Việc đóng cửa các sàn giao dịch vàng không ảnh hưởng gì đến khối lượng giao dịch vàng cũng như giá cả vàng vật chất. Đó là khẳng định của nhiều doanh nghiệp vàng vào chiều 31-3. Tuy nhiên, điều mà giới kinh doanh vàng vẫn quan ngại là vẫn nhiều sàn giao dịch vàng chui hoạt động.
Chuyển hướng từ vàng ảo qua vàng vật chất
Giá vàng tiếp tục hạ 110.000 đồng/lượng Lúc 17 giờ ngày 31-3, giá vàng thế giới ở mức 1.108,7 USD/ounce. Cùng lúc, giá vàng miếng của các nhãn vàng SJC, SBJ tại TPHCM chốt ở mức 26,08 triệu đồng/lượng (thu vào), 26,12 - 26,13 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 - 120.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều 30-3. |
Chiều 31-3, hầu hết các sàn vàng lớn của các ngân hàng thương mại đều đã ngừng giao dịch đúng theo quy định. Tại sàn giao dịch vàng ACB, nơi đã xảy ra sự “lên” và “xuống” của hàng trăm ngàn nhà đầu tư, giờ trở nên vắng lặng. Bảng giá vàng điện tử trực tuyến trong trạng thái ngưng giao dịch. Sàn giao dịch vàng SBJ cũng trong tình trạng tương tự.
Theo ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh của SBJ, đơn vị đã đóng cửa sàn từ ngày 11-2-2010. Thay vào đó, đơn vị đang đẩy mạnh việc kinh doanh sỉ và lẻ vàng vật chất, nhất là vàng miếng Thần tài SBJ thông qua 320 điểm nhận lệnh giao dịch vàng qua tài khoản trước đây và phát triển thêm nhiều đại lý tại các tỉnh thành là các tiệm kim hoàn ở các tỉnh miền Tây, miền Trung và miền Bắc.
Cũng theo ông Quyền, riêng đối với vàng nữ trang, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ thành lập 8 cửa hàng tại TPHCM đồng thời đưa ra các chính sách hậu mãi, thu mua thích hợp bằng cách nâng cao giá mua và hạ giá bán từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/lượng so với các loại vàng miếng khác đang có trên thị trường. Song song đó, đơn vị dành lãi suất ưu đãi cho khách hàng gửi tiết kiệm bằng vàng SBJ qua hệ thống ngân hàng Sacombank. Chính nhờ có sự chuyển hướng kịp thời nên doanh số của SBJ trong 2 tháng đầu năm đã đạt hơn 3.300 tỷ đồng (bằng 40% so với cả năm 2009).
Sẽ không còn sàn giao dịch vàng kể từ ngày 31-3. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Sàn vàng Thế giới (VTG), cho biết đơn vị cũng đang tìm đối tác để chuyển hướng kinh doanh bằng cách kết hợp với các công ty chứng khoán, tư vấn tài chính, quản lý quỹ… Nhiều ngân hàng thương mại hiện nay cũng đẩy mạnh việc kinh doanh vàng vật chất bằng cách xây dựng thương hiệu vàng miếng và bán vàng vật chất thông qua hình thức thế chấp tài sản hoặc ký quỹ, nhưng với mức ký quỹ lên đến 10% và tài sản thế chấp có giá trị cao hơn số vàng mà nhà đầu đặt lệnh mua.
Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng cho phép gia hạn cho các nhà đầu tư giao dịch vàng ở nước ngoài thêm 3 tháng nữa (đến hết tháng 6), website của nhiều doanh nghiệp vàng cũng ồ ạt ra mắt dịch vụ nhận lệnh mua bán vàng trên tài khoản nước ngoài. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách để mở sàn vàng ở Lào và Campuchia để không “vướng” quy định bằng cách mở tài khoản cho nhà đầu tư (NĐT) ở nước ngoài rồi lập chi nhánh trong nước để các NĐT giao dịch trong nước, chỉ ký quỹ từ 1% - 3%. Điều mà các nhà chuyên gia lưu ý đối với các sàn vàng này là sự minh bạch trong việc đối ứng các lệnh mua bán với đối tác nước ngoài và khả năng thanh khoản của họ.
Quản lý, chế tài giao dịch biến tướng
Kể từ khi quy định đóng cửa sàn vàng có hiệu lực, đến nay thị trường vàng có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là khẳng định của hầu hết các doanh nghiệp vàng. Và bằng chứng là giá vàng trong nước đã bắt đầu “gần” với giá vàng thế giới hơn. Bên cạnh đó, cũng không có tình trạng nổ bong bóng (mỗi ngày tăng giảm 1 - 2 triệu đồng/lượng) như trước đây.
Qua đó có thể thấy, NĐT vàng qua tài khoản và NĐT vàng vật chất là 2 đối tượng khác nhau. NĐT vàng qua tài khoản không cần vốn lớn, chủ yếu canh chênh lệch của các đợt sóng vàng để hưởng lợi, trong khi phần lớn NĐT vàng vật chất lại là những NĐT lớn, muốn bảo toàn nguồn vốn bằng cách trú ẩn vào vàng, mục đích của hai loại NĐT này hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, việc đóng cửa sàn vàng chính thống nhưng không có biện pháp chế tài sàn vàng “chui” và việc để các dịch vụ nhận lệnh mua bán vàng qua tài khoản ở nước ngoài phát sinh như hiện nay sẽ ẩn chứa nhiều yếu tố không lành mạnh trong nền kinh tế. Đó là cảnh báo của một số chuyên gia là thành viên Hiệp hội Vàng thế giới tại Việt Nam.
Triển khai quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động đầu tư trên sàn vàng chấm dứt từ ngày 30-3. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Đầu tiên là thất thu thuế (nếu như trước đây nhà nước thu về hàng tỷ đồng từ hoạt động sàn vàng này thì hiện nay hoàn toàn không có). Kế đến tình trạng mất an ninh xã hội có thể xảy ra nếu như các chủ sàn vàng này bỏ trốn hoặc không có khả năng chi trả như trường hợp của sàn vàng Tuấn Tài hay một sàn vàng của Đài Loan (Trung Quốc) có chi nhánh ở TPHCM bỗng dưng biến mất cách đây 10 năm.
Bên cạnh đó vấn đề lớn nhất ở đây là tình trạng chảy máu ngoại hối. Việc giao dịch vàng trong nước thường quy đổi ra tiền đồng, nhưng giao dịch vàng qua tài khoản quốc tế, phần lớn đều dùng USD. Trong khi đó theo khẳng định của một giám đốc sàn vàng, cứ 10 lệnh “đánh” quốc tế, cao lắm chỉ có 3 hoặc 4 lệnh thắng, còn lại thường thua. Do vậy cần có biện pháp chế tài giao dịch kiểu này.
(Theo LÊ MAI THI // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com