nâng cấp chất lượng dịch vụ mới mong có khách hàng tốt. Mà khách hàng sống được thì ngân hàng mới có lợi nhuận", ông Hưởng nói thêm.

 

(VnExpress)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Sự kiện - Phân tích: Chính sách tiền tệ - công cụ hữu hiệu kiểm soát phục hồi kinh tế
  • Lãi suất thỏa thuận sẽ thiết lập mặt bằng mới
  • Giải tỏa sức ép tăng tỷ giá
  • Định giá nhân dân tệ: Lo ngại không chỉ đến từ Mỹ và châu Âu
  • Lực hút các dòng vốn đầu tư
  • “Bốc thuốc” cho lãi suất
  • Bao giờ Trung Quốc nâng giá đồng nội tệ?
  • Vay nợ nước ngoài: Kinh nghiệm từ Iceland và Hy Lạp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!