Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhật đẩy mạnh M&A

Nhờ đồng yên mạnh, các doanh nghiệp Nhật đã tận dụng cơ hội để mua lại các công ty ở nước ngoài.

Ít ai quên được các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) đình đám ở nước ngoài của các tập đoàn Nhật như Sony hay Mitsubishi trong giai đoạn đỉnh điểm của bong bóng kinh tế Nhật năm 1989. Nay, cơn sốt M&A đang lặp lại giữa lúc Nhật phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ trong nước.

Tận dụng lợi thế

Việc đồng yên tăng mạnh so với đồng USD ở mức cao kỷ lục trong 15 năm qua đã gây bất lợi cho các nhà sản xuất của Nhật như Toyota và Sony. Hàng xuất khẩu của họ đang trở nên đắt hơn so với các đối thủ nước ngoài. Và điều này đã gây sức ép lên sự phục hồi của nền kinh tế Nhật, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ thông tin, đang đứng trước cơ hội có một không hai, đó là dựa vào lợi thế đồng yên mạnh để mua lại các doanh nghiệp ở nước ngoài.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Nhật đã bỏ ra 27 tỉ USD mua lại các công ty ở nước ngoài, cao hơn con số của cả năm 2009. Đáng chú ý là một loạt thương vụ mua lại của Tập đoàn Viễn thông NTT, trong đó có thỏa thuận mua lại công ty cung cấp dịch vụ mạng trụ sở ở Nam Phi Dimension Data vào tháng 7 với giá 3,24 tỉ USD. Đầu tháng 9, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven của Tập đoàn Seven & i Holdings đã mua lại đối thủ Mỹ Casey’s General với giá 2 tỉ USD.

Trong số các doanh nghiệp tích cực lao vào các thương vụ M&A còn có Rakuten, công ty thương mại điện tử lớn nhất nước Nhật. Trong 4 tháng qua, Rakuten đã mua lại nhà bán lẻ trực tuyến Mỹ Buy.com với giá 250 triệu USD và trả một khoản tiền tương tự mua lại trang web mua sắm PriceMinister (Pháp).

“Đây là cơ hội hiếm có để các công ty Nhật mua lại các công ty nước ngoài nhằm tạo lập chỗ đứng trên thị trường thế giới”, Hiroshi Mikitani, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Rakuten, nhận định.

Từ đầu năm đến nay, đồng yên đã tăng 11% so với đồng USD. Điều này đã làm giảm sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Nhật, vốn là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia này. Đó là lý do tuần qua, Ngân hàng Trung ương Nhật đã mua vào số lượng lớn đồng USD lần đầu tiên trong 6 năm qua nhằm làm yếu đồng yên. Trong phiên giao dịch chiều ngày 24.9 tại Sàn Chứng khoán Tokyto, đồng USD đã đột ngột tăng từ 84 yên/USD lên mức 85,38 yên/USD trước khi giảm trở lại còn 85,07 yên/USD.

Tuy nhiên, ông Kazuki Ohara, chuyên gia tư vấn cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Nomura ở Tokyo, cho rằng: “Nền kinh tế Nhật cần phải có sự định hướng lại và nuôi dưỡng thế hệ các doanh nghiệp mới. Không nên đối phó với đồng yên như lâu nay vẫn làm là tìm cách kiềm giá đồng yên”.

Cần tái định hướng nền kinh tế

Nhiều chuyên gia phân tích khác cho rằng, Nhật cũng phải tái định hướng nền kinh tế theo hướng chú trọng các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như dịch vụ và công nghệ thông tin, đồng thời nâng cao chỗ đứng ở các ngành này tại thị trường nước ngoài. Đó cũng là chiến lược mà Rakuten đang theo đuổi.

Kể từ khi thành lập Rakuten năm 1997 và đưa lên sàn chứng khoán 3 năm sau đó, ông Mikitani đã đưa Công ty tăng trưởng rất nhanh nhờ vào hiệu quả của mô hình kinh doanh. Rakuten hiện có 64 triệu khách hàng tại Nhật và đạt doanh thu 3,54 tỉ USD năm 2009. Nhưng điều đặc biệt là Rakuten không sở hữu một kho hàng nào. Thay vào đó, Rakuten đóng vai trò như một đầu mối kinh doanh cho gần 36.000 nhà buôn trên khắp nước Nhật, bán đủ loại hàng hóa từ mỹ phẩm cho đến thiết bị thể thao. Và các hoạt động ở nước ngoài của Rakuten cũng giống như vậy, chủ yếu đóng vai trò trung gian (trực tuyến).

Sau khi thành lập cửa hàng tại Đài Loan vào năm 2008 và Thái Lan năm 2009, Rakuten bắt đầu tăng tốc. Vào tháng 1.2010, Rakuten tuyên bố thành lập liên doanh thương mại điện tử với công ty tìm kiếm trực tuyến Trung Quốc Baidu. Đến tháng 5 thì Công ty mua lại Buy.com. Cũng trong tháng này, Rakuten thành lập liên doanh tại Indonesia. Thương vụ PriceMinister tháng 6 vừa qua đã mở đường cho Rakuten tiếp cận khách hàng ở Pháp, Anh và Tây Ban Nha, đồng thời lên kế hoạch để nhảy vào nhiều thị trường khác ở châu Âu.

Bành trướng ra thế giới cũng là mục đích đằng sau các thương vụ mua lại của NTT. Dimension Data mà NTT mua lại hồi tháng 7 là nhà cung cấp các dịch vụ bảo trì hệ thống cho các mạng thông tin doanh nghiệp tại 49 quốc gia. Tháng 8.2010, NTT cho biết đang thâu tóm Secode, công ty an ninh thông tin số của Thụy Điển, với giá khoảng 23 triệu USD.

Trước đó, chi nhánh điện thoại di động NTT DoCoMo của NTT đã mua lại 26% cổ phần trong Tata Teleservices (Ấn Độ) với giá 2,7 tỉ USD. Hãng viễn thông này cũng mua lại gần 80% cổ phần trong Net Mobile (Đức) với giá khoảng 51 triệu USD.

Đầu năm nay, Softbank, một công ty khai thác dịch vụ điện thoại di động và dịch vụ internet của Nhật, đã nâng số vốn đầu tư vào 2 công ty mới thành lập có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), đó là Twitter và Ustream.

Một số doanh nghiệp Nhật cũng chú ý đến mảng cơ sở hạ tầng, như Mitsui. Tập đoàn này cho biết sẽ đầu tư 14,29 tỉ USD ra nước ngoài trong 2 năm tới. Tháng 8 vừa qua, Mitsui đã công bố việc thành lập liên doanh trong ngành nước trị giá 237 triệu USD với Hyflux, nhà cung cấp giải pháp nước của Singapore, nhằm thâm nhập vào ngành cơ sở hạ tầng và xử lý nước tại Trung Quốc.

Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự đoán, với lượng tiền mặt dồi dào và lợi thế đồng yên mạnh, sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn lao vào M&A. Theo một báo cáo cuối tháng 8.2010 của Goldman Sachs, tổng lượng tiền mặt nắm giữ bởi các công ty lớn niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo không thuộc lĩnh vực tài chính đã đạt mức 580 tỉ USD vào đầu năm nay.

“Hoạt động M&A gia tăng là điều tích cực đối với nền kinh tế Nhật nói chung, vì nó hứa hẹn tiềm năng tăng trưởng cao hơn và giúp giảm chi phí nhờ mở rộng quy mô. Điều này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty Nhật trên thị trường thế giới”, Kathy Matsui, chuyên gia kinh tế trưởng của chi nhánh Goldman Sachs tại Nhật, cho biết.

Đối với Rakuten, đồng yên mạnh sẽ giúp Công ty hoàn thành mục tiêu tiếp cận gần 30 thị trường nước ngoài trong 3-5 năm tới. Rakuten cũng đang dồi dào tiền mặt sau khi thu về lợi nhuận hoạt động 336,5 triệu USD trong nửa đầu năm 2010, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận này sẽ hỗ trợ vốn cho các thương vụ M&A của Công ty những năm tới.

(Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • "Dễ thở" hơn với Thông tư 13 sửa đổi?
  • Không kỳ vọng giảm lãi suất
  • Nợ công châu Âu, nhà đầu tư trái phiếu lo ngại
  • "Công thổ quốc gia" hay sự "sáng tạo" kì quặc về sở hữu?
  • Hệ thống tài chính Việt Nam vẫn khó tiếp cận
  • Doanh nghiệp Việt với tay sang địa ốc nước ngoài
  • Kiểm soát lạm phát: Khó khăn hơn so với dự báo
  • 6 nghi vấn về căng thẳng tỷ giá Trung - Mỹ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!