Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, CPI 9 tháng tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2010 đã tăng 1,31% so với tháng 8/2010 là mức tăng mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong 9 tháng qua, CPI đã tăng 6,46% so với tháng 12/2009. Tuy vậy mới đây, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: CPI 9 tháng tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Giá tăng do nhiều nguyên nhân
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa, trong 9 tháng qua, giá hàng hóa tăng do nhiều lý do. Trong đó, những yếu tố gây tăng giá là do kinh tế thế giới năm 2010 phục hồi hơn dự báo khiến nhiều loại nguyên vật liệu nước ta phải nhập khẩu tăng.
Cụ thể, so với giá nhập khẩu 9 tháng so với cùng kỳ năm 2009, giá thép thành phẩm đã tăng 30%, phôi thép tăng 28,4%, bông sơ tăng 41%, xăng dầu tăng 31%... Vào những tháng đầu năm, thời điểm diễn ra các lễ hội, sức mua thị trường tăng cao.
Bên cạnh đó, tác động của tăng tỷ giá, lãi suất, giá điện, xăng dầu, nước sạch... đã khiến chỉ số giá tăng. Sức mua hàng hóa dịch vụ 9 tháng tiếp tục tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong khi đó, thời tiết, dịch bệnh trong những tháng đầu năm lại diễn biến phức tạp, thiếu điện cho sản xuất... đã tác động đến sản xuất, đẩy chi phí sản xuất tăng lên hoặc tác động đẩy giá thực phẩm tăng.
Việc dừng hỗ trợ lãi suất 4% với các khoản vay ngắn hạn từ 1/1/2010 thay thế bằng chính sách cho vay với lãi suất thị trường cộng với việc các ngân hàng thương mại thu phí của khách hàng vay vốn làm cho lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh lên tới 14- 16%, đẩy chi phí vốn của các doanh nghiệp tăng.
Việc áp dụng trở lại mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% thay vì 5% của năm 2009 đối với một số mặt hàng; việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu... cũng là yếu tố tác động làm tăng gia thành hoặc tác động tâm lý gây áp lực tăng giá.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, nhiều biện pháp bình ổn giá cũng đã được triển khai có hiệu quả thông qua việc đảm bảo cung cầu hàng hóa, điều hành chính sách tiền tệ, tài chính, xuất nhập khẩu... Đặc biệt là Hà Nội và Tp.HCM và nhiều tỉnh thành trong cả nước đã áp dụng nhiều biện pháp bình ổn giá. Riêng Hà Nội và Tp.HCM tiếp tục áp dụng biện pháp để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp bán các mặt hàng thiết yếu thấp hơn giá thị trường từ 5-10% đến hết năm 2010.
Dồn lực cho 3 tháng cuối năm
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại và Giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng, trong 9 tháng của năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 6,46% so với tháng 12/2009. Do vậy, trong 3 tháng cuối năm, CPI chỉ được tăng không quá 0,5%/tháng mới mong đạt chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 xung quanh mức 8% như Chính phủ đề ra.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, theo chu kỳ hàng năm, CPI các tháng cuối năm thường tăng cao hơn do nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong các dịp lễ tết, nhu cầu thu mua hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lượng tiền cung ứng ra lưu thông nhiều hơn.
Bên cạnh đó, việc kiềm chế giá cả những tháng cuối năm nay còn chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi khi mà giá nguyên vật liệu trên thế giới vẫn đang có xu hướng tăng, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và đang có nguy cơ lan rộng gây khó khăn cho việc khôi phục chăn nuôi và chuẩn bị nguồn hàng cho các dịp tiêu thụ cao điểm cuối năm.
Do vậy, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta không được chủ quan với lạm phát. Ngay từ đầu năm 2010 ông Ánh đã dự báo: Nếu tính qui luật của diễn biến thị trường giá cả được duy trì trong năm 2010 kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý thị trường giá cả hợp lý thì CPI cả năm có thể ở mức một con số.
Tuy nhiên, nếu các điều kiện này không đảm bảo thì CPI có thể tăng cao hơn. Do vậy, việc điều chỉnh giá cả một số mặt hàng cần thận trọng trong quyết định mức độ và thời điểm để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2010.
Nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định giá cả các mặt hàng các tháng cuối năm, Tp.HCM đã chi gần 300 tỷ đồng để thực hiện Đề án bình ổn giá các tháng cuối năm. Theo đó, các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Đề án này sẽ được vay vốn ưu đãi, không bị tính lãi suất, không cần thế chấp tài sản trong thời gian 6 tháng kể từ ngày giải ngân.
Các doanh nghiệp nhận vốn hỗ trợ không những cam kết về chất lượng mà giá bán phải thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 10% và phải có đăng ký chốt giá bán trước khi tung ra thị trường.
Với kế hoạch này, ngành công thương Thành phố dự kiến sẽ bình ổn được khoảng hơn 20% hàng hóa tiêu dùng hàng tháng của người dân sống trên địa bàn thành phố.
Để đạt mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng ở mức 8%, Bộ Tài chính cho rằng: Cần tiếp tục thực hiện có giải pháp đồng bộ quy định tại Nghị quyết 18/NQ- CP ngày 6/4/2010 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các biện pháp quản lý giá cả.
Theo đó, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là giá các loại nguyên loại đầu vào của nền kinh tế; kiến nghị, đề xuất các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là các mặc hàng thiếu yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá trong dịp lễ Tết sắp tới.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, về mở rộng thị trường, thủ tục hành chính... để giúp doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, chuẩn bị đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng chi từ nguồn ngân sách, hàng hóa dịch vụ được trợ giá, trợ cước, hạn chế tối đa trường hợp vượt dự toán. Không điều chỉnh giá điện, giá than bán cho điện, xi măng, giấy, phân bón. Giữ ổn định giá nước sinh hoạt, cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt.
Đồng thời, linh hoạt các biện pháp bình ổn giá khi thị trường có những biện pháp bất thường. Chẳng hạn như với mặt hàng xăng dầu, nếu cần thiết có thể giãn thời gian điều chỉnh tăng giá theo đúng quy định, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ thuế, quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, để giá cả không tăng bất hợp lý cần triển khai kiểm soát công tác đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá...
(NDHMoney)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com