Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần. |
Dự kiến trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt tay xây dựng văn bản hướng dẫn việc thực hiện cho vay các khoản ngắn hạn theo lãi suất thỏa thuận, theo định hướng Chính phủ đã đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 3 vừa qua.
Đầu ra được mở, cả ngắn hạn và trung dài hạn, trần lãi suất huy động cũng chờ đợi được gỡ bỏ để tạo điều kiện cho các ngân hàng cân đối trong hoạt động.
Nhưng mối quan tâm lúc này là khi có cơ chế mở đó, lãi suất trên thị trường liệu có tạo ra những biến động mạnh, thậm chí leo thang như từng diễn ra nửa đầu năm 2008?
Trả lời báo chí tuần qua về khả năng này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, cho rằng lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại hiện đang ở mức cao, xét theo lãi suất thực dương và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để ổn định lãi suất thị trường theo xu hướng giảm dần.
Cụ thể, nhà điều hành đã và đang tích cực hỗ trợ thanh khoản đối với ngân hàng thương mại với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây; hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ; chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần phù hợp diễn biến nền kinh tế.
Về phía ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của Ngân hàng An Bình (ABBank), cho rằng “việc Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ trần lãi suất huy động và bỏ luôn cả trần lãi suất cho vay ngắn hạn là một quyết định được thị trường tài chính chào đón và hoan nghênh”.
Ông Hiếu nhận định: với quyết định bỏ lãi suất trần cho cả cho vay ngắn hạn và huy động tiền gửi của dân chúng và doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất được dự đoán sẽ tăng cao và có tác dụng trực tiếp đến hoạt động của các ngân hàng. Ngân hàng có thể thu hút một lượng tiến nhàn rỗi đáng kể của dân cư và doanh nghiệp vì lãi suất huy động cao, đồng thời cũng thuận lợi hơn khi cho vay vì không bị kiềm chế trên danh nghĩa bởi mức lãi suất trần.
“Trên phương diện vĩ mô, điều này giúp thị trường ngân hàng trở nên minh bạch hơn, đóng góp cho sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường ngân hàng”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, đại diện ABBank cũng đặt vấn đề về lo ngại từ việc bỏ trần có thể đẩy mặt bằng lãi suất lên ngoài tầm kiểm soát. Và theo ông Hiếu, điều này có thể xảy ra, nhưng nếu để thị trường tự điều tiết thì sau một thời gian biến động sẽ tìm được điểm quân bình (equilibrium). Vai trò của Ngân hàng Nhà nước lúc này không còn mang tính can thiệp hành chính, mà mang tính chỉ đạo dựa vào các công cụ của chính sách tiền tệ như thị trường mở, lãi suất chiết khấu, dự trữ bắt buộc để điều tiết thị trường và hướng thị trường đến lãi suất mục tiêu.
Cũng theo đại diện này, “một điều đáng lo ngại khác là các doanh nghiệp vì thiếu vốn nên phải vay ngân hàng, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp thua lỗ vì phải trả lãi quá cao. Vì thế, về lâu dài Ngân hàng Nhà nước phải tìm cách đưa mặt bặng lãi suất xuống một mức hợp lý hơn, qua việc điều chính cung tiền. Lãi suất cho vay hiện nay quá cao, bất lợi cho các doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng. Mặt bằng lãi suất cho vay cần phải được giảm xuống dưới 10%/năm để các doanh nghiệp có khả năng trả lãi đồng thời tạo lợi nhuận cho chính mình, một tiền đề cho sự lành manh của cả nền kinh tế”.
Cùng quan điểm trên, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh – Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cho rằng việc mở cơ chế lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay ngắn hạn là “quá đúng” và lẽ ra nên triển khai sớm hơn; việc “thả” lãi suất tiền gửi trước sau rồi cũng thực hiện.
“Những điều chỉnh này là quá đúng, thậm chí đến giờ mới thực hiện là hơi trễ. Vì sao? Vì trước đó anh phải nói dối. Anh cho vay ngắn hạn nhưng chỉ cần “lách” thêm 1 ngày là thành trung hạn để theo lãi suất thỏa thuận. Thứ hai, cần thực hiện cơ chế đó để mạch máu vốn được thông suốt”, TS. Lê Thẩm Dương bình luận.
Yêu cầu mà chuyên gia này đặt ra là cần xem xét việc thực hiện những điều chỉnh trên trong bối cảnh mới. Theo ông, nếu năm 2008 là năm căng thẳng chống lạm phát, năm 2009 là năm tập trung cho tăng trưởng GDP, thì năm 2010 là năm của cân đối hai mục tiêu giữ lạm phát ở mức chấp nhận được và hỗ trợ tăng trưởng ổn định. Từ đây, chính sách tiền tệ cần xem xét để nới lỏng hơn và phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác.
TS. Dương phân tích: “Tất nhiên khi “thả” lãi suất thì sẽ lo biến động, leo thang. Nhưng thị trường sẽ điều chỉnh. Ngân hàng Nhà nước điều tiết thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ nhất định, tăng cung tiền, tăng hỗ trợ qua thị trường mở… Bên cạnh đó cần phối hợp chặt chẽ với việc kiềm chế giá cả các mặt hàng trọng yếu như thời gian qua; cần xem xét lại chỉ số ICOR để kiểm soát và tăng cường hiệu quả đầu tư …
Tôi tin rằng chủ trương Chính phủ vừa đưa ra sẽ thực hiện thành công. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết cùng các ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất. Chứ lãi vay 18%/năm thì tỷ suất lợi nhuận của công ty phải khoảng 25% mới đảm bảo sinh lãi, mấy công ty nào chịu được những mức lãi suất cao như thế?”.
Tất nhiên, chuyên gia này cho rằng việc hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ cũng ở mức độ nhất định, cân bằng với mục tiêu chống lạm phát. Và theo ông, năm nay nếu giữ được lạm phát khoảng 9% đã là một thành công.
(Theo Minh Đức // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com