Sau khi Hiệp hội ngân hàng cùng với các thành viên đã có cam kết đồng thuận trần lãi suất huy động VND 14%/năm, các NHTM đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động VNĐ như cam kết. Thế nhưng thực tế, một số ngân hàng nhỏ để thu hút vốn và giữ vốn, không để nguồn vốn chảy sang ngân hàng lớn đã âm thầm "phá rào"...
Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng có nhắc đến việc một số người đi gửi tiền ngân hàng sẽ được ngân hàng thưởng 1% một năm trên tổng số tiền gửi ở tháng đầu tiên. Nếu số tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên thì còn được hưởng thêm một số quà khác, ngoài lãi suất chính thức là 14% một năm.
Tuy nhiên, thực tế trên bảng niêm yết, lãi suất huy động vẫn cứ đúng như đồng thuận là 14%. Khoản thưởng thêm này, chỉ là thỏa thuận ngầm giữa nhân viên ngân hàng và người gửi. Việc thưởng lãi suất cũng chỉ diễn ra ở các ngân hàng nhỏ.
Như vậy, vẫn có tình trạng ngân hàng "phá rào” mức chuẩn đồng thuận và cuộc đua lãi suất vẫn cứ tiếp tục diễn ra.
TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, giải pháp kêu gọi sự đồng thuận giảm lãi suất từ các ngân hàng nếu mà nói về lý thì không hợp lý lắm. Nhưng theo ông Phong, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì điều đó là cần thiết.
Ông Nguyễn Minh Phong cũng so sánh thêm về thêm về lần đồng thuận ngày 14/12/2010. Đây là lần đồng thuận thứ 3, trước đó, cả 2 lần đồng thuận đều thất bại. Tuy nhiên, lần này, mức đồng thuận 14% là khá phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN thực hiện chứng giám và sẽ xử lý nếu sai cam kết và quan trọng hơn là giãn tái cấu trúc vốn điều lệ cho các ngân hàng nhỏ để bớt đi sức ép thị trường.
Những động tác này làm cho sức ép về mặt huy động vốn, về nguyên tắc không còn nhiều.
Ông Phong cũng cho biết thêm: "Có thể có những trường hợp nào đấy, họ đẩy lãi suất cao nhưng không phải mục đích huy động vốn mà vì mục tiêu khác".
Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, việc kêu gọi đồng thuận chỉ là biện pháp tình thế, không thể bình ổn thị trường tài chính tiền tệ lâu dài.
Ông Thành cũng cho rằng, áp dụng mức đồng thuận sẽ gây thiệt thòi cho các ngân hàng nhỏ.
Ông Thành lấy ví dụ, chẳng hạn, cùng một mức lãi suất như nhau, người gửi tiền chắc chắn sẽ chọn ngân hàng "đại gia" để gửi. Do vậy, các ngân hàng nhỏ, muốn thu hút vốn huy động, phải có điều kiện hấp dẫn những người có tiền như tăng lãi suất cao hơn ngân hàng lớn, hoặc có các chương trình khuyến mại ô tô, tiền mặt...
Do đó, để lý giải vì sao vẫn có sự vượt rào "âm thầm" của một số ngân hàng, ông Thành cho rằng, với mức lãi suất ngang nhau, để giữ vốn, không cho đồng vốn bị chảy sang ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ sẽ buộc phải thưởng lãi suất, hay có những chương trình khuyến mại.
Điều này sẽ tạo ra hệ quả xấu là cuộc đua lãi suất sẽ là cuộc chiến không ngừng. Nó chỉ ngừng lại khi hoạt động của ngân hàng bị tắc. Nghĩa là khi các ngân hàng nhỏ không còn khả năng trả được lãi suất cao được nữa thì nó sẽ ngưng lại, bị người ta rút tiền ra, chạy qua ngân hàng lớn.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com